Tiếng Việt | English

15/02/2018 - 21:23

Tết muộn!

Đêm 30 tết! Ai ai cũng muốn được đoàn viên bên gia đình, cùng đón giây phút giao thừa ấm áp, thiêng liêng. Thế nhưng, không ít người vì công việc, nhiệm vụ đặc thù mà không được vui sum vầy trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, để rồi lặng thầm đón tết muộn sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thời khắc giao thừa, những công nhân vệ sinh sẵn sàng tại các điểm được phân công

Lặng thầm làm đẹp  đường phố

Đêm! Đường phố dần tĩnh lặng, khi mọi người nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình thì lúc này, những công nhân vệ sinh bắt đầu làm việc, dù đó là ngày lễ hay tết. Và đã rất lâu, có nhiều công nhân vệ sinh không được hưởng thời khắc giao thừa bên gia đình. Dù cũng có lúc chạnh lòng nhưng vì cuộc sống, họ lấy niềm vui trong công việc an ủi chính mình.

Gắn bó với công việc vệ sinh đường phố tại TP.Tân An gần 10 năm nay, hầu như năm nào cũng vậy, vợ chồng anh Đào An Trung (46 tuổi) và chị Trần Mộng Linh (42 tuổi) luôn làm việc trong đêm giao thừa, góp phần làm sạch, đẹp đường phố để mọi người vui xuân, đón tết.

"Đêm giao thừa, tôi và các đồng nghiệp sẵn sàng tại các điểm được phân công. Thời điểm này, mọi người ra đường rất đông nên công việc của chúng tôi cũng vất vả hơn so với ngày thường bởi lượng rác thải ra từ các hoạt động vui chơi, sinh hoạt của mọi người rất nhiều. Do vậy, chúng tôi phải thật nhanh chóng, làm việc quên cả mệt nhọc để kịp trả lại các tuyến đường, con phố bộ mặt sạch, đẹp trước rạng sáng mùng 1. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ những ngày trực tết, tôi mới dành thời gian bên gia đình, đi thăm, chúc tết nội, ngoại 2 bên" - anh Trung bộc bạch.

Mặc dù cùng làm việc trong đêm giao thừa nhưng anh Trung, chị Linh phụ trách các tuyến đường khác nhau. Mỗi người tập trung cho nhiệm vụ của mình. Gia đình anh, chị đơn chiếc nên cậu con trai 14 tuổi nhiều năm nay cũng theo ba mẹ đi làm việc trong đêm giao thừa. Chị Linh tâm sự: "Không có ba mẹ ở nhà, con trai cũng buồn và thức suốt nên tôi dẫn con theo. Như vậy, con vừa “sum họp” cùng ba hoặc mẹ đêm giao thừa, vừa hiểu được công việc của của ba mẹ, biết thương và quý trọng đồng tiền ba mẹ làm ra".

Tết năm nay, chị Linh làm việc đêm 30, anh Trung làm việc đêm 30, mùng 1 và mùng 2. Do vậy, phải đến mùng 3, tết của gia đình anh chị mới thật sự bắt đầu. Dù đón tết muộn nhưng anh Trung, chị Linh vẫn rất vui!

"Gần 10 năm nay, hầu như năm nào, tôi cũng làm việc trong đêm 30 tết, không được cùng gia đình đón giao thừa. Ban đầu cũng có chút chạnh lòng, nhưng vì nghề mình chọn là như vậy nên phải chấp nhận. Về sau, tôi quen dần và cảm thấy vui vì mình góp một phần công sức làm đẹp phố phường, nhất là trong những ngày tết”.

Chị Trần Mộng Linh

Nhiệm vụ luôn được ưu tiên hàng đầu

Chọn nghề y nên bác sĩ Hồ Thị Cẩm Giang (28 tuổi), Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Long An, luôn sẵn sàng tâm lý trực những ngày tết và xa gia đình trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Vì với chị Giang, công việc luôn được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là nhiệm vụ cấp cứu bệnh nhân.

Bác sĩ Hồ Thị Cẩm Giang cảm thấy vui vì được phân công làm nhiệm vụ trong đêm 30 tết

Năm thứ 3 liên tục trực đêm 30 tết nhưng chị Giang không buồn; ngược lại, còn cảm thấy vui vì được phân công làm nhiệm vụ của người thầy thuốc, giúp đỡ người bệnh trong đêm cuối cùng của năm cũ. Chị Giang cho biết: "Mặc dù trực đêm 30 tết, không ở bên gia đình nhưng tôi lại được đón giao thừa cùng đồng nghiệp. Gia đình cũng rất ủng hộ công việc của tôi. Với tôi, như vậy là đủ ấm áp rồi! Tết cũng như ngày thường, tôi luôn nỗ lực trong cấp cứu, chăm sóc để giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi về quê ở Cần Giuộc đón tết với gia đình".

Anh Đỗ Văn Hùng luôn xác định nhiệm vụ là trên hết và cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình

Là cảnh sát giao thông nên anh Đỗ Văn Hùng (48 tuổi) - Phó Đội trưởng Đội Giao thông huyện Cần Giuộc, xác định nhiệm vụ là trên hết và luôn làm hết trách nhiệm của mình. Anh Hùng chia sẻ: "Đêm giao thừa, lưu lượng xe tham gia giao thông rất đông; đặc biệt, năm nay, Cần Giuộc tổ chức bắn pháo hoa. Nhiệm vụ của chúng tôi rất quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn, trật tự cho người dân an tâm xem pháo hoa và đón giao thừa. Nhận nhiệm vụ trực trong đêm 30 tết, tôi cảm thấy vui vì mình được góp phần nhỏ giúp người dân có cái tết ý nghĩa hơn".

Vui sau, đón tết sau mọi người vì công việc, nhiệm vụ, những công nhân vệ sinh, bác sĩ, cảnh sát giao thông,... dù phải đón tết muộn nhưng họ tạo nên hình ảnh đẹp cũng như việc làm ý nghĩa trong đêm giao thừa. Đó là việc làm lặng thầm góp phần giúp mọi người có cái tết ấm áp, an vui!

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích