Tiếng Việt | English

17/05/2018 - 15:50

Tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng

Hiện, diện tích rừng ở Long An còn hơn 25.000ha. Để bảo tồn và khai thác rừng hiệu quả, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2020.

Theo Chi cục Kiểm lâm, thời gian qua, các địa phương có diện tích rừng tập trung củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng các cấp; tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR; trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, đáp ứng kịp thời khi có sự cố xảy ra; phối hợp Dự án WWF tổ chức tập huấn kỹ thuật PCCC rừng cho người dân sống ven Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Lâm trường Thạnh Hóa

Trong 2 năm 2016-2017, toàn tỉnh trồng được 2.067ha rừng. Triển khai thực hiện Đề án Trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh, tỉnh trồng trên 6,9 triệu cây phân tán các loại, đạt 233% kế hoạch. Đến cuối năm 2017, Long An có 244 triệu cây phân tán. Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm - Lê Hữu Lợi cho biết: “Tiếp tục thực hiện Đề án Trồng rừng phòng hộ tuyến biên giới, năm 2018, tỉnh triển khai tại thị xã Kiến Tường, đồng thời tăng cường bảo vệ rừng ngập mặn khu vực đồn Rạch Cát, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước và một số rừng ngập mặn hiện hữu ở vùng hạ. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2018, nhờ làm tốt công tác PCCCR nên toàn tỉnh không để xảy ra cháy rừng, những đám cháy ven rừng nhanh chóng được dập tắt”.

Dự kiến đến năm 2020, Long An giữ vững 25.000ha rừng, trồng thêm 3,5 triệu cây phân tán các loại, nâng tổng số cây phân tán trên địa bàn tỉnh lên hơn 246,6 triệu cây (quy đổi 24.660ha, đạt độ che phủ 5,5%); trồng 266ha rừng phòng hộ biên giới. Giai đoạn 2018-2020, trồng lại 1.700ha rừng sau khai thác, trong đó, chú trọng bảo tồn nguyên trạng rừng đặc dụng Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và Khu Bảo tồn đa dạng sinh học - cây dược liệu Đồng Tháp Mười theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tạo môi trường tốt nhất để bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái đặc thù nhằm nâng cao chất lượng rừng và giá trị đa dạng sinh học, kết hợp với nông - ngư nghiệp, kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường. Được biết, ngày 28/02/2018, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được UBND tỉnh phê duyệt đề án cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo Giám đốc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - Trương Thanh Sơn, hiện khu bảo tồn cùng nhà đầu tư Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười xây dựng đề án thực hiện khai thác môi trường đất rừng ngập nước kết hợp phát triển du lịch, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Khi đề án hoàn thành sẽ xây dựng cầu nối Đường tỉnh 819 (đường cặp kênh 79) với khu bảo tồn./.

Tính đến ngày 31/12/2017, tổng diện tích đất có rừng của tỉnh Long An là 22.738,41ha (diện tích rừng có trữ lượng 20.652,60ha, diện tích đất có rừng chưa có trữ lượng 2.085,81ha) gồm: Rừng sản xuất 18.751,34ha, rừng đặc dụng 1.961,44ha, rừng phòng hộ 2.025,63ha. Độ che phủ rừng của tỉnh năm 2017 là 4,6%. So với năm 2016, diện tích đất có rừng giảm gần 280ha.

Bảo Lâm

Chia sẻ bài viết