Tiếng Việt | English

06/07/2015 - 09:45

Tăng lương tối thiểu vùng 2016: 10 hay 15%?

VCCI cho biết dự kiến tăng hơn 10%, còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tính toán ở mức 15%.

Ảnh minh họa

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết: “VCCI đang lấy ý kiến của các hiệp hội về phương án tăng lương tối thiểu năm 2016, để đưa ra thương lượng tại Hội đồng tiền lương quốc gia, mức tăng dự kiến chỉ hơn 10%”.

Thông tin này được ông Vũ Tiến Lộc đưa ra tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp về chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH tổ chức.

Bên lề cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ trưởng Lao động-Thương , binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, có thể mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ bằng mức tăng của năm 2015, bình quân khoảng 15% mỗi vùng.

Trước đó, trả lời phỏng vấn của VOV.VN, Bộ trưởng Lao động-Thương, binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Mức lương tối thiểu vùng hiện nay mới đáp ứng được 63% mức sống tối thiểu. Tuy nhiên trong lúc khó khăn này cần tính đến sự chia sẻ giữa người lao động và DN. Nhưng thực chất so với thu nhập của DN thì thu nhập của người lao động vẫn rất thấp, nhất là công nhân, lao động làm cho các DN FDI.

Năm 2015, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động đã được tăng 400.000 đồng so với năm 2014 (15%). Cụ thể như sau: 3.100.000 đồng/tháng đối với vùng I; 2.750.000 đồng/tháng đối với vùng II; 2.400.000 đồng/tháng đối với vùng III; 2.150.000 đồng/tháng đối với vùng IV.

Để đảm bảo được lộ trình đến năm 2017 lương tối thiểu có thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, những năm tới, mỗi năm phải tăng khoảng 18% - 19%.

Để lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động vào năm 2017, Chính phủ chủ trương kiên trì lộ trình tăng lương tối thiểu vùng. Theo đó, từ năm 2015 lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh tăng thêm 15%, mức tăng từ 300.000 - 400.000 đồng tùy theo từng vùng.

Hiện tại, tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước vẫn đứng đầu, bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Còn mức lương ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 4,8 triệu đồng/người/tháng; ở khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 4,3 triệu đồng/người/tháng.

Với mức lương của năm 2015, nếu loại trừ yếu tố trượt giá là 4,08% thì tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động cải thiện không đáng kể.

Được biết, năm 2015, để đi đến thống nhất cuối cùng trong việc tăng lương tối thiểu vùng, các bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia (bao gồm Bộ LĐ-TB-XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI) đã có những cuộc họp tranh luận “nảy lửa”./.

Vũ Hạnh/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết