Tiếng Việt | English

15/06/2020 - 19:29

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tốc độ khi tham gia giao thông

Nguy cơ xảy ra
Nguy cơ xảy ra 

Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 01/01/2020 tăng mức phạt đối với vi phạm tốc độ. Cụ thể, đối với xe ôtô: Chạy quá tốc độ từ 5-10km/h bị phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng. Chạy quá tốc độ từ 10-20km/h bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Chạy quá tốc độ từ 20-35km/h bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng. Chạy quá tốc độ trên 35km/h bị phạt tiền từ 10-12 triệu đồng.

Còn đối với xe máy, chạy quá tốc độ từ 5-10km/h bị phạt tiền từ 200.000-300.000 đồng. Chạy quá tốc độ từ 10-20km/h bị phạt tiền từ 600.000-1 triệu đồng. Chạy quá tốc độ từ trên 20km/h bị phạt tiền từ 4-5 triệu đồng.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trên các tuyến đường ở địa bàn tỉnh, có rất nhiều bảng tuyên truyền, băng rôn, khẩu hiệu kêu gọi người dân chấp hành quy định về trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, có nhiều tấm bảng với nội dung yêu cầu người điều khiển xe chạy đúng tốc độ quy định, không phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu,… Một bảng hiệu mà người đi đường vẫn thường thấy và khá ấn tượng là "Nhanh một giây, chậm cả đời" để cảnh báo người tham gia giao thông. Không những vậy, có nhiều tuyến đường lắp biển cảnh báo "Đoạn đường có bắn tốc độ" để nhắc nhở người tham gia giao thông.

Cùng với công tác tuyên truyền, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các lỗi vi phạm điều khiển phương tiện tham gia giao thông chạy quá tốc độ quy định. Mặc dù vậy, hiện nay, vẫn có nhiều người cố tình vi phạm quy định này, trên nhiều tuyến đường từ thành thị đến nông thôn vẫn thường xuyên bắt gặp cảnh tượng những thanh niên điều khiển xe máy chạy với tốc độ rất cao, đã vậy còn lạng lách, đánh võng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, bức xúc: “Số lượng người và phương tiện tham gia giao thông hiện nay khá đông đúc nhưng một số người vẫn chạy xe với tốc độ rất cao, nẹt pô, vượt ẩu, lấn làn, thậm chí không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Vi phạm này rất dễ gây ra tai nạn giao thông”. Cùng quan điểm, anh Lê Văn Đông, ngụ thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, than thở, thời gian qua, tuyến đường Quốc lộ 62 nối từ TP.Tân An về các huyện, thị xã Đồng Tháp Mười của tỉnh bị xuống cấp trầm trọng, mặt đường nhỏ, hẹp, tai nạn giao thông xảy ra nhiều. Mặc dù vậy, nhiều người trong độ tuổi thanh niên điều khiển phương tiện trên tuyến đường này vẫn chạy với tốc độ "điện xẹt".

Không chỉ trên các tuyến đường nội thị hay quốc lộ, ngay cả tuyến đường nông thôn, đường liên ấp, liên xã, tình trạng chạy xe với tốc độ rất cao cũng xảy ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm tốc độ vẫn tiếp diễn là do nhiều người vì muốn đi nhanh, giảm thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa, hành khách nên không tuân thủ nghiêm quy định về tốc độ, nhất là khi lưu thông trong khu vực đông dân cư. Ngoài ra, có nhiều trường hợp điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia nên không làm chủ được tốc độ quy định,...

Thời gian qua, thông qua việc sử dụng thiết bị nghiệp vụ (máy kiểm tra tốc độ), lực lượng CSGT xây dựng kế hoạch chuyên đề kiểm tra tốc độ phương tiện trên các tuyến giao thông, nhất là các tuyến đường thường xảy ra tai nạn, đường qua khu vực đông dân cư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Ðối với các trường hợp bị xử lý, người vi phạm được xem lại hình ảnh chạy quá tốc độ tại nơi kiểm tra hoặc nơi xử lý vi phạm khi có yêu cầu.

Thời gian tới, lực lượng CSGT toàn tỉnh thường xuyên tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý hành vi vi phạm tốc độ đối với các phương tiện tham gia giao thông, tập trung kiểm tra tại khu vực đông dân cư, nơi thường xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, CSGT cũng thường xuyên phối hợp các cơ quan, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông cũng như hậu quả của hành vi chạy quá tốc độ, nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết