Tiếng Việt | English

09/05/2019 - 14:03

Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn

Nhằm giúp phụ nữ nông thôn vừa có thêm thu nhập vừa có thời gian chăm sóc gia đình, nhiều cơ sở may gia công ra đời, góp phần tạo việc làm cho họ.

Cơ sở may gia công của gia đình chị Hương tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn

Cơ sở may gia công của gia đình chị Hương tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn

Nhiều năm làm công nhân may mặc ở TP.HCM, chị Phạm Thị Lý Hương, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An nắm bắt được nhu cầu về sản phẩm may mặc, đồng thời, xác định nguồn lao động ở địa phương rất dồi dào nên năm 2008, chị mạnh dạn thành lập cơ sở may gia công. Mặt hàng của cơ sở may gia công chủ yếu nhận từ TP.HCM với các loại như ba lô, túi xách.

Nghề may gia công không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, mỗi người một công đoạn, chỉ cần chịu khó là có thu nhập ổn định. Chị Phan Thị Hoài, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, cho biết: “Nhờ lãnh hàng từ cơ sở may gia công của chị Hương về nhà may, tôi có thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, tôi còn có thời gian chăm sóc gia đình”.

Hiện nay, cơ sở may gia công của chị Hương giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 phụ nữ nông thôn. Trung bình hàng tháng, cơ sở nhận gia công hàng chục ngàn chiếc túi xách các loại, nếu chị em chịu khó hơn thì mỗi tháng có thể kiếm thu nhập 5-6 triệu đồng. So với làm công nhân tại công ty, số tiền này tuy ít nhưng ở vùng nông thôn vẫn có thể trang trải được cuộc sống, lại có thời gian chăm nom gia đình.

Không chỉ giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, cơ sở may gia công của chị Hương còn thu hút nhiều lao động nữ xa quê trở về làm với thu nhập ổn định. Chị Phạm Thị Hồng, ngụ xã Bình Trinh Đông bộc bạch: “Đi làm xa gia đình, không có thời gian chăm sóc chồng, con, nhất là những lúc con bệnh nên khi cơ sở may gia công của chị Hương thành lập, tôi quyết trở về để tham gia”.

Khi mới thành lập, cơ sở may gia công của chị Hương gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư máy móc và nhân công,…Nhờ sự hỗ trợ vốn kịp thời của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và ý chí, nghị lực của bản thân, chị đã thành công.

Chị Hương cho biết: “Lúc mới thành lập cơ sở, tôi chỉ mua được vài cái máy trong khi nguồn hàng rất dồi dào, không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Thấy vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tạo điều kiện cho tôi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ vậy, tôi có điều kiện đầu tư thêm máy móc và phụ liệu (kim, chỉ, phấn vẽ). Hiện nay, bình quân mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, tôi lãi 20 triệu đồng”.

Hiện nay, nghề may gia công đã và đang phát huy hiệu quả trong việc giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống cho phụ nữ nông thôn./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết