Tiếng Việt | English

03/04/2019 - 17:58

Tăng cường bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp

Ngành điện tăng cường thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA), giảm thiểu tình trạng mất điện, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An.

Vẫn xảy ra vi phạm

Thời gian qua, ngành điện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ HLATLĐCA trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân còn chưa thật sự nhập cuộc, đôi lúc chủ quan, ý thức giữ an toàn còn thấp dẫn đến vi phạm, gây sự cố về lưới điện, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt. May mắn, các sự cố xảy ra không gây thiệt hại về người.

Nhân viên điện lực lắp panô tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp

Nhân viên điện lực lắp panô tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ vi phạm HLATLĐCA, trong đó, huyện Đức Hòa xảy ra 3 vụ. Cụ thể, ngày 19/02/2019, thợ lắp bảng quảng cáo cho Công ty Đại Quang Vinh (bảng quảng cáo nằm dưới HLATLĐCA) tại khoảng trụ T06 - T07 tuyến 482 Đức Hòa. Trong quá trình lắp đặt, thợ để thanh sắt vi phạm khoảng cách an toàn, phóng điện gây sự cố lưới điện. Ngày 23/02/2019, đơn vị thi công cáp bưu điện làm dây cáp bung vào đường dây gây sự cố tại khoảng trụ T15B - 16 trục Đức Hòa - cống Bà Bông tuyến 478 Đức Hòa. Ngày 25/02/2019, xe cẩu thi công bốc dỡ ống cống vi phạm HLATLĐCA tại trụ T8/1-T8/1/1 NR Ngọc Tân Kiên, tuyến 478 Đức Hòa. Các sự cố làm mất điện toàn tuyến, gây khó khăn đến hoạt động sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Thình, ngụ xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, cho biết: “Hai sự cố lưới điện liên tiếp vừa qua trên địa bàn làm gia đình gián đoạn việc sản xuất, thiệt hại về kinh tế. Các đơn vị cần ý thức hơn trong vấn đề bảo vệ an toàn lưới điện. Nếu có thi công, lắp đặt công trình thì cũng nên chú ý, tuân thủ nghiêm các quy định, tránh gây sự cố về điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất. Chúng tôi kiến nghị, cơ quan chức năng, ngành điện phối hợp phát hiện, xử lý kịp thời các đơn vị vi phạm, tránh xảy ra sự cố như vừa rồi”.

Theo Phó Giám đốc Điện lực Đức Hòa - Hồ Hữu Trí, điện lực triển khai đầy đủ những giải pháp mà công ty đề ra. Tuy nhiên, vừa qua, địa bàn vẫn xảy ra các vụ vi phạm, gây mất điện một số tuyến. Điện lực nhanh chóng đến hiện trường, khắc phục sự cố, lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển UBND huyện xử phạt theo đúng quy định. Để hạn chế sự cố về HLATLĐCA, Điện lực Đức Hòa tiếp tục triển khai các giải pháp, kế hoạch của công ty, đồng thời tăng cường hướng dẫn, nhắc nhở người dân, doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định để không xảy ra sự cố, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt.

Tại huyện Bến Lức cũng xảy ra 1 vụ vi phạm HLATLĐCA. Cụ thể, ngày 08/3/2019, xe cần cẩu điều khiển móc các cục tạ nằm dưới HLATLĐCA, tại trụ 13-13B nhánh rẽ Long Kim - Long Hòa, trong quá trình thực hiện đã để cần cẩu va vào đường dây 22kV gây sự cố lưới điện tuyến 471 Long Hiệp. Theo Phó Giám đốc Điện lực Bến Lức - Lê Minh Đức, ngay khi sự cố xảy ra, điện lực nhanh chóng đến hiện trường khắc phục và nhanh chóng cấp điện để các hoạt động sử dụng điện trở lại bình thường. Điện lực ghi nhận, lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển UBND huyện xử phạt theo thẩm quyền.

Tăng cường các giải pháp

“Điện lực thực hiện việc lắp panô tuyên truyền, hướng dẫn về việc bảo vệ HLATLĐCA. Đơn vị làm việc với chủ cơ sở làm các biển quảng cáo, bảng hiệu, các công ty có phương tiện cơ giới, thi công gần lưới điện,... để họ nâng cao nhận thức và chấp hành tốt quy định về HLATLĐCA. Bên cạnh đó, chúng tôi ra quân dọn vệ sinh, phát quang, chặt tỉa cây xanh hàng tuần, ưu tiên những vị trí có nguy cơ để kịp thời ngăn chặn sự cố. Bên cạnh đó, điện lực còn thường xuyên phối hợp các đơn vị tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn điện, tai nạn điện, hành vi bị nghiêm cấm cho người dân nắm bắt, thực hiện để có trách nhiệm cùng với ngành điện bảo vệ HLATLĐCA, sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả” - ông Lê Minh Đức cho biết.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Long An - Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin: “Công ty luôn chủ động các giải pháp bảo vệ HLATLĐCA. Các điện lực trực thuộc duy trì chế độ kiểm tra HLATLĐCA (kiểm tra định kỳ, hướng dẫn toàn thể nhân viên trong đơn vị, kể cả đại lý thu hộ nhận biết các hành vi vi phạm), kịp thời phát hiện và ngăn chặn các loại phương tiện, máy móc làm việc (xe cẩu, xe ben,...) gần lưới điện cao áp; các hành vi xây dựng nhà ở, công trình, lắp đặt biển quảng cáo, ăng ten, độ tĩnh không,... vi phạm HLATLĐCA; phát quang cây xanh nằm trong hoặc cây nằm ngoài hành lang nhưng có nguy cơ ngã đổ vào lưới điện để ngăn ngừa sự cố; tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định để người dân nắm bắt, tuân thủ”.

“Tuy nhiên, gần đây, vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm, ngành điện tiếp tục tăng cường các giải pháp để bảo vệ HLATLĐCA. Triển khai thực hiện các giải pháp củng cố lưới điện và ngăn chặn vi phạm HLATLĐCA năm 2019, trong đó điện lực tập trung kiểm tra chặt chẽ hành lang lưới điện, phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm; thực hiện đúng quy định trong việc quản lý hành lang, xử lý vi phạm, đặc biệt là việc xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình, phát quang cây trong và ngoài HLATLĐCA. Phối hợp các ban, ngành và chính quyền địa phương xử lý, ngăn chặn các trường hợp biển hiệu, biển quảng cáo, ăng ten tivi,… có nguy cơ ngã đổ vào lưới điện; cáp thông tin, cáp viễn thông, lưới điện hạ áp sau điện kế khách hàng vượt đường giao thông chưa đạt độ cao tĩnh không theo quy định. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn điện và bảo vệ HLATLĐCA theo kế hoạch được duyệt, chú trọng tuyên truyền tại trường học, các cuộc họp huyện, xã, phường, ấp, khu phố,... Mời các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn có phương tiện cơ giới; các đơn vị thiết kế, lắp đặt biển quảng cáo; các nhà thầu xây dựng nhà ở, công trình,... đến điện lực để tuyên truyền các khoảng cách an toàn phóng điện nhằm ngăn ngừa sự cố lưới điện và tai nạn điện trong quá trình thi công. 

Tin tưởng với những giải pháp trên, HLATLĐCA được bảo vệ, bảo đảm cung cấp đầy đủ điện, tránh xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt và những hệ lụy đau lòng” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh./.

Theo Điều 10 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định khoảng cách an toàn theo cấp điện áp như sau:

1. Khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp quy định tại khoản 1, Điều 51 của Luật Điện lực được quy định: Điện áp đến 22kV: Dây bọc 1,0m, dây trần 2,0m; điện áp đến 35kV: Dây bọc 1,5m, dây trần 3,0m; điện áp đến 110kV: Dây trần 4,0m và điện áp đến 220kV: Dây trần 6,0m.

2. Khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp quy định tại khoản 4, Điều 51 của Luật Điện lực là khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và được quy định: Điện áp đến 22kV: 4,0m; điện áp đến 35kV: 4,0m; điện áp đến 110kV: 6,0m; điện áp đến 220kV: 6,0m và điện áp đến 500kV: 8,0m.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết