Tiếng Việt | English

11/09/2019 - 20:06

Tăng trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng

Năm 2017, UBND tỉnh Long An ban hành Chỉ thị số 12 nhằm chấn chỉnh và xử lý tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng đã và đang xảy ra rất nhiều trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Sau khi có chỉ thị này, tình trạng sai phạm về chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) và xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh đã giảm. Đồng thời, ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân về lĩnh vực đất đai, xây dựng có chuyển biến.

Thời gian qua, ngành chức năng, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng

Thời gian qua, ngành chức năng, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng

Từ thực trạng nhiều vi phạm về đất đai, xây dựng...

Từ năm 2017, UBND tỉnh nhận thấy công tác quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố còn nhiều hạn chế, một số nơi còn xem nhẹ, buông lỏng dẫn đến phát sinh nhiều vi phạm. Có nơi xảy ra rất nhiều trường hợp san lấp trái phép, xây dựng hàng loạt nhà kho, nhà xưởng trên đất lúa. Theo đó, có nơi cán bộ chủ chốt bị xử lý kỷ luật. Trước thực trạng này, các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng sai phạm về chuyển mục đích SDĐ và xây dựng trái phép.

Theo thống kê, tổng số trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng vào thời điểm trong năm 2017 trên phạm vi toàn tỉnh là 6.772 trường hợp (gần 1.000 trường hợp vi phạm là tổ chức, gần 5.800 là hộ gia đình và cá nhân). Trong tổng số vi phạm, có gần 3.300 trường hợp liên quan đến lĩnh vực đất đai, hơn 1.400 trường hợp liên quan lĩnh vực xây dựng và hơn 2.000 trường hợp vi phạm cả 2 lĩnh vực đất đai và xây dựng.

Trong tổng số trường hợp vi phạm được chỉ ra qua thanh tra, kiểm tra, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, xây dựng đối với hơn 1.400 trường hợp với tổng số tiền xử phạt hơn 13,8 tỉ đồng (trong đó, lĩnh vực đất đai hơn 580 trường hợp với số tiền hơn 3,9 tỉ đồng và lĩnh vực xây dựng chiếm phần nhiều khi có gần 850 trường hợp với số tiền hơn 9,9 tỉ đồng). Theo thống kê, số tiền bị xử phạt ở Cần Giuộc nhiều nhất là hơn 4,5 tỉ đồng; tiếp theo là Đức Hòa hơn 2,2 tỉ đồng; Bến Lức hơn 1,8 tỉ đồng và Cần Đước hơn 1,2 tỉ đồng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong tổng số 6.772 trường hợp vi phạm liên quan đến đất đai, xây dựng, chỉ có gần 2.600 trường hợp đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, có hơn 1.300 trường hợp đã thực hiện hợp thức hóa thủ tục về đất đai và xây dựng, gần 1.200 trường hợp tự nguyện khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu, 78 trường hợp bị cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Văn Thông cho biết: “Nhận thấy nhiều hạn chế, vi phạm như trên, năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND, ngày 28/6/2017 nhằm chấn chỉnh và xử lý tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng đã và đang xảy ra trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Qua 2 năm thực hiện chỉ thị này đã có nhiều chuyển biến”.

2 năm, xử phạt gần 1.000 trường hợp vi phạm

Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc SDĐ và xây dựng đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sau khi có chỉ thị, UBND các huyện, thị xã, thành phố phát hiện và xử lý gần 1.200 trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng, từ đó xử phạt 980 trường hợp với số tiền hơn 10 tỉ đồng (trong đó, hơn 5,1 tỉ đồng trên lĩnh vực đất đai và 4,9 tỉ đồng trên lĩnh vực xây dựng). Trong tổng số gần 1.200 trường hợp vi phạm, có hơn 500 trường hợp thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Trong đó, có hơn 360 trường hợp đã thực hiện hợp thức hóa thủ tục về đất đai và xây dựng, hơn 100 trường hợp tự nguyện khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu, hơn 50 trường hợp bị cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu. Ngoài ra, qua 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã giải quyết hơn 14.000 hồ sơ xin phép chuyển mục đích SDĐ của hộ gia đình và cá nhân”.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Văn Thông, dù vẫn còn những hạn chế nhưng nhìn chung, kể từ sau khi có Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh, các đơn vị chuyên môn, địa phương thường xuyên quan tâm, tăng cường thanh tra, kiểm tra về quản lý SDĐ, trật tự xây dựng trên địa bàn và lĩnh vực phụ trách nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm. Từ đó, tình trạng sai phạm về chuyển mục đích SDĐ và xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm. Đồng thời, ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân về lĩnh vực đất đai, xây dựng có chuyển biến tích cực.

Để tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12, Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiều giải pháp và kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm tiếp tục phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sai phạm, trong trường hợp cần thiết phải kiên quyết tổ chức cưỡng chế thi hành. Các ngành liên quan, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc ngăn chặn và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn.

Đồng thời, việc xem xét, thẩm định nhu cầu SDĐ để cho phép chuyển mục đích SDĐ phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ hàng năm, nhu cầu sử dụng thật sự về đất đai của người SDĐ. Không giải quyết thủ tục chuyển mục đích SDĐ đồng loạt đối với các trường hợp có dấu hiệu hình thành các điểm dân cư tập trung. Bên cạnh đó, không giải quyết hồ sơ chuyển mục đích SDĐ đối với diện tích lớn để tiến hành xây dựng kết cấu hạ tầng, sau đó phân lô, tách thửa dưới hình thức phê duyệt tổng thể mặt bằng hoặc hình thức cấp chứng chỉ quy hoạch để hình thành các khu dân cư tập trung,...

Lê Đức

Chia sẻ bài viết