Tiếng Việt | English

25/02/2020 - 10:03

Tập trung phòng, chống hạn, mặn

Ngành chức năng cùng địa phương gấp rút triển khai nhiều phương án, giải pháp công trình phòng, chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra.

Lực lượng dân quân của hai huyện Thủ Thừa, Tân Trụ khơi thông dòng chảy để dẫn nước vào hệ thống dự trữ

Nguy cơ thiệt hại

Hơn 12 giờ, chị Nguyễn Thị Hồng, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An vẫn còn ngoài ruộng lúa. Chị cùng những người hàng xóm di chuyển máy bơm liên tục để tìm chỗ đủ nước, bơm vào “cứu” ruộng lúa đang vào giai đoạn trổ đòng. Ngoài kênh, những dòng nước cuối cùng đang cạn dần, tiếng máy bơm bị hụt nước, kêu vang. Nỗi lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của những nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

“Năm nay, hạn, mặn đến sớm quá! Nguồn nước tưới dù đã dự trữ nhưng chẳng thấm vào đâu. Vụ Đông Xuân 2019-2020, gia đình tôi có gần 2ha lúa. Mấy ngày nay được khuyến cáo có nước tưới, gia đình tôi tranh thủ bơm vào. Lúa bắt đầu trổ cần đủ lượng nước để phát triển. Khả năng thiệt hại có thể xảy ra nên chúng tôi cố gắng, cứu được chừng nào hay chừng đó. Bao nhiêu công sức, tiền bạc bỏ ra, giờ buông xuôi thì tiếc lắm. Từ đầu vụ đến giờ, gia đình tôi tốn mấy triệu đồng tiền bơm nước rồi!” - chị Hồng chia sẻ.

Ngay sát bên ruộng chị Hồng, ruộng lúa của anh Nguyễn Văn Công cũng thiếu nước trầm trọng. Mấy ngày nay, gia đình anh mất ăn, mất ngủ để kiếm nước bơm vào ruộng. Anh rầu rĩ nói: “Công sức bỏ ra rất nhiều nên cứu được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Lúa chuẩn bị trổ mà thiếu nước thì cả vụ coi như mất trắng. Năm nay, gia đình rút kinh nghiệm, gieo sạ sớm hơn thời gian trước gần 1 tháng nhưng hạn, mặn diễn biến phức tạp, chúng tôi trở tay không kịp”.

Huyện Thủ Thừa cũng chịu chung cảnh thiếu nước tưới do ảnh hưởng của hạn, mặn, khả năng gây thiệt hại tương đối lớn. Chính quyền, người dân tranh thủ bơm nước để “cứu” lúa, hoa màu. Tuy nhiên, nguồn nước rất hạn chế nên không đủ để bổ sung cho diện tích lúa và hoa màu trên địa bàn.

Người dân tranh thủ bơm nước tưới cho hoa màu

“Mấy ngày nay, gia đình tôi vất vả đặt ống, bơm nước vào cứu gần 1ha lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị trổ. Tuy nhiên, bơm nước rất khó vì hầu như kênh, mương dự trữ nước gần như cạn kiệt trong khi độ mặn ở các sông lên cao. Vụ này coi như lỗ chắc, nhưng không thể bỏ được vì đã đầu tư quá nhiều” - ông Nguyễn Hoàng Long, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, bộc bạch.

Theo thông tin từ ngành nông nghiệp, năm nay, hạn, mặn đến sớm, diễn biến khá phức tạp. Độ mặn trên các sông lên cao, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có hơn 6.000ha lúa, trong đó 2 huyện Thủ Thừa, Tân Trụ hơn 5.500ha; hơn 14.000ha rau màu, cây ăn trái vụ Đông Xuân 2019-2020 có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn.

Chủ động phòng, chống hạn chế thiệt hại

Đánh giá hạn, mặn năm nay đến sớm và diễn biến phức tạp, thời gian qua, các cấp, các ngành liên quan, địa phương cùng người dân tập trung tối đa cho công tác phòng, chống. Trong đó, nhiều giải pháp công trình, phi công trình đã được thực hiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Thông tin từ UBND huyện Thủ Thừa, ngay từ đầu mùa khô, huyện chủ động phối hợp các sở, ngành tỉnh rà soát, kiểm tra lại tất cả hệ thống cống, trạm bơm, kênh, mương dự trữ nước; tiến hành tích nước vào các hệ thống này để phục vụ tưới, tiêu. Bên cạnh đó, huyện cử cán bộ thường xuyên theo dõi, đo độ mặn trên các sông quanh khu vực để chủ động triển khai các giải pháp liên quan. Huyện hướng dẫn người dân chủ động trong công tác phòng, chống và phối hợp địa phương nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của hạn, mặn gây ra.

Tương tự, huyện Tân Trụ cũng chủ động, tập trung tối đa nguồn nhân lực cho công tác này. Các giải pháp công trình ngay trước khi bước vào mùa khô được địa phương thực hiện. Trong đó, huyện tiến hành nạo vét các tuyến kênh, mương, tích nước dự trữ vào hệ thống; đồng thời, tranh thủ những lúc độ mặn giảm để trữ nước sử dụng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung, dự báo tình hình hạn, mặn năm nay diễn biến phức tạp nên địa phương chủ động thực hiện nhiều giải pháp công trình. Trong đó, nạo vét, tích nước vào hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo, bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tranh thủ những lúc độ mặn giảm trên các sông sẽ bơm nước vào hệ thống dự trữ.

Phó Giám đốc  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện trực tiếp lấy mẫu nước để kiểm tra độ mặn, hướng dẫn các địa phương lấy để bơm nước dự trữ

Phó Giám đốc  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện trực tiếp lấy mẫu nước để kiểm tra độ mặn, hướng dẫn các địa phương lấy để bơm nước dự trữ

Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nước tưới hạn hẹp, nguy cơ thiếu rất cao, khả năng gây ảnh hưởng khoảng 5.500ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, trong đó cây lúa khoảng 4.500ha, thanh long 1.000ha. Để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng, địa phương tích cực phối hợp ngành nông nghiệp tranh thủ khi độ mặn giảm tiến hành bơm nước vào hệ thống, cùng với đó bơm nước ngọt ở cống Rạch Chanh vào để xử lý, đến khi bảo đảm an toàn mới thông báo người dân bơm nước tưới cho hoa màu. Đồng thời, huyện cử lực lượng dân quân phối hợp huyện Thủ Thừa tiến hành khơi thông dòng chảy, vớt lục bình để dẫn nước ngọt từ cống Rạch Chanh hòa vào hệ thống tích nước để giảm mặn. Về lâu dài, huyện kiến nghỉ tỉnh đầu tư công trình kéo nước từ cống Rạch Chanh về địa phương để chủ động hơn trong nguồn nước tưới, nhất là vào mùa khô.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin: Hạn, mặn đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đánh giá tình hình, từ tháng 9/2019, ngành triển khai xuống giống sớm hơn 1 tháng so với những năm trước và cân đối nguồn nước để tránh ảnh hưởng của hạn, mặn. Ngành tiến hành rà soát, thực hiện nhiều giải pháp công trình như nạo vét các hệ thống tích nước, hướng dẫn địa phương, người dân chủ động trữ nước. Tuy nhiên, hiện nay, số diện tích lúa Đông Xuân, hoa màu,... ở một số địa phương vẫn có khả năng bị thiệt hại, nhất là địa bàn huyện Thủ Thừa, Tân Trụ. Trong khi đó, nguồn nước tưới phục vụ cơ bản đã cạn kiệt. Chúng tôi cử cán bộ theo dõi độ mặn tại các sông, hướng dẫn địa phương tranh thủ những lúc độ mặn giảm để bơm nước trữ vào hệ thống. Cùng với đó, tiến hành bơm nước ngọt từ cống Rạch Chanh vào xử lý, bảo đảm an toàn mới tiến hành bơm nước tưới cho hoa màu. Ngành triển khai 10 máy bơm lớn, mở thêm một số cống tại huyện Thủ Thừa để tranh thủ được nguồn nước tưới, tiếp nước cho lúa ở địa bàn Thủ Thừa, Tân Trụ.

“Người dân phải tuyệt đối tuân thủ lịch gieo sạ do ngành đưa ra để tránh hạn, mặn hoặc sâu, bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất; chủ động chuyển đổi, tái cơ cấu cây trồng, chọn những loại giống có thể chịu hạn, mặn cao. Tại những nơi chưa bị ảnh hưởng của hạn, mặn, người dân có thể chủ động đắp các bờ bao, đập tạm và tích trữ nước ngọt trên đồng ruộng dùng để tưới trong thời gian dài” - ông Nguyễn Chí Thiện khuyến cáo./.

Theo thông tin từ ngành nông nghiệp, năm nay, hạn, mặn đến sớm, diễn biến khá phức tạp. Độ mặn trên các sông lên cao, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khả năng bị thiệt hại là rất lớn. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có hơn 6.000ha lúa, trong đó 2 huyện Thủ Thừa, Tân Trụ hơn 5.500ha; hơn 14.000ha rau màu, cây ăn trái vụ Đông Xuân 2019-2020 có khả năng bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết