Tiếng Việt | English

19/11/2017 - 10:16

Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo

Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) làm gì để đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2017-2018 và nâng cao chất lượng GD mũi nhọn? Đó là những nội dung phóng viên Báo Long An đặt ra với Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp.

PV: Xin chào ông, năm học 2016-2017, Long An đạt kết quả phấn khởi trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ GD, nhất là tỷ lệ tốt nghiệp THPT. Vậy, năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đó như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch. Chất lượng GD ổn định và có chuyển biến tích cực; phong trào thi đua “Hai tốt” được duy trì và phát triển; việc tổ chức học lớp 2 buổi/ngày, lớp bán trú tăng hơn so với năm học trước. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, toàn tỉnh có 99,15% thí sinh tốt nghiệp (tính cả thí sinh tự do), cao hơn 9,02% so với năm 2016. Số thanh niên trong độ tuổi 18-21 có bằng tốt nghiệp THPT và tương đương đạt 78,5% (chỉ tiêu tỉnh giao 73,5%).


Cơ sở vật chất trường học ngày càng khang trang

Năm học 2017-2018, ngành GD tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; nâng cao chất lượng GD toàn diện trong các cơ sở GD, ĐT; rà soát quy hoạch, sắp xếp mạng lưới GD mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh; tăng cường xã hội hóa trên các lĩnh vực GD&ĐT;...

Nhằm nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018, ngay từ đầu năm học, ngành chỉ đạo các trường có cấp học THPT tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng GD. Hè năm 2017, sở tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, giúp giáo viên cập nhật kiến thức mới nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

PV: Năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT xác định mục tiêu: Tiếp tục tăng cường nề nếp, kỷ cương; xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh; tập trung nâng cao chất lượng GD ở các cấp học; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng GD đạo đức, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên. Xin ông cho biết, ngành làm gì để đạt mục tiêu trên?

Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Năm học 2017-2018, ngành chỉ đạo các đơn vị tiếp tục xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn gắn với các cuộc vận động: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ, kỷ cương, tình, thương, trách nhiệm”. Triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trong các cơ sở GD mầm non. Đối với cấp tiểu học, tiếp tục triển khai 2 mô hình: “GD đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học” và “Xây dựng trường học xanh, sạch, an toàn”.

Ngành tiếp tục triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg, ngày 28-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 410/KH-BGDĐT, ngày 04-02-2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về Đề án “Tăng cường GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”; đồng thời, triển khai việc sử dụng tài liệu Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh lớp 2 đến lớp 12 trong các trường theo quy định của Bộ GD&ĐT; Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND tỉnh về GD đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh, sinh viên.

PV: Nghị quyết 29 đặt ra vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện nền GD, trong đó mục tiêu, đối tượng quan trọng là cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên. Ngành có giải pháp gì để nâng cao chất lượng 2 đối tượng trên, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Triển khai thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý trường phổ thông giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020, tính đến năm 2016, Sở GD&ĐT phối hợp Trường Cán bộ quản lý GD TP.HCM tổ chức 6 lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý GD cho 424 cán bộ quản lý, 2 lớp bồi dưỡng nâng cao cho 185 cán bộ quản lý và phối hợp Trường Chính trị tỉnh đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho 454 cán bộ quản lý, giáo viên diện quy hoạch.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, góp phần thực hiện Nghị quyết 29, ngành triển khai thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý trường phổ thông giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020; Chương trình 1 về phát triển đội ngũ và nâng cao chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý GD trong các cơ sở GD&ĐT công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Ngoài ra, ngành còn cử chọn giáo viên cốt cán các cấp tham gia hội thảo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ GD&ĐT tổ chức.

PV: Một trong những hạn chế trong năm học 2016-2017 của tỉnh là GD mũi nhọn, khi tỉnh chỉ có duy nhất 1 học sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Vậy, năm học này, sở chỉ đạo khắc phục hạn chế trên như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi năm học 2016-2017, năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh vòng 1 vào tháng 9/2017, chọn 735 em vào vòng 2. Kỳ thi vòng 2 được tổ chức trong tháng 10/2017, có 365 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh THPT.


Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Thanh Tiệp khen thưởng các cá nhân, tập thể nỗ lực đóng góp vào thành tích chung của ngành

Năm nay, Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi học sinh giỏi sớm hơn hàng năm, do đó, học sinh trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia có thời gian tập trung bồi dưỡng dài hơn 1 tháng so với những năm trước. Căn cứ vào quy định, sở chọn 54 em vào đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ở 9 môn học (mỗi môn có 6 học sinh). Các em được tập trung bồi dưỡng tại Trường THPT Chuyên Long An từ ngày 26-10 đến 13-01-2018.

PV: Để ngành GD&ĐT đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, theo ông, Long An sẽ làm gì và làm như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Để đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, ngành tập trung triển khai, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Tiếp tục sắp xếp và phát triển hệ thống, mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông phù hợp với quy hoạch và theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Hoàn thiện hệ thống GD trên địa bàn tỉnh theo hướng hệ thống GD mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý GD&ĐT; xây dựng bộ máy tổ chức tinh gọn, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, vị trí việc làm phù hợp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ, hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ GD&ĐT nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô và đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý và dạy học. Thực hiện hội nhập, giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD&ĐT.

PV: Xin cảm ơn ông! Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúc ngành GD&ĐT Long An hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, xứng đáng với vai trò, vị trí là “quốc sách hàng đầu”!

Tấn Tú (thực hiện)

Chia sẻ bài viết