Tiếng Việt | English

07/03/2016 - 10:47

Long An:

Tăng cường chống xâm nhập mặn

Mùa mưa kết thúc sớm, nắng nóng kéo dài, lũ không về làm thiếu nước ngọt, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng ngàn hécta lúa Đông Xuân (ĐX) 2015-2016 trên địa bàn tỉnh Long An, nhiều diện tích bị mất trắng. Hiện nay, ngành chức năng đang áp dụng nhiều biện pháp chống xâm nhập mặn, tìm cách cứu lúa, hạn chế thiệt hại. Theo dự báo, nếu tình trạng nắng nóng, xâm nhập mặn kéo dài, tình trạng “khát” nước ngọt vẫn tiếp diễn thì vụ lúa ĐX của nông dân sẽ bị thiệt hại trầm trọng hơn.

 

Xâm nhập mặn gây thiệt hại trên lúa

Vụ mùa khó khăn

Toàn tỉnh hiện có 8.651ha lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Trong đó, 830,5ha lúa mùa có khả năng mất trắng, gồm các huyện: Cần Đước (124,5ha), Cần Giuộc (706ha); Diện tích bị giảm năng suất từ 30-70% là 303ha, tập trung ở huyện Cần Giuộc. Lúa ĐX, diện tích bị mất trắng 1.329,8ha, gồm các huyện: Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ. Diện tích bị thiệt hại trên 70% là 4.646ha, gồm các huyện: Cần Đước (570ha) và Thủ Thừa (4.076ha). Diện tích bị giảm năng suất từ 30-70% là 1.541,1ha, tập trung ở các huyện: Cần Giuộc, Tân Trụ, Bến Lức và TP.Tân An.

Đến thời điểm này, nhiều diện tích lúa tại huyện Tân Trụ, Thủ Thừa,... bị chết khô và không thể cứu vãn, trong khi các diện tích còn lại cũng đang trong tình trạng bị đe dọa.

Đang chờ nước cứu lúa, anh Lê Văn Long, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ cho biết: “Hơn 1/2 diện tích lúa của gia đình gần như mất trắng vì không có nước bơm. Vụ này, gia đình làm được 6 công mà giờ bỏ hết 2 công. Mấy hôm nay đang chờ nước để bơm lên ruộng, vớt vát được phần nào hay phần đó. Vụ lúa này, đành chịu lỗ nặng”.

Tại huyện Thủ Thừa, trên nhiều cánh đồng, trà lúa sắp trổ, đang trổ chuyển sang đỏ lá, một số diện tích lúa đang chết trên đồng. Ông Đỗ Văn Tư, ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa cho biết: “Thời gian đầu, 5 công lúa của gia đình phát triển rất tốt nhưng khoảng 1 tháng qua, lúa có biểu hiện xấu. Càng bơm nước lên ruộng thì cây lúa càng khô, không ngậm sữa. Do độ mặn quá cao, nếu tiếp tục bơm nước vào ruộng, tôi sợ sẽ làm hư đất, nên quyết định “buông tay”. Tiền phân bón lên đến hơn 10 triệu đồng còn nợ đại lý, giờ lúa thế này chưa biết tính sao?! Ngày nào chúng tôi cũng thử nước, nếu nước ngọt sẽ bơm ngay. Mong cơ quan chức năng sớm có cách đẩy nước về; đồng thời, ngăn mặn trên các kênh để chúng tôi bơm nước cứu lúa”.

Xả cống, cung cấp nước ngọt cứu lúa

Xổ mặn, bơm nước cứu lúa

Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc cho biết: “Huyện tập trung cao đối với công tác chống hạn, tích cực phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chủ động chỉ đạo, điều hành, huy động các ngành, xã, thị trấn tổ chức chống hạn, cứu lúa. Huyện chủ trương nạo vét 13 công trình, tổng chiều dài 13.550m gồm: Rạch 5 Chì, kênh KC2, KC3 (xã Quê Mỹ Thạnh); rạch Ông Đò, Ba Phương, rạch Nòng, rạch Đình (xã Lạc Tấn); rạch Đình (xã Bình Trinh Đông); rạch Tam Bôn (xã Bình Lãng); rạch Lá Văn, rạch cầu Hội (xã Đức Tân);... Trong đó, thi công xong 8 công trình, dài 6.950m; đang thi công 5 công trình, dài 6.600m để trữ nước và vận động người dân bơm nước nhiều cấp vào đồng ruộng, giải quyết được nước tưới trên 4.550ha lúa ĐX. Tuy nhiên, một số khu vực nước không đến được do xa kênh, rạch và sâu trong nội đồng như các xã: Tân Phước Tây, Bình Trinh Đông, Đức Tân,... với tổng diện tích khoảng 475ha, số này đang có nguy cơ mất trắng, trong đó, 67ha nông dân bỏ không sản xuất. Khó khăn hiện nay của huyện là kênh, rạch bồi lắng, trữ lượng nước không cao và các kênh nội đồng cạn nên không trữ được nước. Hiện lúa ĐX đang chuẩn bị làm đòng, nhu cầu nước rất cao”.

Tại huyện Thủ Thừa, Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi huyện mở cống Cây Gáo, thuộc rạch Cây Gáo, thị trấn Thủ Thừa để cung cấp nước tưới cho các xã: Nhị Thành, Bình Thạnh, Bình An, thị trấn Thủ Thừa và cung cấp nước tưới cho hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo, huyện Tân Trụ. Trạm còn kiểm tra, đo đạc thường xuyên nước trên kênh Thủ Thừa khi độ mặn nhỏ hơn 2g/lít thì dùng máy hút công suất lớn bơm vào các kênh nội đồng xã Nhị Thành: kênh Hai Cáng, kênh Đình, kênh Chùa ấp 1, xã Nhị Thành.

Dùng máy hút công suất lớn bơm nước từ kênh Thủ Thừa vào các kênh nội đồng xã Nhị Thành

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng chỉ đạo: “Các ngành chức năng thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh; tăng cường đo độ mặn đầu các cống và tranh thủ mở các cống lấy nước tưới khi độ mặn dưới ngưỡng cho phép.

Sở đề nghị Cty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tăng cường xả nước xuống sông Vàm Cỏ Đông trong các đợt triều kém để đẩy mặn, tạo nguồn nước tưới khu vực Bắc Bến Lức, Bắc Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ.

Các huyện rà soát lại nguồn nước do diễn biến ảnh hưởng xâm nhập mặn, độ sinh trưởng của lúa để xác định khu vực nào tiếp tục sản xuất, khu vực nào phải ngưng sản xuất nhằm giảm thấp nhất thiệt hại. Các huyện từ Thạnh Hóa đến đầu nguồn Vàm Cỏ Tây và các xã phía Bắc huyện Bến Lức trở lên huyện Đức Hòa, Đức Huệ khẩn trương khảo sát đắp các đập tạm để ngăn mặn xâm nhập vào các kênh, rạch nội đồng; tăng cường nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất; rà soát, chuyển đổi cây trồng vụ Hè Thu 2016 bảo đảm thích nghi với tình hình hạn, mặn cực đoan, gay gắt nhất; tăng cường công tác dự báo khí tượng, thủy văn.

Nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, bao gồm các dự báo, nhận định hạn vừa, hạn dài; thường xuyên cung cấp cho các cơ quan liên quan, các địa phương để phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông về hiện tượng El Nino, tình hình hạn, xâm nhập mặn, các biện pháp chỉ đạo ứng phó đến các cấp chính quyền, khuyến cáo người dân không lấy nước quá độ mặn cho phép; tổng hợp trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí các hộ dân bị thiệt hại và cho chủ trương nạo vét các công trình thủy lợi cấp bách để phục vụ sản xuất vụ Hè Thu tới”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết