Tiếng Việt | English

30/10/2015 - 05:02

Tăng lương tối thiểu vùng không thể thấp hơn 12,4%

Dự kiến tháng 11 tới là mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 (áp dụng với khu vực doanh nghiệp) sẽ chính thức được công bố và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016.

Theo đề xuất của Hội đồng tiền lương Quốc gia mức tăng là 12,4%. Tuy nhiên đến thời điểm này, phía đại diện doanh nghiệp (VCCI) và phía đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam) vẫn bảo lưu quan điểm bất đồng về mức tăng đề xuất.

Ngóng tăng lương tối thiểu

Dù Hội đồng tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu thông qua mức tăng lương tối thiểu 12,4% nhưng ngay sau đó, một số hiệp hội doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiến nghị chỉ nên tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6 - 10%. Còn phía Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng gửi công văn kiến nghị tăng lương tối thiểu ở mức 14,4%. Những thông tin này khiến không ít lao động băn khoăn rằng liệu mức tăng lương 2016 sẽ là bao nhiêu?


Mức lương tối thiểu phải đảm bảo được đời sống cho người lao động.

Anh Bùi Văn Mạnh, làm việc tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết: “Chúng tôi ngóng tăng lương tối thiểu với mong muốn cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, đề xuất của một số hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị chỉ tăng 6-10% là quá thấp, khiến chúng tôi không biết năm 2016 mức tăng lương tối thiểu chính xác là bao nhiêu”.

Bên cạnh đó, nhiều lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lo lắng khi tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp sẽ cắt giảm các khoản phụ cấp khác để bù chi phí. “Chủ doanh nghiệp tôi đã “bóng gió” về vấn đề này, vì vậy chúng tôi cảm thấy rất lo lắng rằng nếu như vậy, ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi của chúng tôi, lương tối thiểu của lao động vốn đã không đảm bảo được cuộc sống, giờ vừa tăng được vài % thì lại bị cắt đầu, cắt đuôi thì còn lại được bao nhiêu”, chị Minh Ngọc, một công nhân tại Hà Nội cho biết.

Những tâm tư này của người lao động xuất phát từ việc đại diện VCCI và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã giằng dai quá lâu. Đến nay giữa phía đại diện doanh nghiệp và đại diện người lao động vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Quyết định của Hội đồng lương đã đưa ra cũng chưa phải quyết định cuối cùng.

Về vấn đề này, đại diện Bộ LĐTBXH khẳng định: Chắc chắn sẽ tăng lương tối thiểu vào năm 2016, vấn đề chỉ còn là lấy ý kiến các bên, trong đó có các doanh nghiệp, để lắng nghe xem chính sách tiền lương tối thiểu sẽ tác động ra sao tới doanh nghiệp, đồng thời cũng đánh giá xem đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Có cách tính thống nhất

Theo các chuyên gia về lao động - tiền lương, quan điểm của VCCI (đại diện cho giới chủ sử dụng lao động) và Tổng LĐLĐ Việt Nam khác xa nhau do cách khảo sát về tăng lương tối thiểu theo hai hướng khác nhau. VCCI dùng kết quả khảo sát doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến khó khăn doanh nghiệp gặp phải; trong khi Tổng LĐLĐ thì tập trung kết quả khảo sát từ đời sống công nhân. Quan điểm hai bên vì thế khó gặp nhau và khó tìm tiếng nói chung. “Do đó, từ đầu năm 2016, VCCI, Tổng LĐLĐ VN và Bộ LĐTBXH thống nhất sẽ cử đội chuyên gia trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, để cùng nhau đưa ra nguyên tắc, khung chương trình và tiêu chí khảo sát đời sống người lao động, thực trạng doanh nghiệp, tình hình kinh tế xã hội… Quá trình khảo sát sẽ thực hiện trong khoảng 6 tháng trước khi họp Hội đồng tiền lương Quốc gia”, đại diện Bộ LĐTBXH cho biết.

Về vấn đề mức tăng lương tối thiểu vùng, ông Bùi Sĩ Lợi, đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Hội đồng tiền lương đã thông qua mức 12,4% và đạt tỷ lệ đồng thuận cao, vì vậy các bên phải chấp thuận mức này. Chính phủ cũng căn cứ dựa trên tư vấn của Hội đồng tiền lương Quốc gia để đưa ra mức tăng. “Cá nhân tôi vẫn ủng hộ quan điểm mức tăng lương tối thiểu ở mức từ 10 - 12% bởi vừa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội phát triển”.

Cũng theo ông Bùi Sĩ Lợi, thực chất tăng lương tối thiểu hiện nay chỉ khó khăn với các ngành sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may, thủy sản… Những doanh nghiệp trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn từ việc tăng lương. Tuy nhiên, nếu không đẩy nhanh tiến độ lương tối thiểu, thì các doanh nghiệp này cũng ỷ lại và không chịu đổi mới công nghệ. “Tiền lương tối thiểu không phải là yếu tố tăng năng suất lao động. Tiền lương tối thiểu là mức lương thấp nhất chủ sử dụng lao động mà phải trả cho lao động trong điều kiện làm việc bình thường, không hề có yếu tố tăng năng suất lao động”, ông Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh.

Ông Cao Sỹ Kiêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng ủng hộ việc tăng lương tối thiểu nhằm cải thiện mức sống người lao động, nhưng tăng bao nhiêu là vấn đề cần bàn. Theo ông, đề xuất của Hội đồng tiền lương Quốc gia ở mức 12,4% là hợp lý. Hai bên nên nhân nhượng để lương tăng và cải thiện sản xuất, cải thiện đời sống người lao động bao gồm cả phúc lợi, đời sống văn hóa, chỗ ở, học hành… “Còn về phía doanh nghiệp, phải nhanh chóng áp dụng công nghệ mới để giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có những biện pháp hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp như giảm thủ tục hành chính, hải quan, lãi suất… để doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất”, ông Kiêm nói./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết