Tiếng Việt | English

25/06/2020 - 20:35

Tạo việc làm cho lao động nông thôn

Dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn được xem là biện pháp giảm nghèo bền vững, góp phần chuyển từ chính sách cho không sang cho có điều kiện, nhất là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong hành trình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững
 Dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững 

Chiều ngày 23/6/2020, vừa đến UBND xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, tỉnh Long An chúng tôi đã ngửi được mùi thơm của các món ăn đang lan tỏa khắp nơi. Hỏi ra mới biết, UBND xã đang mở lớp dạy nghề nấu ăn cho các chị em phụ nữ trên địa bàn. Bước vào lớp, chúng tôi thấy được cách trang trí các món ăn rất đẹp. Các học viên nơi đây đang hăng say học nghề. Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Thọ Phú - Lê Thị Ngọc Thuận cho biết: “Hàng năm, xã đều mở lớp dạy nghề nấu ăn cho lao động nông thôn. Sau khi hoàn thành chương trình học, một số học viên tự mở cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống hoặc đi làm trong các quán ăn, nhà hàng. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã qua từng năm, chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được nâng lên”.

Xã Tân Phú, huyện Đức Hòa là địa phương có tiếng về chăn nuôi bò. Xác định được vấn đề này, xã thường xuyên phối hợp các cấp, các ngành mở lớp Kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò cho người dân. Tại đây, các học viên được trang bị những kiến thức cơ bản về điều kiện chăn nuôi trâu, bò đực giống, thịt, sinh sản, kỹ thuật về chọn con giống, cách chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh,... Ông Nguyễn Văn Mác, ngụ ấp Bàu Trai Hạ, xã Tân Phú, cho hay: “Gia đình tôi được nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang tặng 1 con bò giống. Ban đầu, tôi rất lúng túng trong cách chăn nuôi nên ai chỉ gì làm nấy. Thế nhưng, sau khi tham gia lớp Kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò, tôi biết cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh, từ đó bò sinh sản khỏe, bảo đảm chất lượng. Hơn hết, gia đình tôi còn vươn lên thoát nghèo nhờ hiệu quả của mô hình chăn nuôi bò sinh sản mang lại”.

Để giúp nhiều lao động nông thôn có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, nhất là thời điểm nông nhàn, huyện Tân Thạnh chú trọng việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, huyện đào tạo nghề cho gần 2.400 lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho gần 15.000 lượt lao động, góp phần giảm hộ nghèo từ 8,67% (năm 2015) còn 2,97% (hiện tại). 

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết: “Trước khi mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện luôn điều tra, rà soát nhu cầu của địa phương, trong đó ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách; phối hợp các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp để ký hợp đồng cung ứng lao động, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho lao động sau khi học nghề. Hiệu quả của dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện là duy trì và nhân rộng được nhiều mô hình như đan ghế nhựa, may gia công,... với thu nhập trên 100.000 đồng/người/ngày; đồng thời các lớp dạy nghề nông nghiệp còn giúp nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận”.

Mục đích của đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Vì vậy, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vị trí, vai trò của dạy nghề cho lao động nông thôn; bảo đảm chất lượng dạy nghề gắn với giới thiệu việc làm, trên cơ sở chỉ mở lớp dạy nghề khi có trên 80% lao động nông thôn có việc làm ổn định sau khi học nghề; phấn đấu cuối năm 2020, lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó đào tạo nghề đạt 55%./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích