Tiếng Việt | English

25/09/2020 - 09:30

Tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn

Ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Long An phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm (nếu vi phạm) nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý lĩnh vực này.

Các đơn vị tiến hành thống kê, đo đạc, thống kê trữ lượng đất khai thác trái phép tại xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng để có biện pháp xử lý (Ảnh chụp hiện trạng ngày 22/9/2020)

Các đơn vị tiến hành thống kê, đo đạc, thống kê trữ lượng đất khai thác trái phép tại xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng để có biện pháp xử lý (Ảnh chụp hiện trạng ngày 22/9/2020)

Đóng cửa mỏ hầm đất khai thác xong

Những năm trước đây, chủ trương san lấp cụm, tuyến dân cư nên cần khai thác lượng đất tương đối lớn để phục vụ. Điều này vô tình tạo ra rất nhiều hầm đất trên địa bàn khi hoàn thành, kết thúc công việc san lấp. Lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành cũng như địa phương quan tâm việc đóng cửa các mỏ đã khai thác xong, bảo đảm an toàn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực này. Một số hầm đất sau khi khai thác xong đã được lập rào chắn, trồng cây xanh, biển cảnh báo nguy hiểm,... nhằm bảo đảm an toàn trong khu vực.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Phạm Tùng Chinh, số lượng các hầm đất khai thác phục vụ san lấp cụm, tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn là 629 hầm, tập trung chủ yếu tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Dù các cấp, các ngành quan tâm đến việc đóng cửa mỏ nhưng công tác này vẫn còn gặp một số hạn chế, khó khăn nhất định. Tại một số nơi vẫn chưa thật sự quan tâm đến công tác đóng cửa mỏ, gây chậm trễ, ảnh hưởng đến công việc chung, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đe dọa đến an toàn trong khu vực xung quanh vị trí các hầm. Thực tế trên cũng chỉ ra rằng, công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này vẫn còn lỏng lẻo, cần sự tập trung để thực hiện.

Trước những tồn tại trên, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đóng cửa mỏ tất cả hầm đất khai thác xong, giao Sở TN&MT phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Công tác đóng cửa mỏ được huyện Tân Thạnh chú trọng thực hiện. Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Thạnh - Tô Thành Dương, hiện nay, trên địa bàn huyện có 69 hầm đất đã khai thác xong với tổng diện tích 177ha. Thực hiện kế hoạch chung của UBND tỉnh, phòng đã tham mưu UBND huyện các giải pháp cụ thể, phối hợp Sở TN&MT trong công tác thực hiện. Hiện nay, huyện đã tính toán để lắp các biển cảnh báo, rào chắn và chỉnh lý đất đai khoảng 50 hầm. Huyện đang tích cực phối hợp Sở TN&MT rà soát và thực hiện công tác đóng cửa mỏ theo kế hoạch đề ra.

Trưởng phòng TN&MT thị xã Kiến Tường - Huỳnh Thanh Tâm cho biết: Trên địa bàn thị xã có 67 hầm đất đã khai thác xong, chủ yếu phục vụ công trình san lấp cụm, tuyến dân cư vượt lũ vào năm 2002-2003 theo chủ trương chung. Thị xã hỗ trợ các địa phương biển báo nguy hiểm để cắm, tiến hành trồng cây xanh xung quanh các hầm đất để che chắn, bảo vệ và tuyên truyền cho các hộ dân không bơi lội, tắm giặt gần hầm khai thác đất để bảo đảm an toàn. Hiện nay, thị xã phối hợp các ngành tổ chức triển khai thực hiện theo chỉ đạo, kế hoạch đóng cửa mỏ của UBND tỉnh. Mặt khác, một số hầm, thị xã cũng đã có quyết định thu hồi và giao cho UBND các xã, phường quản lý và tổ chức chỉnh lý biến động đất đai theo kế hoạch.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Ông Phạm Tùng Chinh thông tin: Hiện nay, đối với kế hoạch đóng cửa mỏ các hầm đất đã khai thác xong được ngành phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Các văn bản hỗ trợ liên quan được Sở hướng dẫn cụ thể để các địa phương dễ tiếp cận và thực hiện. Các đơn vị đã tổ chức kiểm tra hiện trạng hầm đất đang quản lý trên địa bàn; xây dựng kế hoạch vận động người sử dụng đất thực hiện giao trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trả lại đất cho Nhà nước quản lý theo quy định,... Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện được Sở tổng hợp đầy đủ, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh để có chỉ đạo phù hợp, góp phần hoàn thành kế hoạch đề ra.

Đối với các hầm đất được cấp phép khai thác khoáng sản, Sở tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động trong quá trình khai thác. Thanh tra Sở cũng có kế hoạch phối hợp địa phương trong việc kiểm tra, thanh tra, nếu vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định. Bên cạnh đó, các đơn vị được cấp phép phải tuân thủ báo cáo trữ lượng khai thác về Sở theo quy định để tổng hợp, theo dõi.

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Tân Hưng xảy ra  tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại xã Hưng Điền. Địa phương đã tổ chức các biện pháp chấn chỉnh, xử lý, chấm dứt ngay tình trạng này và yêu cầu cá nhân, tổ chức khắc phục hậu quả. Vấn đề này, Sở TN&MT cử phòng, ban chuyên môn phối hợp huyện Tân Hưng để hỗ trợ xử lý, chấn chỉnh. Hiện nay, các đơn vị tiến hành rà soát, đo đạc, thống kê trữ lượng khai thác đất trái phép để có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, Sở phối hợp các địa phương kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực liên quan.

UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 21-CT/UBND về việc Tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trong đó, giao UBND các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn ngay các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, không phép từ khi mới xảy ra, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản. Xây dựng kế hoạch, phương án quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên cơ sở bám sát với thực tế. Bố trí lực lượng, phương tiện giám sát thường xuyên đối với những địa bàn thường xảy ra hoạt động khai thác trái phép. Tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, rà soát tất cả bến bãi hoạt động trái phép, các địa điểm tập kết, mua bán khoáng sản không phép trên địa bàn quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện, xã có hành vi buông lỏng, bao che cho các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra trong một thời gian dài (từ 10 ngày trở lên). Chính quyền cấp xã nơi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong thời gian dài (từ 10 ngày trở lên) mà không tự giải tỏa, xử lý được thì phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước Huyện ủy, HĐND, UBND cấp huyện. Rà soát thống kê, phân loại từng trường hợp thật cụ thể đối với các hầm đất đã khai thác xong trước đây trên địa bàn quản lý (chủ yếu là các hầm đất phục vụ các công trình trọng điểm, các cụm, tuyến dân cư vượt lũ trước đây) để báo cáo Sở TN&MT cho ý kiến thực hiện đóng cửa mỏ đúng quy định. Định kỳ hàng quí, báo cáo tình hình, kết quả kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển trái phép về Sở TN&MT (ngày 25 của tháng cuối quí) để tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý.

Sở TN&MT chịu trách nhiệm theo dõi, phối hợp các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

Châu Sơn

 

 

Chia sẻ bài viết