Tiếng Việt | English

22/07/2019 - 10:06

Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng

Mặc dù thời gian qua, ngành xây dựng tỉnh Long An, thực hiện nhiều biện pháp để chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng nhưng việc vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn xảy ra, nhất là ở các huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ.

Những vi phạm phổ biến

Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng - Châu Ngọc Lâm, 6 tháng đầu năm 2019, qua kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 765 triệu đồng. Trong đó, các vi phạm phổ biến như xây dựng công trình, hạ tầng không có giấy phép, thiết kế, bản vẽ, trong quá trình thi công chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt hay việc quảng bá rầm rộ, nhận đặt cọc giữ chỗ khi chưa đủ điều kiện kinh doanh còn xảy ra nhiều tại các dự án khu dân cư, khu đô thị.

Một dự khu dân cư vi phạm trong lĩnh vực xây dựng

Đặc biệt tại các huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng diễn ra khá phổ biến. Chỉ từ đầu năm đến nay, một loạt dự án khu dân cư như Hưng Thịnh Cát Tường, Thiên Phúc - Hoàng Gia, huyện Đức Hòa; dự án Trị Yên Riverside, một số dự án khu dân cư tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc;... được các cơ quan chức năng xử lý.

Điển hình như tại dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường (xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa), chủ đầu tư chưa thực hiện xong các thủ tục kê biên bồi thường, hỗ trợ tái định cư; chuyển mục đích sử dụng đất và lập hồ sơ xin giao đất theo quy định pháp luật nhưng đã tự ý tiến hành san lấp mặt bằng. Trong việc xây dựng một số hạng mục hạ tầng như đường nội bộ, vỉa hè, thoát nước, hệ thống điện, cấp nước, nhà mẫu trên phần đất dự án, chủ đầu tư cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công và cấp phép xây dựng.

Tương tự, tại dự án Khu dân cư, nhà ở công nhân Thiên Phúc - Hoàng Gia (ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa), chủ đầu tư tiến hành san lấp mặt bằng trên đất lúa khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép. Ngoài ra, chủ đầu tư còn tiến hành xây dựng một số hạng mục trong dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công và cấp phép xây dựng.

Đối với cả 2 dự án này, chủ đầu tư còn tiến hành ký hợp đồng giao dịch với người dân nhưng chưa thực hiện thủ tục xin giao đất và chưa được Nhà nước giao đất. Hay như tại dự án Trị Yên Riverside (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan truyền thông liên tục phản ánh về những vi phạm trong quản lý xây dựng như xây dựng hạ tầng khi chưa được cấp phép, đổi tên thương mại dự án, quảng bá rầm rộ dự án trên mạng,... các cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra, xử lý và hiện nay chủ đầu tư mới đang thực hiện xin giấy phép thi công hạ tầng kỹ thuật tại Sở Xây dựng để tiếp tục triển khai dự án.

Tuy nhiên, thực tế tại dự án này, chủ đầu tư và đơn vị phân phối dự án vẫn tiếp tục thực hiện việc quảng bá, mời chào khách hàng. Thậm chí, phía dự án còn cử cả đội ngũ nhân viên hàng ngày phát tờ rơi mời chào khách hàng tại các tuyến đường quanh khu vực dự án.

Bên cạnh những vi phạm nổi cộm trên lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng thời gian qua, theo Sở Xây dựng, hiện nay, tình trạng vi phạm xây dựng, nhất là xây nhà trên đất lúa còn xảy ra rất phổ biến tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười.

Tình trạng xây dựng khi chưa có giấy phép xây dựng xảy ra khá phổ biến tại các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh

Nhiều biện pháp trong công tác quản lý trật tự xây dựng

Tại huyện Cần Giuộc, thời điểm năm 2017, tình trạng xây dựng nhà ở dân cư diễn ra vô cùng “nhộn nhịp”, hàng loạt căn nhà ở liền kề được hình thành một cách nhanh chóng tại các xã giáp ranh với TP.HCM như Tân Kim, Long Hậu, Long Thượng khiến việc quản lý gặp khó khăn.

Điều đáng nói, vào thời điểm đó, hầu hết những căn nhà ở dân cư được xây dựng thần tốc đều vi phạm trật tự xây dựng khi chúng được xây dựng trên đất nông nghiệp, các khu dân cư tự phát không có các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, xử lý môi trường.

Đỉnh điểm của việc xây dựng trái phép là việc UBND huyện Cần Giuộc trực tiếp tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh tình hình quản lý đất đai xây dựng trên địa bàn xã Long Thượng.

Và qua kiểm tra, xử lý, UBND huyện Cần Giuộc thi hành kỷ luật cách chức đối với Bí thư xã Long Thượng, cho nghỉ việc theo nguyện vọng đối với Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã và buộc thôi việc đối với 2 công chức địa chính - đất đai - xây dựng - môi trường xã Long Thượng và tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm tập thể đối với tập thể và cá nhân Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Phòng Tài nguyên Môi trường huyện.

Sau biện pháp “mạnh tay” này, tình trạng vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng giảm rất nhiều. Tuy nhiên, việc khắc phục sau kiểm tra, xử lý lại là vấn đề khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức, phải mất hơn 1 năm, việc khắc phục những vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện mới cơ bản hoàn thành. Và gần nhất vào cuối năm 2018, UBND huyện Cần Giuộc phối hợp UBND xã Tân Kim kiểm tra và buộc dừng thi công xây dựng công trình dự án Khu dân cư cán bộ, công nhân viên Sana Land tại xã Tân Kim đối với ông Lê Thành Nhanh do giấy phép không đúng đối tượng được cấp phép và thời gian của giấy phép đã hết hạn.

Sở Xây dựng cùng các ngành chức năng nhiều lần tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực xây dựng

Còn tại huyện Châu Thành, sau thời gian dài kiểm soát không chặt chẽ về việc xây dựng các kho bãi thu mua thanh long, đến nay tình trạng này đã được chấn chỉnh.

Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình, tính đến hết tháng 5/2019, các cơ sở thu mua thanh long đã có động thái thực hiện hồ sơ xin chủ trương đầu tư và các thủ tục theo quy định. Trong đó, có 71 cơ sở có chủ trương đầu tư, 26 trường hợp đang lập thủ tục xin chủ trương đầu tư. Về thủ tục xây dựng, có 72 trường hợp được cấp phép xây dựng, trong đó cấp phép chính thức cho 19 trường hợp và 53 trường hợp cấp phép xây dựng có thời hạn trên đất ở. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tiến hành xử lý vi phạm trên lĩnh vực đất đai, xây dựng với số tiền trên 650 triệu đồng.

“Quan điểm của huyện nếu đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật thì mới cho phép tiến hành khởi công xây dựng. Trường hợp không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà chủ đầu tư tự ý san lấp, xây dựng thì kiên quyết xử lý, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu, nếu không chấp hành thì cưỡng chế tháo dỡ” - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình thông tin.

Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng - Châu Ngọc Lâm, nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, ngoài việc tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên thì các ngành, địa phương cũng cần tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, người dân nhằm phòng ngừa việc xây dựng trái phép.

“Hiện nay, việc xây dựng đang diễn ra rất mạnh, khối lượng công việc nhiều trong khi cán bộ thuộc Phòng Kinh tế - Hạ tầng của các địa phương số lượng quá ít, chỉ từ 4-6 người nên phần nào cũng ảnh hưởng đến việc theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm. Do đó, chúng tôi đang kiến nghị đến UBND tỉnh cho thành lập lại một số đội Quản lý trật tự xây dựng - đô thị tại một số địa phương trọng điểm như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc để thực hiện tốt hơn công tác quản lý trật tự xây dựng. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ đầu nhằm kịp thời răn đe, giáo dục, xử lý vi phạm và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm mới” - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng - Châu Ngọc Lâm cho biết./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích