Tiếng Việt | English

28/11/2018 - 09:22

Tăng cường công tác hòa giải, đối thoại

Tỉnh Long An vừa chính thức triển khai và đưa vào hoạt động 6 trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, TAND các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An.

Số vụ, việc Tòa án nhân dân thụ lý ngày càng tăng

Theo TAND tỉnh, những năm gần đây, số lượng thụ lý và giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính, hôn nhân trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Số vụ, việc thụ lý năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng trong năm 2018, TAND 2 cấp tỉnh thụ lý tổng cộng 43.637 vụ, việc dân sự và hành chính; giải quyết 40.101 vụ, đạt 91,9%. Trong đó, hòa giải thành, đối thoại thành 19.464 vụ, đạt 48,54%.

Phân tích số liệu từ các vụ, việc cho thấy, phần lớn các tranh chấp, khiếu kiện dân sự hiện nay thường là tranh chấp liên quan đến đất đai, thừa kế, hôn nhân - gia đình. Nhiều vụ, việc chỉ là những mâu thuẫn nhỏ chưa đến mức khiếu kiện nhưng không được hòa giải, tháo gỡ kịp thời, phải đưa ra tòa án giải quyết dẫn đến áp lực lớn đối với TAND 2 cấp. Trong khi đó, biên chế, nhân sự ngành tòa án chưa đáp ứng đủ yêu cầu công tác xét xử hiện nay. Hiện biên chế TAND 2 cấp tỉnh từ năm 2013 đến nay không thay đổi và còn thiếu hơn 20 biên chế. Tính bình quân mỗi thẩm phán phải giải quyết khoảng 10 vụ/tháng, cá biệt, một số huyện thụ lý số vụ việc nhiều thì thẩm phán phải giải quyết gần 20 vụ/tháng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh cùng lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân tỉnh dự hội nghị và thông qua việc thành lập 6 trung tâm hòa giải, đối thoại tại Long An

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh cùng lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân tỉnh dự hội nghị và thông qua việc thành lập 6 trung tâm hòa giải, đối thoại tại Long An

Do đó, việc tổ chức thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại TAND là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay. Nhất là việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác hòa giải, đối thoại, góp phần giảm áp lực trong công việc, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính tại TAND và công tác thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự; tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan hành chính nhà nước và của công dân.

Tăng cường hòa giải, đối thoại tại tòa án

Trước yêu cầu đổi mới công tác hòa giải, đối thoại, ngày 06/11, TAND tỉnh tổ chức hội nghị và triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong các tranh chấp về dân sự, khiếu kiện hành chính trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, tỉnh quyết định thành lập thí điểm 6 trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh, TAND các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và TAND Tối cao, sau khi tiến hành thí điểm công tác hòa giải, đối thoại tại TP.Hải Phòng, những trung tâm hòa giải, đối thoại được thành lập giúp giải quyết các tranh chấp trên tinh thần đoàn kết, hàn gắn các rạn nứt giữa người dân với người dân, giữa người dân với cơ quan Nhà nước; rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, khiếu kiện; góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Quyết định công nhận hòa giải, đối thoại thành công được các đương sự tự nguyện thi hành nhanh chóng sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân, cơ quan Nhà nước xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính để đưa ra những quyết định đúng đắn, góp phần khắc phục những mặt hạn chế của pháp luật, trước hết là pháp luật về hành chính.

Theo Chánh án TAND huyện Bến Lức - Lê Hùng Cường, việc thành lập trung tâm hòa giải, đối thoại sẽ làm giảm áp lực của tòa án, nhất là các địa phương phải thụ lý số vụ, việc nhiều như huyện Bến Lức trong công tác xét xử. Nhiệm vụ chủ yếu của trung tâm hòa giải, đối thoại sẽ tháo gỡ, hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động, đối thoại các khiếu kiện hành chính theo yêu cầu của đương sự và các vụ, việc trước khi tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện không được hòa giải, đối thoại theo quy định của pháp luật. Các hòa giải viên ở các trung tâm là những người am hiểu về chính sách, pháp luật, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy, sáng tạo, được kinh qua công tác ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, quản lý hành chính nhà nước, được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng hòa giải nên sẽ đáp ứng các yêu cầu về việc hòa giải, đối thoại.

Dù rằng hiệu quả thực tế của các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tỉnh cần có thời gian nhất định để kiểm chứng nhưng với kết quả bước đầu từ mô hình này sẽ tạo bước đột phá cho công tác cải cách thủ tục hành chính, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu của công tác cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế./.

Ban Nội chính - Kiên Định

Chia sẻ bài viết