Tiếng Việt | English

24/06/2018 - 01:05

Tạo đà để xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn

Sản xuất đồ gỗ nội thất gia dụng cao cấp xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sản xuất đồ gỗ nội thất gia dụng cao cấp xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Không dừng lại ở giai đoạn mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn sâu rộng và toàn diện.

Hòa cùng nhịp thở ấy, các mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước trên toàn thế giới cũng từ đó được nâng cao và thắt chặt hơn.

Đặc biệt, chuyến thăm tới đây của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hoa Kỳ, Brazil và Chile càng khẳng định mối quan hệ nhất quán và tạo đà cho kim ngạch thương mại sang các thị trường này tăng trưởng mạnh trong tương lai. 

Đối tác chiến lược 

Theo Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng ở mức cao. 

Nếu như năm 1994 (năm Hoa Kỳ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam), kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa hai nước chỉ ở mức 220 triệu USD thì đến năm 2001 (năm trước khi BTA có hiệu lực) kim ngạch đã tăng lên. 

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn tập trung vào những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, máy vi tính, thủy sản, nông sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt 20%. 

Cùng với đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ luôn duy trì mức thặng dư lớn. 

Thống kê cho thấy năm 2017 Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 41,6 tỷ USD sang thị trường Hoa Kỳ, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 

Ngược lại, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ chỉ đạt 9,2 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường lớn nhất mà Việt Nam xuất siêu trong năm 2017, đạt 32,4 tỷ USD. 

Còn xét trong khoảng thời gian dài hơn, trong giai đoạn từ năm 2000-2017, thương mại hàng hóa Việt Nam-Hoa Kỳ đã có bước phát triển ngoạn mục với mức tăng hơn 40 lần. 

Trong đó, tốc độ tăng xuất khẩu trong giai đoạn từ năm 2000-2017 bình quân đạt khoảng 28%/năm, từ 732 triệu USD năm 2000 lên 41,6 tỷ USD năm 2017. Nổi bật nhất là năm 2002 với mức tăng 127,3%, năm 2003 tăng 62,7%, năm 2006 tăng 32%. 

Bà Mary Tarnowka - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù Hoa Kỳ đã rút khỏi TPP nhưng hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn luôn tồn tại. Đặc biệt, mối quan hệ này sẽ càng trở nên khăng khít hơn bởi những thay đổi tích cực gần đây của Việt Nam trong vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời tái khẳng định mục tiêu của Việt Nam tiếp tục cải cách và mở cửa hơn nữa nền kinh tế của mình. 

"Những cải cách này sẽ thúc đẩy mạnh hơn việc thiết lập một hệ thống quản lý công bằng, minh bạch. Điều này cho thấy có thể dự đoán một làn sóng thu hút thương mại và đầu tư mới trong thời gian tới," Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ. 

May xuất khẩu tại Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

May xuất khẩu tại Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo giới phân tích, tuy Việt Nam chưa phải là thị trường xuất khẩu lớn của Hoa Kỳ nhưng mức thu nhập người Việt đang gia tăng sẽ kích cầu tiêu dùng hàng hóa cao cấp nói chung và hàng nhập khẩu Hoa Kỳ nói riêng ở Việt Nam. 

Đặc biệt, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thực hiện một loạt kế hoạch ở châu Á, mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ được xem là đòn bẩy hỗ trợ lợi ích thương mại và kinh tế chung của hai nước. 

Ông Michael Kelly - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ - cho biết Việt Nam là thị trường có tốc độ phát triển mạnh nhất châu Á. Đặc biệt, trong thời gian tới có thể sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư hiệu quả cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ. 

Do vậy, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam để thúc đẩy hợp tác - đầu tư giữa hai bên cũng như tìm kiếm các giải pháp để tư vấn cho Chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam giải quyết các vấn đề nổi lên trong thương mại-đầu tư giữa hai nước. 

Thị trường tiềm năng 

Mặc dù thương mại hai chiều chưa chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn nhưng theo các chuyên gia thương mại, Brazil là thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng và dân số đông nên còn nhiều dư địa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập. 

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy sức mua của người tiêu dùng và nhu cầu nhập khẩu, thị hiếu chuộng hàng nhập ngoại tăng không ngừng bởi chi phí sản xuất đầu vào còn cao, giá thành sản phẩm trong nước đắt đỏ, khả năng cạnh tranh giảm sút càng kích thích nhập khẩu. 

Mặt khác, giá cả hàng hóa nhập khẩu từ một số nước láng giềng khu vực châu Á tăng cao do tăng chi phí đầu vào tăng cao hơn trước, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm tới hàng hóa Việt Nam đang có giá cạnh tranh hơn. 

Hơn nữa, đây là thị trường gốc, nguồn cung hàng đầu thế giới về nguyên liệu như dầu khí, quặng sắt, bông, sợi dệt, nguyên liệu thuốc lá, da giày, đường, cồn, cà phê, đậu tương, thịt, ngô, hoa quả... 

Vì thế, khi giao dịch trực tiếp với đối tác Brazil, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được chủ động về đối tác, giá cả, nguồn hàng và lợi ích mang lại cao hơn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hai bên cũng đã trao đổi nhiều chuyến thăm các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao. 

Chế biến cá mực Sashimi xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chế biến cá mực Sashimi xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Song hành với Brazil, Việt Nam và Chile cũng đã ký nhiều văn kiện hợp tác quan trọng như Hiệp định hợp tác về kinh tế-thương mại, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác về khoa học-công nghệ, Hiệp định miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao, công vụ và phổ thông, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do (FTA)... 

Hiện Chile xuất khẩu các mặt hàng chính là đồng, hóa chất, rượu, hoa quả, thủy sản... và nhập khẩu các mặt hàng chính như dầu khí, hóa chất, thiết bị điện, viễn thông, máy móc công nghiệp... 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Chile (Bộ Công Thương), giới đầu tư Chile đánh giá cao Việt Nam bởi đây là thị trường tiềm năng, là thành viên WTO và Chile đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường năm 2009. 

Hơn nữa, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Chile sang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực khai thác mỏ, dầu, sản xuất hải sản đông lạnh, rượu đóng chai, trái cây tươi và khô... 

Ngược lại, Chile cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến thị trường nước này, tăng cường xúc tiến thương mại để tìm hiểu để nắm bắt thói quen, xu hướng tiêu dùng của thị trường Chile. 

Các chuyên gia thương mại nhận định nếu doanh nghiệp Việt Nam phối hợp kinh doanh với bạn hàng Chile sẽ có khả năng tăng cơ hội tiếp cận với thị trường thứ ba là các nước đối tác của Chile như các nước Mỹ Latinh. 

Không những thế, nếu doanh nghiệp Việt Nam liên doanh-liên kết với doanh nghiệp Chile sản xuất hàng xuất khẩu tại nước này cũng sẽ tận dụng được ưu đãi thuế quan mà Chile được hưởng thông qua các hiệp định FTA với nhiều nước. 

Mặt khác, khi làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam thì doanh nghiệp Chile lại có nhiều cơ hội hợp tác với các thành viên khác của khu vực ASEAN. 

Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia khác, giao dịch thương mại song phương giữa hai nước còn khá thấp, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao như da giầy, dệt may, điện, điện tử dân dụng, đồ gia dụng, gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ, thủy sản... và ở những lĩnh vực mà Chile có thế mạnh như máy móc, thiết bị, sản phẩm nông-lâm-ngư nghiệp. 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định bên cạnh các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kĩ thuật, Bộ Công Thương còn có các đề án lớn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm của các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến. 

Bởi theo Bộ trưởng, nếu muốn phát triển bền vững phải có những mặt hàng đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác và nước nhập khẩu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường. 

Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp phải chủ động phát triển thị trường để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đồng thời gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Không những thế, các doanh nghiệp phải xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này và góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các thị trường này trong thời gian tới./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết