Tiếng Việt | English

19/01/2020 - 09:30

Tạo lòng tin với người dân từ cải cách hành chính

Thời gian qua, Long An là một trong những địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long triển khai nhiều giải pháp tích cực tạo được lòng tin của người dân trong công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan nhà nước tạo sự hài lòng của người dân

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan nhà nước tạo sự hài lòng của người dân

Sự hài lòng của người dân

Hiện nay, hầu hết người dân đến giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hồ sơ cấp xã đều được cán bộ, viên chức đón tiếp với thái độ cầu thị, ôn hòa và tận tình hướng dẫn. “Tôi cảm thấy khá hài lòng khi đến bộ phận “một cửa” của UBND xã làm các thủ tục công chứng giấy tờ. Không chỉ hướng dẫn tỉ mỉ, cán bộ làm việc tại đây còn tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ nhanh chóng, giúp chúng tôi không phải đi lại nhiều lần” - bà Nguyễn Thị Bình, ngụ ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, bày tỏ.

Cán bộ Tiếp nhận và Trả kết quả hồ sơ TTHC Văn phòng UBND xã Hưng Điền A - Tiêu Thị Thảo chia sẻ: “Cũng như các anh chị đồng nghiệp huyện, tỉnh, chúng tôi thường xuyên được tập huấn, rèn luyện kỹ năng làm việc tại bộ phận “một cửa”. Luôn hòa nhã, lễ phép, tận tình,… mỗi khi tiếp xúc với người dân đã trở thành thói quen, nề nếp của cán bộ, công chức làm việc tại đây”.

Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Điền A - Trương Hồng Non, xã thường xuyên thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của người dân vùng biên đến làm TTHC tại bộ phận “một cửa” của xã. Kết quả khảo sát trong năm 2019 cho thấy, gần 100% người dân đều hài lòng và đánh giá cao thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa”. Nhờ đó, công tác cải cách hành chính (CCHC) theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" của xã từng bước tạo được sự chuyển biến tích cực trong đổi mới lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Năm 2019, hơn 50% hồ sơ của tổ chức, cá nhân tiếp nhận tại bộ phận “một cửa” (hơn 600 hồ sơ) được UBND xã giải quyết trước hạn.

Sự ra đời của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, huyện đáp ứng được yêu cầu bức thiết, thể hiện tư duy đổi mới, ý chí quyết tâm CCHC của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" của tỉnh; khắc phục những bất cập trong việc phối hợp giải quyết TTHC tại các sở, ngành của tỉnh trong thời gian qua. Đặc biệt, nhằm tiếp tục phục vụ, nâng cao sự hài lòng cho cá nhân, tổ chức, kể từ ngày 02/01/2019, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết ngay trong ngày đối với hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp,… đối với hồ sơ được tiếp nhận trong buổi sáng (trước 11 giờ 30 phút) được giải quyết, trả kết quả trong ngày. 

“Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020, 100% Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh sẽ áp dụng mô hình "một cửa điện tử";
80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử; đa số dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3; 3%-5% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4, góp phần xây dựng một nền hành chính kiến tạo, phục vụ theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Kỳ Đức thông tin.

Ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC

Ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin 

Cùng với việc tập trung ban hành hệ thống chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, những năm qua, tỉnh ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng vào thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC ở các cơ quan nhà nước. Qua đó, góp phần hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao hiệu quả quản lý hành chính công của tỉnh.

“Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác CCHC không chỉ tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thị xã sử dụng thành thạo tin học mà còn giúp các tổ chức, công dân tìm hiểu và làm quen với phương thức giao tiếp văn minh, hiện đại giữa các tổ chức, công dân với cơ quan công quyền. Đồng thời, qua đây, giúp lãnh đạo thị xã có thể phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của các bộ phận, cá nhân, tránh chồng chéo trong xử lý công việc, tạo môi trường làm việc văn minh, khoa học” - Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ thông tin. 

Đến nay, toàn tỉnh có 100% cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản và mạng nội bộ để trao đổi công việc; 100% sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện có trang thông tin điện tử tích hợp vào Cổng thông tin điện tử tỉnh vận hành ổn định, thông suốt. Hệ thống "một cửa điện tử" được triển khai, sử dụng đồng bộ đến hầu hết các sở, ngành và 100% UBND cấp huyện, xã. Qua đó, phục vụ tốt việc tiếp nhận luân chuyển, xử lý, theo dõi, công bố tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính trên môi trường mạng. 

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Kỳ Đức, năm 2020, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai, thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch năm 2020. Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm gắn với chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và tạo nguồn ở nước ngoài giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo của tỉnh Long An và Đề án công tác cán bộ của tỉnh giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo.

Đạt những kết quả trên, thời quan qua, Long An đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai toàn diện, đồng bộ công tác CCHC ở tất cả các cấp, các ngành, với mục tiêu xuyên suốt là hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả. Qua đó, nhằm tạo lòng tin của người dân từ công tác CCHC, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết