Tiếng Việt | English

14/02/2018 - 09:09

Tết này, du lịch ở đâu?

Nhiều điểm du lịch tại Long An tăng cường phục vụ dịp tết, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm, vui chơi, giải trí hấp dẫn cho du khách sau một năm bươn chải mệt nhọc. Qua đó, du khách hiểu thêm về đất và người Long An - miền đất hiền hòa, nghĩa tình, hiếu khách.

1. Làng cổ Phước Lộc Thọ (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa) - điểm dừng chân lý tưởng cho du khách dịp tết. Toàn khu rộng 5ha, gồm 22 nhà cổ từ 3 miền của đất nước, có những ngôi nhà niên đại trên 100 tuổi, cùng hàng ngàn cổ vật giúp chúng ta tìm hiểu về nét văn hóa đặc trưng của từng vùng, miền, kiến trúc xưa, độc đáo.

Làng Cổ Phước Lộc Thọ - điểm đến của những du khách mê kiến trúc xưa, nhà cổ

Làng Cổ Phước Lộc Thọ - điểm đến của những du khách mê kiến trúc xưa, nhà cổ

Bên cạnh đó, các món ăn đặc sản của miền Tây Nam bộ: Gà đất, tôm càng sông, cá,... và nhiều trò chơi dân gian, hồ bơi phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí trong dịp xuân về, tết đến. Đồng thời, không gian rộng thích hợp cho các đoàn tổ chức tiệc dã ngoại, cắm trại,...

Bạn Nguyễn Văn Hùng - sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Văn Hiến TP.HCM, chia sẻ: “Tôi cùng nhóm bạn đến làng cổ rất nhiều lần. Do say mê kiến trúc của các nhà cổ nên chúng tôi đến đây hoài mà không thấy chán, mỗi lần đến là mỗi lần phát hiện những điều mới mẻ. Tết năm nay, tôi và một số bạn lên kế hoạch du lịch trong những ngày nghỉ. Chúng tôi sẽ đến làng cổ, về vùng Đồng Tháp Mười - Long An rồi qua Đồng Tháp, sau đó quay về TP.HCM”.

Phó Giám đốc phụ trách Làng cổ Phước Lộc Thọ - Nguyễn Duy Thảo cho biết: “Dịp tết, số lượng khách tăng, khu du lịch (KDL) chuẩn bị đầy đủ phương án dự phòng để phục vụ. Tết năm nay, bên cạnh tham quan nhà cổ, các cổ vật, làng cổ sẽ có thêm sân khấu hát với nhau, chương trình ẩm thực ngoài trời, các trò chơi dân gian, tắm hồ bơi, tô tượng để phục vụ du khách”.

2Lễ hội Tết - Đường hoa xuân Mậu Tuất 2018 diễn ra từ ngày 13/02 (28 tháng Chạp năm Đinh Dậu 2017) đến ngày 20/02 (mùng 5 Tết Mậu Tuất 2018). Đường hoa dài gần 500m, kinh phí trên 2,1 tỉ đồng, tại Khu đô thị Trung tâm Hành chính tỉnh, phường 6, TP.Tân An, không gian bài trí thoáng đãng.

Đến đây, du khách chiêm ngưỡng nhiều loại hoa đẹp khoe sắc trong nắng xuân. Với chủ đề chính “Đổi mới và nhìn về tương lai”, du khách không chỉ tham quan, vui chơi trong những ngày tết mà còn cảm nhận được hình ảnh TP.Tân An thân thiện, phát triển.

Chị Nguyễn Thị Thanh, ngụ phường 2, TP.Tân An, háo hức: “Tôi mong tết để có dịp cùng gia đình dạo đường hoa, vì chắc chắn đường hoa sẽ có nhiều loại hoa rất đẹp, được bài trí công phu. Năm nay, gia đình tôi ai cũng phấn khởi lên kế hoạch tham quan đường hoa và chuẩn bị đầy đủ để tết năm nay có niềm vui trọn vẹn”.

3. Chùa Tôn Thạnh tọa lạc tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc. Đây là nơi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” - áng văn bất hủ về lòng dũng cảm, không ngại hy sinh của các nghĩa sĩ nông dân. Ngôi chùa được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, tổng thể kiến trúc chùa bao gồm tiền điện, chánh điện, hậu điện (giảng đường).

Qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa vẫn giữ được nét cổ xưa với phần lớn chi tiết gỗ, pho tượng bằng đất nung,... Đây là nơi du khách không chỉ tham quan về kiến trúc, các bia lưu giữ dấu ấn lịch sử mà còn cầu bình an, tài lộc trong dịp đầu năm mới.

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM, khi chị cùng gia đình tham quan tại đây. Chị chia sẻ: “Gia đình tôi thường đi chùa, nhất là chùa Tôn Thạnh. Tết này, chúng tôi sẽ đến đây vào khoảng mùng 2 để thắp hương, cầu mong mọi điều tốt đẹp trong năm mới”.

4. Di tích lịch sử Nhà Tổng Thận, số 4, đường Ngô Quyền, phường 1 TP.Tân An không chỉ được biết đến là ngôi nhà có không gian, kiến trúc riêng biệt, độc đáo mà còn là nơi lưu giữ truyền thống đấu tranh lịch sử của nhân dân trong tỉnh. Đây là trụ sở công khai đầu tiên của Tỉnh ủy Tân An sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1998.
Hiện nay, nhà Tổng Thận trưng bày nhiều tài liệu, hình ảnh, mô hình phục dựng các cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy Tân An, phòng giam các chiến sĩ cách mạng,... Nhà Tổng Thận không chỉ có kiến trúc Pháp bên ngoài, cách bài trí nội thất bên trong mang phong cách Việt, khách tham quan còn được chiêm ngưỡng nét độc đáo về phong cách kiến trúc nhà ở dân dụng, lối sống của tầng lớp trung lưu tại Tân An cuối thế kỷ XIX. Làng Cổ Phước Lộc Thọ - điểm đến của những du khách mê kiến trúc xưa, nhà cổ

Làng Cổ Phước Lộc Thọ - điểm đến của những du khách mê kiến trúc xưa, nhà cổ

Đặc biệt, qua các hình ảnh, mô hình được phục dựng, thế hệ trẻ có thêm hiểu biết về quá trình đấu tranh gian khổ, hy sinh của dân tộc, từ đó giáo dục truyền thống yêu nước cho mỗi người.

5. KDL “Cánh đồng bất tận”, ấp 3, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, nằm trong Khu Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười là điểm đến cho những du khách đam mê khám phá thiên nhiên và tìm hiểu về các loại dược liệu quý hiếm.

Khu du lịch “Cánh đồng bất tận” hấp dẫn những du khách thích hòa mình vào thiên nhiên

Khu du lịch “Cánh đồng bất tận” hấp dẫn những du khách thích hòa mình vào thiên nhiên

Với gần 1.000ha, chủ yếu rừng tràm gió nguyên sinh, có những cây tràm có niên đại gần trăm năm, trên 80 nguồn gen quý và thảm thực vật, động vật phong phú, KDL là nơi du khách hòa mình với thiên nhiên, tìm những phút giây bình yên, thoải mái sau những tất bật, lo toan của cuộc sống thường nhật./.

Đức Minh

Chia sẻ bài viết