Tiếng Việt | English

14/10/2016 - 11:01

Tăng lương cho cán bộ, công chức: Phải gắn với tinh giản biên chế

Cải cách chính sách tiền lương cần phải gắn liền với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, quản lý nghiêm túc cán bộ, công chức.

Chính sách tiền lương là một trong những nguyên nhân làm thay đổi diện mạo cán bộ, công chức và viên chức theo hướng méo mó. Hình ảnh cán bộ công chức, viên chức là “công bộc” của dân đang bị thay đổi. Biểu hiện dễ thấy là việc nhũng nhiễu, chạy chức chạy quyền, lười biếng, không chuyên tâm, lợi ích nhóm, vô cảm, không còn là “công bộc” của người dân,…

Nhìn ra các nước, sở dĩ họ hạn chế được nhũng nhiễu của đội ngũ công quyền với người dân là do có hệ thống luật pháp nghiêm khắc và được trả lương tương xứng với vị trí việc làm.

Ở ta, lương thấp thì ai cũng thấy. Ai cũng biết, cải cách tiền lương là vấn đề cấp bách. Thế nhưng, mỗi lần bàn đến tăng lương, cải cách tiền lương thì ngáng trở lớn nhất là “Tiền đâu?”.

Việc xây dựng hệ thống tiền lương rất quan trọng nhưng không khó bằng việc giải quyết những vấn đề vượt tầm của hệ thống tiền lương, thậm chí nằm ngoài hệ thống tiền lương nhưng lại có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cải cách hệ thống tiền lương.

Ảnh minh họa
Theo ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tính đến hết năm 2015, số lượng đối tượng áp dụng chế độ tiền lương theo qui định hiện hành (không tính lực lượng vũ trang) khoảng 2,727 triệu người, trong đó: Cơ quan hành chính quản lí nhà nước từ cấp huyện trở lên: khoảng 310,1 ngàn người; Cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoản thể chính trị xã hội từ cấp huyện trở lên: khoảng 86,4 ngàn người; Đơn vị sự nghiệp công lập: khoảng 2,074 triệu người; Cán bộ, công chức cấp xã: khoảng 256,6 ngàn người. Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã hưởng phụ cấp hằng tháng là 302,648 ngàn người.

Trong nhiều lần trao đổi với VOV về vấn đề tiền lương, ông Đặng Như Lợi cho rằng, số lượng công chức viên chức làm việc hết mình chỉ khoảng 40%, 30% là chỉ đâu đánh đấy, 30% còn lại là “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Vậy với 2,7 triệu người đang hưởng lương ngân sách, thống kê sơ bộ thì có tới 700.000 người không làm được việc, tiêu tốn 17.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm.

Theo Tiến sĩ Trần Xuân Cầu - nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn lực, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, việc tinh giản biên chế nên nhắm tới các đối tượng này để lấy nguồn cho cải cách tiền lương, tăng lương cho những người làm việc thực sự. Lâu nay, chúng ta vẫn trả lương theo cách tư duy trả thấp, thông cảm, chia đều, có thế nào trả thế đấy, chờ đợi, phụ thuộc ngân sách nên phản tác dụng. Nhà nước bỏ nhiều tiền nhưng không thu được kết quả.

Nhưng việc tinh giản biên chế hiện nay đang như “va vào đá” khi mà phần nhiều những kẻ không làm được việc lại rơi vào đối tượng “con ông cháu cha, người quen thân của lãnh đạo”. Thêm vào đó, khi xây dựng đề án vị trí việc làm, nhiều cơ quan nhà nước, đơn vị không xác định được khối lượng công việc và không xác định được cơ cấu công chức theo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nên chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu.

Nếu tinh giản được số cán bộ, công chức chỉ “uống nước chè và tán gẫu” này, theo tính toán của ông Cầu, từ nay tới năm 2018, chúng ta cần có 300 - 400.000 tỷ đồng (15 – 18 tỷ USD) để lương cơ sở tiếp cận lương tối thiểu vùng. Lúc đó: Lương giáo sư, giảng viên cao cấp hết bậc (8,00) được 28 triệu đồng/tháng. “Đây là phương án tuyệt vời”- ông Cầu nói.

Thực tế, những lần cải cách tiền lương vừa qua đều xảy ra tình trạng “gọt chân cho vừa giày”. Phương án ban đầu rất hay, rất khoa học nhưng cuối cùng vì thiếu nguồn nên vừa phát hạ bớt mức tăng tiền lương tối thiểu vừa phải thu hẹp độ giãn cách của hệ số tiền lương so với đề án ban đầu.

Để giải quyết vấn đề nguồn cho cải cách tiền lương, theo các chuyên gia, phải đổi mới tư duy về nguồn lực con người và thay đổi quan điểm về đầu tư phát triển cũng như về tích lũy và tiêu dùng theo hướng: Nhà nước cần dành nhiều hơn nguồn lực cho đầu tư phát triển yếu tố con người, mà trực tiếp nhất là để giải quyết các yêu cầu của cải cách tiền lương; thậm chí nếu có phải vì vậy mà giảm bớt đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, nhất là các công trình tư nhân có thể làm được, thì vẫn phải giảm.

Ông Trần Xuân Cầu cho rằng: Chính sách tiền lương hiện nay giống như chiếc áo lâu ngày bị rách đang bục dần cần được thay thế nhanh để thay đổi diện mạo của một con người, để nhìn nhận con người một cách tích cực hơn.

“Sẽ là vô nghĩa nếu cải cách chính sách tiền lương không gắn liền với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tăng cường quản lý cán bộ, công chức và viên chức,…vì lúc đó sẽ như “muối bỏ biển”” – ông Trần Xuân Cầu nói./.

Vũ Hạnh/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết