Tiếng Việt | English

04/03/2017 - 11:51

Tem, nhãn trái cây: Nhập nhằng thật, giả

Qua ghi nhận ý kiến người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ, trên thị trường hàng tiêu dùng hiện nay, nếu giá cả, chất lượng là mối quan tâm hàng đầu thì hình thức là điều kiện tiếp theo để họ quyết định mua một loại thực phẩm nào đó. Đối với các mặt hàng trái cây các loại, vấn đề “tem, nhãn” là một trong những chi tiết được người tiêu dùng quan tâm nhiều nhất.

Tem, nhãn trái cây - Có cũng như không

Thời gian gần đây, trước những thông tin trái cây được tẩm hóa chất khiến người tiêu dùng lo lắng, chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng (khu phố 4, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho biết: “Giá bán của trái cây nhập khẩu tại chợ và siêu thị chênh nhau vài chục ngàn đồng/kg. Người tiêu dùng như rơi vào “mê hồn trận”, không biết đường đâu mà lần!”

Mã vạch hay tem, nhãn chưa đủ để giúp người tiêu dùng thật sự tin vào nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm

Chị T., tiểu thương buôn bán trái cây tại chợ Tân An, chân thành tâm sự: “Tâm lý chung của tất cả người tiêu dùng đều muốn dùng trái cây sạch, từ đó, nhiều khách hàng chọn mua hàng nhập ngoại và chấp nhận giá cao. Tuy nhiên, trái cây thực chất từ Mỹ, Úc, Pháp,... nhập về không nhiều mà phải theo mùa vụ mới có. Khi về đến Việt Nam được các siêu thị, cửa hàng trái cây lớn đặt mua hết từ trước. Đây là lý do khiến không ít tiểu thương vì mục đích lợi nhuận sẵn sàng làm nhái, làm giả tem, nhãn gắn vào trái cây các nước khác để bán thu lợi. Trên thực tế, trái cây mang tem, nhãn nước ngoài phần lớn là của Trung Quốc”.

Chị Trần Thị Thu - tiểu thương buôn bán trái cây các loại tại chợ Cần Đước: "Hiện nay, trái cây nhập khẩu chiếm lĩnh phần lớn thị trường - hơn 50%. Thị trường đang ưa chuộng những loại trái cây: Nho đen nhập từ Mỹ; nho xanh không hạt, táo có xuất xứ Mỹ, Úc; cam của Nam Phi; việt quất của Úc,... nhưng ở các chợ, tiểu thương chỉ nhập một số loại trái cây thông dụng như táo Mỹ, nho Mỹ, cam Mỹ, còn một số loại trái như cherry, việt quất,... thì ở siêu thị mới có.

Bên cạnh sự phong phú về chủng loại và nguồn gốc, xuất xứ, điều mà người tiêu dùng còn bị “rối” là cùng một loại trái cây, cùng xuất xứ lại có nhiều loại tem, nhãn khác nhau”. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ngụ ấp Thuận Tây 2, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc cho biết: “Tôi thường mua trái cây cho gia đình nhưng thật lòng mà nói, mỗi khi ra chợ, tôi như bị “ngộp” bởi nhiều loại trái cây, từ bình dân như chuối, thanh long, sơ ri, sa bô,... đến những loại cao cấp nhập từ nước ngoài. Theo như lời những người bán thì tất cả trái cây nhập đều là hàng Mỹ, Úc,... còn nguyên tem, nhãn với giá cả dao động từ 80.000-260.000 đồng/kg. Không biết đó có phải là hàng nhập khẩu thật hay không, nhưng tôi quan sát kỹ, những thùng đựng các loại trái cây này lại ghi toàn chữ Trung Quốc. Theo tôi, việc dán tem, nhãn cho trái cây chẳng qua chỉ có tác dụng “làm đẹp”, còn xuất xứ thì rất mơ hồ”.

Đâu là hàng “xịn”?

Bà Đỗ Thị Mai, giáo viên về hưu, ở phường Tân Khánh, TP.Tân An thông tin: “Trái cây là một trong các loại thực phẩm bổ sung vitamin cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, do nhà xa khu trung tâm buôn bán, tôi chỉ chọn mua những loại “cây nhà lá vườn”. Những trái cây nhập thì đẹp, hấp dẫn nhưng nguồn gốc, xuất xứ khó kiểm soát. Lâu lâu, tôi cũng mua một ít nho, cam Mỹ nhưng mua trong siêu thị cho an tâm”.

Trái cây ngoại nhập trong hệ thống siêu thị đều được dán tem, nhãn và có hóa đơn chứng từ nhập hàng rõ ràng

Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tân An - Nguyễn Thị Hoàng Anh khẳng định: “Chúng tôi là hệ thống bán lẻ luôn giữ uy tín trên thị trường và tôn trọng phương châm vì mục tiêu bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và khách hàng của siêu thị. Chính vì vậy, hàng hóa đưa vào siêu thị đều phải có hóa đơn và giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm rõ ràng, tạo được lòng tin của khách hàng”.

Theo một cán bộ ngành Y tế (không muốn nêu tên) từng làm trưởng đoàn kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, để kéo dài thời gian tiêu thụ, người ta có thể xử lý trái cây với nồng độ thuốc cao hơn. Trên thực tế, nhiều khi khó kiểm soát xem trái cây được xử lý bằng loại thuốc gì. Các loại trái cây vỏ mỏng liền với ruột khó bóc được như hồng, cherry, táo, lê, nho,... thuốc dễ xâm nhập vào ruột hơn so với các loại trái bóc vỏ được như cam, quýt hoặc quả có lớp vỏ dày như bưởi, dưa hấu,...

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Phạm Văn Luân cho biết: “Hiện vẫn chưa có quy định nào quản lý cụ thể về việc in ấn tem, nhãn, in mã vạch dán lên sản phẩm, có thể là doanh nghiệp tự in hoặc đặt công ty in ấn theo yêu cầu. Còn tem chống hàng giả lại khác, để có thể in tem chống hàng giả, nhà cung cấp cần nhiều giấy phép, cần chứng nhận đủ điều kiện in tem chống giả và ngay cả doanh nghiệp muốn in tem chống giả dán lên sản phẩm cũng cần đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe. Vì vậy, mã vạch hay tem, nhãn chưa đủ để giúp người tiêu dùng thật sự tin vào nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm”./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích