Tiếng Việt | English

24/09/2018 - 14:18

Tăng trưởng GDP năm 2018 có thể vượt mục tiêu, đạt trên 6,7%

Ngày 24/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần chủ trì đầu cầu tỉnh Long An.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, nền kinh tế nước ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP có thể vượt mục tiêu, đạt trên 6,7% và dự báo triển vọng có thể đạt cao hơn khi những nỗ lực giải pháp các tháng cuối năm tiếp tục được duy trì hiệu quả.

Thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỉ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt ở mức cao mục tiêu do Quốc hội giao (33 - 34%).

Khả năng tất cả chỉ tiêu mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, năng suất lao động tăng.

Theo đánh giá, năm 2018 có nhiều điểm mới trong điều hành, thực hiện kế hoạch và có nhiều xu hướng tốt, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường gia tăng. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được bảo đảm, các cân đối lớn của nền kinh tế được tăng cường.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần  (hàng 1, thứ 2 từ trái qua) chủ trì đầu cầu tỉnh Long An
Những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hành động và phục vụ; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục phát huy tinh thần ngoại giao chủ động, sáng tạo, hiệu quả, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Dự kiến một số giải pháp: Tiếp tục thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh hơn nữa mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn nữa trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0; chú trọng các giải pháp phát huy nguồn lực tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả;...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 được Bộ báo cáo Chính phủ với mục tiêu chủ yếu là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6,8%. Với mục tiêu cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và các đột phá chiến lược; phát triển khoa học và công nghệ, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo nhằm tận dụng các cơ hội phát triển,…"./. 

Song Hồng

Chia sẻ bài viết