Tiếng Việt | English

25/11/2016 - 09:15

Tạo đà để kinh tế cửa khẩu cất cánh

Với lợi thế về vị trí, điều kiện tự nhiên sẵn có cũng như nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biên mậu, Long An được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) với diện tích tự nhiên 13.080ha. Đây là KKT đa ngành, đa lĩnh vực và trong tương lai sẽ là một trong những KKT khá quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng

Theo Sở Công Thương Long An, trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến giữa tháng 10/2016, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa theo hợp đồng thương mại đạt 21,5 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gần 12,2 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2015 và kim ngạch nhập khẩu 9,313 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp là 6,2 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2015; Cửa khẩu Mỹ Quý Tây là 14,7 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ và Cửa khẩu phụ Hưng Điền A là 469.000USD, gần gấp 3,6 lần so với cùng kỳ.

Trong khi giá trị xuất nhập khẩu theo đường chính ngạch tăng thì ngược lại, giá trị hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền (tiểu ngạch) trong 10 tháng của năm 2016 chỉ đạt gần 5 tỉ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, xuất khẩu tiểu ngạch qua Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp 954.800.000 đồng, giảm 80% so với cùng kỳ; qua Cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây gần 2 tỉ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ; và qua Cửa khẩu phụ Hưng Điền A gần 2 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo phân tích từ các ngành chức năng, giá trị hàng hóa qua đường tiểu ngạch giảm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có rủi ro cao trong việc mua bán và thanh quyết toán tiền, dẫn đến doanh nghiệp có tâm lý ngán ngại trong mua bán bằng con đường này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (áo xanh, thứ hai bên phải qua) đến khảo sát Khu liên hợp tại Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp vào tháng 6/2015 (lúc này ông giữ chức vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương). Ảnh: Mai Hương

Tạo đà để kinh tế cửa khẩu cất cánh

Để thực hiện chiến lược về xây dựng và tạo đà cho phát triển KKTCK, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2016, KKTCK là 1 trong 16 dự án kêu gọi đầu tư từ nhiều hình thức như PPP, BT, đầu tư trực tiếp. Trong 13.080ha diện tích được quy hoạch của KKTCK Long An tại thị xã Kiến Tường, đất dành cho khu phi thuế quan quy mô khoảng 160ha, được quy hoạch đến 2030; đất khu công nghiệp Cửa khẩu Bình Hiệp diện tích 360ha; trong đó, giai đoạn 1 diện tích 168,5ha và đất khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại tổng hợp với diện tích 172,3ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến 2.266 triệu USD, theo hình thức đầu tư PPP, BT và đầu tư trực tiếp.

Theo Ban Quản lý KKT, đến nay, KKTCK thu hút được 1 dự án FDI chuyên ngành may mặc, có vốn đầu tư 65 triệu USD với diện tích 16,9ha.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An - Nguyễn Văn Tiều cho biết, hiện tại, các ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp thu hút đầu tư vào KKTCK Long An, quy hoạch hình thành các khu nhà ở, khu đô thị hiện đại, hạ tầng đồng bộ, có cảnh quan môi trường chất lượng, là đô thị trung tâm của tiểu vùng phía Tây tỉnh Long An gắn kết với cửa khẩu. Trong tương lai, đây sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Tây tỉnh Long An; là đầu mối giao thông vùng TP.HCM, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và quốc tế; đồng thời, là đầu mối giao thương, kết nối với các tiểu vùng sông Mê Kông.

Người dân hai bên biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa dễ dàng hơn. Ảnh Song HồngMục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, vùng ĐBSCL, vùng TP.HCM đến năm 2030; Chiến lược phát triển các KKTCK của Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược phát triển KT-XH tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển KT-XH KKTCK Long An. Hình thành một không gian KKT tổng hợp có vai trò là hạt nhân kinh tế thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh Long An, vùng ĐBSCL thông qua đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thương mại và hợp tác giao thương giữa Việt Nam - Campuchia.

Được biết, hiện nay, với sự hỗ trợ từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, Long An đang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông dẫn đến KKTCK, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, chuyên chở hàng hóa; tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư trong tương lai./.

"Trong tương lai, đây sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Tây tỉnh Long An; là đầu mối giao thông vùng TP.HCM, vùng ĐBSCL và quốc tế; đồng thời, là đầu mối giao thương, kết nối với các tiểu vùng sông Mê Kông."

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Văn Tiều

Thanh Tùng 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích