Tiếng Việt | English

11/07/2016 - 16:29

Tạo cơ chế phối hợp điều tra, truy tố xét xử đại án tham nhũng

Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 11/7, Hội nghị sơ kết đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác trong lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng giữa Ban Nội chính Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao đã được tổ chức tại Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh trong những năm qua, việc thực hiện các quy chế phối hợp trong công tác nội chính và phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ việc vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm an ninh trật tự, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền các cấp. Đặc biệt là các cơ quan đã phối hợp, đề xuất với Trung ương nhiều cơ chế phòng, chống tham nhũng.

Về phương hướng trong thời gian tới, Thượng tướng Tô Lâm đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cơ chế phối hợp thật sự hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những sơ hở bất cập của cơ chế, chính sách trong công tác phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan tiếp tục nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, chính sách quan điểm, định hướng về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Ban Nội chính phối hợp với các cơ quan liên quan của Đảng ủy Công an, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao sớm hoàn thiện văn bản chỉ đạo công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc các cơ quan điều tra, truy tố xét xử Trung ương, địa phương, ban hành để các cơ quan có kế hoạch triển khai thực hiện.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc lưu ý các cơ quan cần phối hợp hoàn thành xây dựng cơ chế phối hợp trong điều tra, truy tố xét xử sơ thẩm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; phối hợp phát hiện, tham mưu đề xuất khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Các cơ quan tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp có hiệu quả hơn trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo (ở 3 cấp). Trong đó, các cơ quan cần tập trung phối hợp để tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo, xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, tài liệu chắc đến đâu, xử lý đến đó, sau đó điều tra, xử lý tiếp, nhằm tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong phát hiện xử lý tham nhũng.

Báo cáo và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị nhấn mạnh, từ năm 2015 đến nay, các cơ quan đã chủ động, trách nhiệm, phối hợp có hiệu quả trong công tác nghiên cứu, đề xuất, tham mưu về cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan đã kịp thời phát hiện, kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quan lý nhà nước về kinh tế-xã hội. Nổi bật là phối hợp phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo, trong đó đã phối hợp tốt công tác tham mưu giúp Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý 243 vụ việc, vụ án thuộc 3 cấp độ trên phạm vi cả nước.

Các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, tồn đọng kéo dài, dư luận xã hội quan tâm thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và tỉnh, ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý. Đồng thời, các cơ quan đã tập trung chỉ đạo thu hồi được số lượng lớn tài sản của Nhà nước bị thất thoát do tội phạm kinh tế, tham nhũng gây ra, tăng nhiều so với các năm trước đây. Tỷ lệ thu hồi tài sản do tội phạm kinh tế, tham nhũng gây ra tính trung bình 3 năm 2013, 2014, 2015 là 29%, riêng năm 2015 là 44%, góp phần chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh với loại tội phạm này.

Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã từng bước thực hiện có hiệu quả vai trò điều phối giúp các cơ quan phối hợp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nói chung; chủ động nắm bắt tình hình để tham mưu Ban Chỉ đạo trong chỉ đạo đường lối xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp phù hợp với tỉnh hình, bảo đảm được các yếu tố chính trị, pháp lý, đủ sức răn đe, giáo dục, được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xử lý các vụ án, vụ viêc kinh tế tham nhũng.

6 tháng cuối năm 2016, các cơ quan tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính và tham nhũng. Các cơ quan phối hợp thực hiện kế hoạch số 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kiểm tra, giám sát, thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; triển khai các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng và kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo ở các địa phương và bộ, ngành Trung ương.

4 cơ quan phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng thuộc diện theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương theo kết luận tại các Phiên họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo.

Các cơ quan phối hợp theo dõi, nắm tình hình để đề xuất đường lối xử lý một số vụ án, vụ việc có dấu hiệu oan sai và vụ án, vụ việc thuộc lĩnh vực nội chính; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở địa phương và Bộ, ngành Trung ương, nhất là các vấn đề nổi lên về an ninh, trật tự, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật; tăng cường phối hợp, hướng dẫn; chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ án./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết