Tiếng Việt | English

07/01/2019 - 09:46

Tập trung sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019 đạt hiệu quả

Theo dự báo của ngành nông nghiệp, năm nay, tình hình sâu, bệnh, hạn và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ động phối hợp các địa phương trong tỉnh Long An tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó để bảo đảm sản xuất vụ Đông Xuân (ĐX) 2018-2019 đạt thắng lợi.

Lúa phát triển tốt

Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 225.419ha lúa ĐX 2018-2019, đạt trên 96,9% kế hoạch (232.600ha), bằng 117,9% so cùng kỳ năm 2018, tập trung chủ yếu ở các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười, trong đó, thu hoạch khoảng 2.607ha (tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc), năng suất khô ước đạt 50 tạ/ha, sản lượng 13.035 tấn. 

Tại thị xã Kiến Tường, đến nay, nông dân gieo sạ được 14.650ha, gồm các giống lúa: Đài Thơm 8, RVT, Nàng Hoa 9, OM6976,... Nhìn chung, vụ ĐX 2018-2019, việc triển khai gieo sạ lúa trên địa bàn bảo đảm khung lịch thời vụ của ngành chức năng khuyến cáo, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Đỗ Văn Tho, ngụ xã Thạnh Hưng, cho biết: “Vụ ĐX 2018-2019, do tuân thủ gieo sạ theo lịch thời vụ nên hiện nay lúa ít sâu, bệnh, đang sinh trưởng và phát triển tốt. Với trà lúa phát triển như thế này, từ nay đến khi thu hoạch, tôi chỉ cần phun vài lần thuốc nữa là xong. Hy vọng, vụ ĐX 2018-2019 năng suất và lợi nhuận sẽ cao hơn vụ ĐX 2017-2018”.

Thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình hình sâu, bệnh hại lúa để phòng trị kịp thời

Ông Nguyễn Văn Một, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, nói: “Những năm qua, nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống đê bao, nạo vét các kênh, mương thủy lợi tạo nguồn, chủ động nước tưới tiêu nên nông dân có điều kiện thuận lợi xuống giống tập trung, đồng loạt theo lịch thời vụ. Hiện 3ha lúa của gia đình tôi đang phát triển tốt và tình hình sâu, bệnh chưa đáng ngại, nhưng đây là vụ lúa chính và quyết định đến nguồn thu nhập trong năm nên tôi luôn đề cao cảnh giác trong việc phòng trừ dịch hại”.

Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài, thời gian giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là giai đoạn cao điểm cây trồng cần chăm sóc tốt vì một số dịch bệnh có điều kiện phát sinh, phát triển. Theo đó, nông dân cần thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình hình gây hại của các sinh vật trên các loại cây trồng và có biện pháp phòng trừ kịp thời; theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh hại trên đồng ruộng như rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá, sâu năn, sâu cuốn lá, chuột,... từ đó, thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại hiệu quả và an toàn, đặc biệt là rầy nâu trưởng thành mang vi-rút nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá để bảo đảm năng suất và sản lượng lúa vụ ĐX. Đến nay, toàn huyện gieo sạ trên 37.470ha lúa ĐX 2018-2019.

Đề phòng sâu, bệnh

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: Với đặc điểm tình hình thời tiết hiện nay, nhiệt độ tăng so cùng kỳ, ảnh hưởng của mưa, bão thì sinh vật gây hại vẫn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sản xuất. Vì vậy, ngành phối hợp các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp kịp thời với các đối tượng sinh vật gây hại; chủ động ứng phó với khả năng hạn, mặn, thiếu nước tưới phục vụ sản xuất ở các huyện phía Nam; củng cố hệ thống bẫy đèn để theo dõi quy luật phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại để phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất, trong đó tăng cường theo dõi các bẫy sâu năn (bẫy đèn và bẫy dính).

Thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình hình sâu, bệnh hại lúa để phòng trị kịp thời

Thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình hình sâu, bệnh hại lúa để phòng trị kịp thời

Theo kết quả kiểm tra đồng ruộng của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, trên trà lúa giai đoạn đòng đã xuất hiện sâu năn tại một số xã: Hậu Thạnh Đông (huyện Tân Thạnh), Vĩnh Châu A, Vĩnh Bửu (huyện Tân Hưng). Vì vậy, trên các trà lúa gieo sạ trong lịch đợt 3 (từ ngày 15 đến 30-12-2018) ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường, cần chú ý theo dõi sát đối tượng này. Hiện nay, các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh sinh trưởng rất tốt, các địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc cây lúa. Vụ ĐX 2018-2019, do ảnh hưởng thời tiết nên cây lúa bước vào giai đoạn làm đòng sớm (rút ngắn 3-5 ngày so cùng kỳ) nên bệnh đạo ôn cổ bông khả năng sẽ phát sinh sớm trên lúa đòng trổ, do đó, nông dân cần lưu ý phòng trừ tốt đối tượng này. Ngoài ra, nông dân cần tập trung theo dõi bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá vì trong điều kiện hiện nay, do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết lạnh, sáng sớm có sương mù, đồng thời các diện tích lúa bước vào thời kỳ đẻ nhánh nên rất mẫn cảm với nấm bệnh.

Tuần qua, toàn tỉnh có 9.874ha nhiễm bệnh đạo ôn lá, tăng 4.441ha so với tuần trước, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%, xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở hầu hết các huyện và thị xã Kiến Tường; 4.298ha nhiễm rầy nâu, tăng 2.651ha so với tuần trước, mật độ phổ biến 750-1.500 con/m2, tập trung chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ; 1.180ha nhiễm ốc bươu vàng; 673ha nhiễm bệnh cháy bìa lá; 415ha nhiễm bọ trĩ;...

Để có vụ mùa thắng lợi

Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải, ngành chức năng huyện rất quan tâm đến công tác tổ chức sản xuất, kịp thời tập huấn cho nông dân trước khi xuống giống, chủ động phòng trừ sâu, bệnh và có các chương trình hỗ trợ nông dân về lúa giống, thủy lợi, kết nối nông dân với các doanh nghiệp bao tiêu. Trong đó, huyện chú ý tăng cường kết nối giữa nông dân với các đơn vị đã tham gia bao tiêu lúa từ những vụ trước và kêu gọi thêm nhiều đơn vị khác tham gia nhằm bảo đảm sản xuất đạt hiệu quả cao. Anh Nguyễn Thế Anh, ngụ xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, chia sẻ: “Các khâu bơm tát, làm đất, gieo sạ đều được nông dân ở đây thực hiện bằng máy móc nên tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí, nhất là việc áp dụng máy phun hạt giúp gieo sạ lúa nhanh, đều và tiết kiệm giống. Đặc biệt, tôi và nhiều hộ dân ở đây rất vui vì những năm qua được doanh nghiệp liên kết sản xuất trong mô hình cánh đồng lớn, bao tiêu sản phẩm ngay đầu vụ”.

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng cho biết: “Để vụ ĐX 2018-2019 đạt thắng lợi, ngành cùng địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, kỹ thuật canh tác, vật tư nông nghiệp nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả. Trên cơ sở nguồn nước hiện có và dự tính, dự báo lượng mưa trong mùa mưa của ngành chức năng, ngành tiến hành xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, nhất là kế hoạch và khả năng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phòng, chống hạn có thể xảy ra; hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi.

Bên cạnh đó, sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn, vệ sinh thực phẩm; tập trung chỉ đạo lịch thời vụ, cơ cấu giống và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi diện tích sản xuất 3 vụ lúa/năm kém hiệu quả sang sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc chuyển sang sản xuất các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; kêu gọi các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các hợp tác xã xây dựng cánh đồng lớn; hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế để nâng cao giá trị sản xuất, hạn chế rủi ro do thời tiết”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết