Tiếng Việt | English

06/10/2016 - 08:46

Tạo đà để kinh tế tư nhân phát triển

Đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa là mong muốn lớn nhất của hầu hết doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa. Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển loại hình DN này của Chính phủ, Long An đang tích cực triển khai các chính sách trợ giúp để hoạt động của DN ngày càng hiệu quả.


Hầu hết nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón của Công ty Cổ phần Phân bón Hà Lan đều được kiểm tra kỹ lưỡng từ phòng thí nghiệm của công ty

Đẩy mạnh chương trình khuyến công   

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh - Nguyễn Văn Bôn cho biết: Năm 2016, trung tâm tập trung thực hiện 16 đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương với kinh phí khoảng 2 tỉ đồng. Trong thực hiện lập các đề án, trung tâm luôn xác định và ưu tiên hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo hướng đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh. Hiện nay, mức hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công còn hạn chế, song nó lại có ý nghĩa vô cùng lớn và được xem như “đòn bẩy” để tạo động lực khuyến khích các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư nâng cấp máy móc và các trang thiết bị hiện đại.

Có thể kể đến một trong những cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư và áp dụng công nghệ hiện đại phục vụ việc kinh doanh là Cơ sở Cơ khí Linh Phát (khu phố Gò Thuyền, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng). Cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cửa đi và cửa sổ bằng sắt, thép, inox; hàn tiện; thi công xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp;...

Chủ Cơ sở Cơ khí Linh Phát - Lê Tấn Phát cho biết, khách hàng luôn hướng đến những sản phẩm mới để trang trí nhà cửa hoặc nơi làm việc. Đặc biệt, thị trường hiện nay rất ưa chuộng tấm trần thạch cao, tấm prima có in hoa văn trang trí trần nhà. Ưu điểm của vật liệu này là gọn nhẹ, không độc hại, không cháy, cách âm và nhiệt tốt. Do đó, anh mạnh dạn đầu tư kinh phí trên 200 triệu đồng mua máy in lụa tấm trần nhằm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ngoài đầu tư máy in, anh Tấn Phát tiếp tục mua thêm các vật liệu đi kèm để hoàn thiện quá trình in ấn như khuôn in, màu, tấm prima thô,... với kinh phí 200 triệu đồng.

Dù rất quyết tâm nhưng cơ sở còn gặp khó khăn về tài chính nên rất cần sự hỗ trợ từ các nguồn kinh phí của Nhà nước. Vì vậy, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh chủ trì phối hợp Cơ sở Cơ khí Linh Phát tiến hành lập đề án khuyến công bằng nguồn kinh phí địa phương, hỗ trợ cơ sở 100 triệu đồng. Máy có thể in được từ 400 đến 700 sản phẩm (tấm trần với kích thước 0,72m2) nên chủ động được nguồn cung cho khách (trước kia, phải in thuê tại TP.Tân An và tỉnh Tiền Giang) và giá thành rẻ hơn 5% so với trước đây. Ngoài tăng năng suất, đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng, cơ sở còn tạo thêm việc làm cho 10 lao động địa phương với mức lương bình quân 6 triệu đồng/tháng.

Hay như Công ty TNHH MTV Đay Long An ở ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh vừa nhận sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Sau khi có chủ trương hỗ trợ 100 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Son - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đay Long An nhanh chóng đầu tư máy se sợi đay đa năng với 32 mũi với kinh phí khoảng 425 triệu đồng. 

Bà Nguyễn Thị Son cho biết: Công ty chuyên sản xuất dây đay các loại để tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và cung cấp sản phẩm cho các DN xuất khẩu. Hiện tại, nhu cầu sử dụng sản phẩm dây đay tăng cao vì được sử dụng trong vận hành các loại máy cuốn rơm. Với nhu cầu của khách hàng ngày càng cao, nhưng diện tích nhà xưởng, trang thiết bị của công ty nhỏ hẹp, cũ kỹ, đòi hỏi công ty phải mở rộng nhà xưởng, đồng thời cải tiến quy trình sản xuất. Với trang thiết bị hiện đại này, có thể tạo thành phẩm 550 kg/sợi/ngày, tăng gần 4 lần so với máy cũ.

Có thể nói, tuy nguồn vốn hỗ trợ chưa cao so với mức vốn do công ty đầu tư nhưng là nguồn động viên lớn đối với DN có năng lực tài chính còn hạn chế. Một khi máy xe sợi đay tăng năng suất sẽ góp phần giải quyết nhu cầu tiêu thụ cây đay của nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười.


Cơ sở kinh doanh Linh Phát (Tân Hưng) được hỗ trợ máy in lụa thông qua chương trình khuyến công và sản phẩm tấm trần được in lụa

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Năng suất, chất lượng là một trong các yếu tố quan trọng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của DN và chất lượng tăng trưởng nền kinh tế. Nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng sự tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia tại Quyết định số 712/QĐ-TTg, ngày 21/5/2010 về "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020". Chương trình được triển khai với nhiều dự án tại Long An nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các DN tiếp cận, áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến, đổi mới công nghệ, đồng thời xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao.

Công ty Cổ phần Phân bón Hà Lan (Khu công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Giuộc) là một trong những DN được hỗ trợ “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đổi mới công nghệ đối với DN vừa và nhỏ tỉnh Long An giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020” do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện.

Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Hà Lan - Trần Anh cho biết: Công ty sản xuất khoảng 70 nhãn hàng mang thương hiệu của đơn vị. Hiện nay, chứng nhận và công bố hợp chuẩn hợp quy là một trong những điều kiện bắt buộc để DN lưu hành phân bón trên thị trường. Kinh phí từ Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ trong quá trình đăng ký hợp chuẩn hợp quy rất kịp thời, bởi đăng ký các giấy chứng nhận tốn kém nhiều kinh phí. Thông qua hoạt động đánh giá và chứng nhận sẽ giúp các DN không ngừng hoàn thiện về thiết bị, công nghệ, quy trình sản xuất, về hệ thống quản lý chất lượng.

Trong bối cảnh biến động chung của nền kinh tế, phân bón - loại vật tư thiết yếu phục vụ ngành trồng trọt luôn biến động về giá và nguồn cung, tác động rất lớn đến sản xuất. Lợi dụng lúc giá phân bón biến động ở mức cao, một số DN sản xuất và kinh doanh đưa ra thị trường nhiều loại phân bón kém chất lượng, phân bón giả gây thiệt hại cho nông dân, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường phân bón trong nước. Chứng nhận hợp chuẩn hợp quy phân bón là bằng chứng tin cậy cho khách hàng và các đối tác liên quan khi mua và sử dụng những sản phẩm phân bón của DN, giúp DN gia tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Vào đầu tháng 9/2016, UBND tỉnh có Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện hỗ trợ xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sáng tạo và nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sẽ có gần 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ kinh phí đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp độc quyền. Kinh phí thực hiện từ năm 2016 đến 2020 khoảng 1 tỉ đồng, trong đó, năm 2016 khoảng 200 triệu đồng.

Được biết, nhằm hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững và hiệu quả, về phía cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hệ thống đầu mối trợ giúp; đẩy mạnh kết nối và tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, để phát triển ngày càng bền vững hơn trong điều kiện hội nhập quốc tế, về phía các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nâng cao năng lực quản lý, đầu tư đổi mới trang thiết bị theo hướng hiện đại./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích