Tiếng Việt | English

29/04/2019 - 09:26

Tập trung những tiêu chí khó

Những xã xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trong giai đoạn 2016-2020 có tiềm lực hạn chế hơn so với những địa phương trước đây, trong khi các tiêu chí (TC) lại nâng cao hơn. Vì vậy, những xã trong lộ trình về đích cần tập trung nhiều nguồn lực cho các TC khó.

Hợp tác xã - Nền tảng xây dựng nông thôn mới

TC số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) là một trong những TC quan trọng, có vai trò thúc đẩy KT-XH ở các địa phương. Song ở các xã NTM, TC này lại đang là vấn đề khó khăn, thách thức.

Theo đó, để XDNTM, xã phải có tổ hợp tác (THT) hoặc hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả. Đây vừa là công cụ hỗ trợ nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, vừa góp phần tạo điều kiện phát huy nội lực trong XDNTM. Có thể nói, nếu HTX phát triển đúng hướng sẽ là một yếu tố và động lực quan trọng góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy XDNTM.

Nhờ tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước Thịnh, đời sống của thành viên ổn định hơn

Là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả, HTX Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước Thịnh, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An không chỉ mang lại thu nhập cho các thành viên mà còn giúp địa phương hoàn thiện TC 13 trong XDNTM. Theo Giám đốc Đặng Duy Dũng, hiện tại, HTX phát triển, liên kết hợp tác sản xuất với 132 xã viên, hộ gia đình, diện tích 30ha, trong đó có 7,2ha đạt chuẩn VietGAP. Mỗi ngày, HTX cung cấp từ 7-8 tấn rau, củ, quả các loại cho các siêu thị tại TP.HCM, bếp ăn tại các khu công nghiệp, nhà trẻ trong và ngoài tỉnh. Năm 2018, HTX được tỉnh hỗ trợ dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, kinh phí hỗ trợ 350 triệu đồng, HTX đối ứng 70 triệu đồng mua các thiết bị phục vụ nhà sơ chế, bao bì, nhãn mác sản phẩm,... Để từ đó nâng cao năng lực hoạt động, trở thành HTX điển hình trên cây rau. Ông Dũng cho rằng, sản phẩm chất lượng nên đầu ra ổn định, thu nhập của thành viên cũng được bảo đảm.

Tương tự, HTX Rau an toàn Phước Hòa, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, cũng là một trong những HTX được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động. HTX góp phần rất lớn trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân, giúp địa phương đạt TC số 13 trong XDNTM. Theo Ban Giám đốc HTX, rào cản lớn nhất của các HTX, THT là khâu giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, HTX thay đổi cung cách làm ăn, tìm đầu ra ổn định để đời sống thành viên được nâng lên.

Theo nội dung TC 13, để đạt TC này, mỗi xã phải có ít nhất 1 HTX hoặc THT hoạt động hiệu quả, số hộ nông dân tham gia là xã viên và có góp vốn chiếm 50% tổng số hộ nông dân trên địa bàn, để từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, theo quy định, một HTX hiệu quả phải thực hiện được các dịch vụ cơ bản: Thủy lợi, cung cấp cây trồng, con giống và tiêu thụ nông sản; hoạt động ổn định, làm ăn hiệu quả trong 3 năm liên tiếp; đồng thời phải thực hiện được chế độ kế toán thống kê, báo cáo tài chính,... Tuy nhiên trên thực tế, để bảo đảm được trọn vẹn các yêu cầu theo TC 13, có rất ít địa phương. Bởi đa số các xã trên địa bàn tỉnh hiện nay có THT hoặc HTX nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh còn mang tính manh mún, nhỏ, lẻ, lợi nhuận ít, hiệu quả hoạt động không cao. Nhiều thành viên sau khi tham gia chưa thật sự thiết tha với mô hình này.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh một số kết quả đã đạt, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định: Năng lực còn yếu, một số HTX chưa có trụ sở hoạt động, tham gia ứng dụng công nghệ cao chỉ mới một phần, sản phẩm chưa tìm được thị trường ổn định,... Toàn tỉnh hiện có gần 200 HTX, trong đó có khoảng 150 HTX nông nghiệp (65 HTX tham gia thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Trong số đó, có khoảng 30 HTX hoạt động có doanh thu, số còn lại hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Vì vậy, đây cũng được xem là TC khó đối với các địa phương trong quá trình XDNTM.

Trạm cấp nước được đầu tư, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch (một trong những tiêu chí khó)

Trạm cấp nước được đầu tư, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch (một trong những tiêu chí khó)

Huy động nguồn lực

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng XDNTM, hiện nay, chương trình còn một số khó khăn, hạn chế: Chất lượng một số TC chưa cao, chưa bền vững. Đó là kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp ở một vài địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch còn thấp; số lượng HTX còn ít, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX còn thấp; đời sống văn hóa, tinh thần một số địa phương còn hạn chế; cảnh quan môi trường ở các xã đạt chuẩn NTM có nơi chưa thật sự sáng, xanh, sạch, đẹp; tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng; việc huy động nguồn lực cho XDNTM còn gặp khó, nhất là việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách. 

Trong 19 TC XDNTM, nhiều địa phương còn vướng TC môi trường. Theo quy định, để đạt TC về môi trường phải hoàn thành nhiều nội dung. Đó là tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch trên 65%; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Nằm trong lộ trình về đích NTM vào cuối năm 2019, hiện xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc đạt 16/19 TC. 3 TC chưa đạt gồm cơ sở vật chất văn hóa, giao thông và môi trường. Theo UBND xã Đông Thạnh, địa phương XDNTM với xuất phát thấp, các TC chưa đạt là những TC khó, không chỉ đòi hỏi nguồn vốn khá lớn mà còn liên quan đến ý thức người dân. Thời gian tới, xã cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân để hoàn thành TC, kịp về đích.

Giao thông nông thôn tại xã Đông Thạnh được đầu tư, tuy nhiên địa phương vẫn còn gặp khó về TC này do nguồn kinh phí khá lớn

Giao thông nông thôn tại xã Đông Thạnh được đầu tư, tuy nhiên địa phương vẫn còn gặp khó về tiêu chí này do nguồn kinh phí khá lớn

Còn đối với xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, Phó Chủ tịch UBND xã - Phan Thị Mộng Thường cho biết, sau khi địa phương đạt chuẩn xã NTM vào năm 2018, chính quyền phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao, lộ trình trong năm 2019. Tuy nhiên, đến nay, mặc dù các TC được nâng chất, tập trung củng cố, song địa phương vẫn còn gặp khó do bộ TC đối với xã NTM nâng cao có một số chỉ tiêu rất cao. Hiện tại, xã chưa đạt các chỉ tiêu trong nhóm TC về cảnh quan môi trường, bao gồm tỷ lệ nhà hộ dân có cổng, hàng rào (70%) và tỷ lệ rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã được thu gom và xử lý theo đúng quy định (70%). Thời gian tới, xã tập trung huy động nguồn lực, tuyên truyền, vận động nhân dân để đạt mục tiêu đề ra.

Từ thực trạng trên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện xây dựng cảnh quan môi trường, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò tự bảo vệ, giữ gìn môi trường của người dân trong sinh hoạt và sản xuất; đầu tư thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn; xây dựng và nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý môi trường nông thôn. Ngoài việc tập trung huy động các nguồn lực xã hội, ngành kiến nghị, tỉnh cần tiếp tục tăng đầu tư ngân sách cho các xã, nhất là việc đầu tư các công trình cung cấp nước sạch, đường giao thông, trường học và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện môi trường nông thôn,.../.

Tổng nhu cầu vốn cho giai đoạn 2018-2020 dự kiến hơn 21.400 tỉ đồng. So với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, có nhiều chỉ tiêu nâng cao hơn Bộ tiêu chí giai đoạn 2011-2015, nhất là về chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trên 65%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị tỉnh xem xét, bổ sung nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ưu tiên cho nước sạch. Đặc biệt, để nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch phải đầu tư kinh phí rất lớn, khoảng 85-90 tỉ đồng/năm, nhưng mức đầu tư hiện nay chỉ có 50 tỉ đồng/năm (từ nguồn vốn xổ số kiến thiết). Bên cạnh đó, quy định trường đạt chuẩn quốc gia cũng cao hơn trước đây, đòi hỏi nhiều kinh phí đầu tư để được công nhận lại và công nhận mới.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết