Tiếng Việt | English

24/08/2017 - 02:30

Tật khúc xạ ở trẻ hoàn toàn có thể phòng được

Hiện nay, có nhiều học sinh (HS) mắc các bệnh về mắt. Quá trình học tập và giải trí thiếu khoa học có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng điều tiết của mắt, dẫn tới tật khúc xạ. Để giúp bạn đọc biết cách phòng tật khúc xạ ở trẻ, chúng tôi có cuộc trao đổi với bác sĩ (BS) Lê Quang Vinh - Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Phóng viên (PV): Xin BS cho bạn đọc biết rõ hơn về tật khúc xạ?

BS. Lê Quang Vinh: Tật khúc xạ xuất hiện bởi những bất thường trong thành phần quang học của mắt như giác mạc, thủy tinh thể, dịch kính, trục nhãn cầu,... làm cho ánh sáng đi qua các thành phần này không hội tụ đúng trên võng mạc. Khi đó, người bị tật khúc xạ nhìn vật không rõ, nhòe, mờ.

Tật khúc xạ là vấn đề sức khỏe mắt nghiêm trọng nhất ở HS, không chỉ vì tỷ lệ mắc rất cao mà nó còn đưa đến những hệ quả nghiêm trọng: Học lực giảm sút, giảm hứng thú học tập.

Đối tượng mắc cận thị chủ yếu trong độ tuổi 10-18 tuổi, chiếm hơn 70%. Đây cũng là độ tuổi mà độ cận phát triển nhanh nhất. Tật cận thị này chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân khách quan và có thể phòng tránh được.

Ảnh minh họa Internet

PV: Vậy nguyên nhân nào gây nên tật khúc xạ, thưa BS?

BS. Lê Quang Vinh: Nguyên nhân gây tật khúc xạ khá phức tạp, chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, giới chuyên môn thống nhất ý kiến rằng, đặc điểm di truyền (gen) của các dân tộc Á Đông và việc sử dụng mắt quá mức là 2 yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Đáng lưu ý là tật khúc xạ xuất hiện quanh tuổi dậy thì và tăng nhanh trong vài năm sau đó.

Các khảo sát về thị lực và tật khúc xạ hiện tại cho thấy, ở nước ta, khoảng 25-30% HS có thị lực thấp, chủ yếu là do tật khúc xạ. Hơn nữa, ngay cả HS biết có tật khúc xạ cũng có nhiều em mang kính không đúng độ, thậm chí không có kính.

PV: HS thường mắc tật khúc xạ loại nào nhiều nhất, thưa BS?

BS. Lê Quang Vinh: Tật khúc xạ có 3 loại: Cận thị, viễn thị và loạn thị. Theo kết quả khảo sát gần đây cho thấy, khoảng 30% trẻ em Việt Nam bị tật khúc xạ, trong đó, chủ yếu là tật cận thị, chiếm hơn 70%.

Cận thị là tình trạng mà mắt chỉ có khả năng nhìn rõ được các vật ở gần, không nhìn rõ vật ở xa. Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị cận thị là hay nheo mắt, nghiêng hoặc quay đầu để nhìn cho rõ, cúi sát đầu vào sách, đôi khi cả nhức đầu, nhức mắt; khi xem tivi, trẻ thường ngồi xích lại gần màn hình; hay chép bài sai, phải nhìn bạn để chép lại. Trong sinh hoạt chậm chạp, kém linh hoạt hơn các bạn.

PV: BS có thể chia sẻ về những nguyên nhân gây nên tình trạng nhiều trẻ mắc cận thị?

BS. Lê Quang Vinh: Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Việc phát hiện thị lực tại trường chưa đủ hiệu quả, thậm chí chưa thực hiện. Thiếu cơ sở đo khám khúc xạ có đủ năng lực và uy tín nên HS không biết đến đâu để đo mắt. Kính thuốc nói chung có giá cao và chất lượng không tương xứng với giá. Cộng đồng thiếu kiến thức về tật khúc xạ, nhiều phụ huynh thậm chí không muốn con em mình đeo kính.

PV: Thưa BS, tư thế ngồi học của trẻ nên như thế nào để phòng tật khúc xạ?

BS. Lê Quang Vinh: Để phòng tật khúc xạ, trẻ phải có tư thế ngồi học đúng. Ngồi thẳng lưng, 2 chân khép, 2 bàn chân để ngay ngắn sát nền nhà, đầu cúi 10-15 độ. Khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học là 25cm đối với HS tiểu học, 30cm với HS THCS, 35cm với HS THPT và người lớn.

Kích thước phòng học, cách sắp xếp bàn ghế, bảng viết phải phù hợp với lứa tuổi để HS có thể ngồi đúng tư thế và giữ đúng khoảng cách từ mắt đến sách vở. Thầy cô giáo và cha mẹ HS phải thường xuyên nhắc nhở, không để các em cúi gầm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học khi đọc hoặc viết.

PV: Có phải ngoài tư thế ngồi học không đúng thì ánh sáng của lớp học, góc học tập cũng góp phần làm các em mắc tật khúc xạ, thưa BS?

BS. Lê Quang Vinh: Đúng vậy! Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tật khúc xạ là do thiếu ánh sáng. Trẻ ngồi quá xa bảng khiến mắt phải nheo lại mới nhìn được chữ hoặc ngồi gần khi xem tivi. Vì vậy, trẻ có tật khúc xạ nên cho ngồi gần bảng.

Ánh sáng nơi phòng học, góc học tập phải đủ những điều kiện cần thiết. Bảo đảm đủ ánh sáng: Nơi tối nhất không dưới 300 lux, nơi sáng nhất không quá 500 lux.

Khi đọc sách buổi tối, cần đèn đủ sáng và có chụp phản chiếu. Việc chiếu sáng được xem là tốt nhất cho việc đọc sách là chiếu sáng từ sau và trên xuống. Ánh sáng dùng để đọc sách phải có cường độ lớn gấp 3 lần cường độ ánh sáng trong phòng. Không để trẻ cúi gầm hoặc đưa sách quá gần mắt.

Khi làm việc với máy tính khoảng 30 phút thì cho mắt nghỉ ngơi, nhìn ra xa khoảng 3-5 phút, hoặc có thể đi lại trong phòng cũng giúp mắt được nghỉ ngơi.

Cách phòng tránh bệnh cận thị học đường hiệu quả chính là bảo đảm nguồn sáng cho lớp học và chỗ ngồi học của các em.

PV: Được biết, vào đầu năm học, các trường thường tổ chức khám mắt cho HS. BS có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

BS. Lê Quang Vinh: Bệnh cận thị hoàn toàn có thể phòng được nếu có sự phối hợp tích cực giữa HS, gia đình và nhà trường. Để giảm số HS có thị lực kém, việc khám phát hiện tại trường học cần được bảo đảm tất cả HS được sàng lọc thị lực ít nhất một lần vào đầu năm học và dùng phương pháp vừa đơn giản, nhanh chóng, vừa có đủ độ chính xác.

Cán bộ y tế trường học tự thực hiện đo khám thị lực cho HS hoặc để tự HS kiểm tra mắt mình. Có thể phối hợp cán bộ y tế xã khám sàng lọc thị lực cho HS. Thị lực dưới 7/10 là không đạt yêu cầu.

HS nào không đạt yêu cầu thị lực ở 1 hoặc 2 mắt thì nhà trường cần thông báo cho giáo viên chủ nhiệm và gia đình để đưa trẻ đi khám tại đơn vị có đủ năng lực và trang bị tốt hoặc nhà trường mời đoàn khám chuyên khoa mắt về khám cho HS có thị lực giảm.

PV: Để phòng mắc tật khúc xạ ở HS, cần phải thực hiện những biện pháp nào, thưa BS?

BS. Lê Quang Vinh: Do một trong các nguy cơ gây ra tật khúc xạ là hoạt động nhìn gần quá mức, vì vậy, giáo viên cần giúp HS có thời gian nghỉ ngơi giữa các tiết học để mắt khỏi bị căng thẳng điều tiết kéo dài.

Một là, duy trì mỗi tiết học 45 phút, sau đó nghỉ giải lao, nhằm giảm điều tiết thị giác rồi mới bước vào tiết học tiếp theo. HS ra khỏi lớp vào giờ ra chơi để tham gia các hoạt động ngoài trời.

Hai là, HS ngồi học đúng tư thế thì kích thước bàn ghế phải phù hợp với kích thước nhân trắc của HS. Chữ viết trên bảng và trong sách vở phải rõ nét, khoảng cách từ mắt đến vở là 35cm. Chọn giấy học, sách vở không quá bóng. Không đọc sách, báo, tài liệu khi nằm, khi đi trên xe đang chạy, tàu hỏa, vì chuyển động lắc lư gập ghềnh làm ta phải thay đổi điều tiết liên tục gây mệt mỏi về thị giác.

Ba là, phòng học được bảo đảm chiếu sáng đồng đều, đầy đủ, tăng cường chiếu sáng tự nhiên, nơi tối nhất không dưới 300 lux, nơi sáng nhất không quá 500 lux. Trần, tường phải sáng màu. Bóng đèn phải được bố trí phù hợp, tránh bị che khuất và nguồn sáng nên chiếu từ phía tay không cầm viết. Góc học tập cũng phải bảo đảm đủ độ sáng, thoáng mát.

Không nên để trẻ xem tivi quá lâu và ngồi gần màn hình, nên ngồi xem ở khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng khoảng cách tivi, tức khoảng 2,5-3m. Thời gian xem cần ngắt quãng, không quá 45-60 phút mỗi lần xem. Để mắt nghỉ ngơi 5-10 phút bằng cách nhìn ra xa hoặc nhắm mắt lại một lúc.

Bốn là, khám mắt trước khi vào học và ngay khi có những triệu chứng bất thường về mắt: Nhức đầu dai dẳng, chóng mặt, học tự nhiên sút kém đi vì có thể do mắt có vấn đề nên nhìn sai chữ, đọc sai số mà phụ huynh và giáo viên không để ý.

Không tự ý dùng kính đeo mắt không đúng tiêu chuẩn. Khi đeo kính, cần tuân thủ hướng dẫn của nhà chuyên môn. Nếu bị bệnh về mắt, cần mang kính thích hợp để điều chỉnh lại và phải mang thường xuyên giúp mắt đỡ mỏi mệt, nhằm giảm tăng độ, vì vậy, trẻ có tật khúc xạ nên cho ngồi gần bảng hơn. Chú ý giữ gìn kính sạch sẽ, luôn trong suốt.

Năm là, cho trẻ ăn uống đủ chất, dùng các loại thực phẩm có nhiều vitamin A: Cà chua, cà rốt, gấc, các quả ngọt có màu đỏ, vàng thẫm, các rau xanh thẫm, dầu gan cá,...

Giáo viên và phụ huynh phải thường xuyên nhắc nhở, tạo điều kiện cho trẻ học tập trong những điều kiện tốt nhất, đó là biện pháp phòng tránh các bệnh về mắt hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn BS!

Thanh Bình (thực hiện) 

Chia sẻ bài viết