Tiếng Việt | English

07/02/2016 - 16:03

Tết nhứt chuyện còn, chuyện mất

Ở nông thôn, ngày xưa cứ đến độ rằm tháng Chạp là không khí tết tràn về, người lo tát đìa bắt cá, người lặt lá mai sao cho hoa nở kịp giao thừa, người hái dừa làm mứt, người quét vôi, sơn phết nhà cửa, tảo mộ ông bà, ai ai cũng hớn hở,… nhưng vui nhất là chuyện quết bánh phồng tết.

 

Hoa tết    Ảnh: Hữu Tuấn

1. Ở nông thôn, ngày xưa cứ đến độ rằm tháng Chạp là không khí tết tràn về, người lo tát đìa bắt cá, người lặt lá mai sao cho hoa nở kịp giao thừa, người hái dừa làm mứt, người quét vôi, sơn phết nhà cửa, tảo mộ ông bà, ai ai cũng hớn hở,… nhưng vui nhất là chuyện quết bánh phồng tết. Bây giờ, thời buổi công nghiệp, cái gì cũng máy móc, cơ giới, nhịp sống hối hả… cái nhẩn nha, nhàn tản, rề rà “tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè” bị lên án. Tết phải vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm,… mọi thứ đều phải tính đến hiệu quả, chất lượng. Các thứ hàng phục vụ cho tết được bày bán đầy ở cửa hàng, trong đó, có cả bánh phồng cũng được máy móc “can thiệp” vào và “hiên ngang” bán giữa chợ. Vì vậy, quết bánh phòng ăn tết là “chuyện mất”.

2. Khi trời lập đông, sương mù trắng xóa ngập tràn đồng ruộng, ngoài chợ bắt đầu bán lịch mới. Ngoài ra, củ kiệu, củ hành, cải xanh (để làm dưa), dừa, bí (để làm mứt), nếp, gạo được bày bán ê hề, có cả câu đối, liễn, thiệp chúc tết, bao lì xì; quần áo, giày dép,… thèo lèo, bánh mứt, những gói quà tết, trái cây,... cũng đua nhau ra chợ "Tết, tết, tết, tết đến rồi,…" gộp chung lại là “chuyện tết nhứt”, mà những chuyện này là “chuyện còn”.

3. Chiều tối 23 tháng Chạp, đưa ông Táo về trời. Cúng tiễn đơn giản, không cỗ bàn, chỉ bày ra cúng ở khuôn bếp với chè, xôi, bánh trái hoặc thèo lèo nhưng phải có nhang đèn, trà nước, bông hoa, đặc biệt phải có mấy tờ giấy hàng mã “cò bay, ngựa chạy”, chủ nhà phải khấn nguyện với tất cả lòng thành của mình. Cúng xong, tất cả chân nhang trong bình hương của các bàn thờ trong gia đình đều được đem đốt thành tro. Từ sau bữa đưa ông Táo về trời thì trong nhà không phải đốt nhang cúng hằng ngày nữa. Đây là “chuyện còn”.

4. Nói “chuyện tết nhứt” thì phải nói đến “chuyện bông hoa”, chưng bông ngoài sân, trong nhà và trên bàn thờ. Bông ngày tết, trước hết là bông mai, kế đến là vạn thọ rồi mới đến các loại khác. Ở ngoài sân thì chưng vạn thọ, cúc, hồng, thược dược, hướng dương và nhiều giống bông mới ngày nay. Ngoài những thứ này, chủ nhà còn tìm mua những chậu hạnh, quýt, ớt kiểng, bây giờ còn chưng cả lúa, bắp, đu đủ,… Riêng trong nhà thì bông được cắm trong lục bình, nhất thiết phải có bông mai, vạn thọ, huệ đỏ; có cả một bình cây phát tài,… Nhà giàu có, rộng rãi thì chưng một cặp lục bình hoặc trong một cái bình lớn đặt trên bàn để ở giữa nhà. Còn trên bàn thờ thì bao giờ cũng phải có bông huệ trắng và các loại bông huệ khác, vạn thọ, bông trang, bông cúc được cắm chung. Đây là “chuyện còn”.

5. Lại nói về “chuyện chưng ngũ quả”. Người xưa quan niệm số lẻ là dương, là sự sống, sinh sôi, phát triển (ngũ: số 5). Ngũ quả là 5 thứ trái cây, tượng trưng cho ngũ hành, 5 chất cấu tạo sự sống (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Chưng ngũ quả phải lựa 5 thứ trái cây có 5 màu sắc (trắng, đen, xanh, vàng, đỏ) để tương ứng với kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tuy nhiên, nhiều người kiêng kỵ màu trắng và đen nên chỉ còn 3 màu xanh, đỏ, vàng, tượng trưng cho thiên, địa, nhân mà người xưa ước vọng “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong dân gian, với mong muốn cuộc sống được đầy đủ quanh năm nên chưng 4 thứ trái cây: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, đọc trại âm ra là “Cầu vừa đủ xài”. Ở 4 thứ trái cây này lại là 4 màu sắc tượng trưng cho 4 mùa trong một năm: Mùa xuân (màu xanh), mùa hạ (màu đỏ), mùa thu (màu vàng), mùa đông (màu trắng). Với khát vọng khá giả, sung túc, người ta còn chưng thêm một chùm trái sung.

Có những gia đình nghèo, ngày tết chỉ chưng trái dưa hấu, xung quanh là những trái quýt (dưa hấu ruột đỏ, vỏ xanh; trái quýt vỏ vàng, ruột vàng) để tỏ sự thành kính với tiền nhân “xanh vỏ, đỏ lòng”. Những gia đình khá giả ngày nay chưng trái cây không câu nệ ở “ngũ quả” nữa mà có rất nhiều thứ trái cây đẹp cả hình thức lẫn màu sắc; mong muốn được sum suê, trù phú, đó là khát vọng hạnh phúc, phát đạt. Đây là “chuyện còn”.

6. “Chuyện tết nhứt” thiêng liêng nhất là chuyện cúng rước ông bà chiều ba mươi tết, cúng giao thừa, cúng mùng một và cúng trong 3 ngày tết… Kế đến là chuyện mừng tuổi, lì xì. Đây là “chuyện còn”. Trước đây, cúng rước ông bà chiều ba mươi tết, cúng giao thừa và sáng mùng một tết thì đốt một dây pháo. Điều này lãng phí, dễ xảy ra hỏa hoạn nên Nhà nước đã nghiêm cấm từ năm 1995. Đây là “chuyện mất”, mà xét thấy hợp tình hợp lý.

7. Nói “chuyện tết nhứt” thường đi kèm những “chuyện kiêng kỵ”. Trước tết, người ta chuẩn bị lu đầy nước, khạp đầy gạo, hũ đầy muối; quét dọn sạch sẽ, làm mới, trang hoàng nhà cửa với mong muốn mọi sự vẹn toàn, hanh thông. Trong chuyện này, người ta còn tưởng nhớ về nguồn cội, đó là “chuyện tảo mộ”. Những điều kiêng trong ngày tết đó là: Không quét nhà ngày mùng một tết, không được làm đổ bể vật dụng trong nhà, không được nói chuyện buồn, không được mặc đồ trắng hoặc đồ đen; không chưng trái cam, trái chuối (ở miền Nam); không ăn, không làm bánh giò chéo quẩy, bánh ít, bánh cam, bánh da lợn,… Những điều này là “chuyện tết nhứt, chuyện còn chuyện mất” mà dân gian sàng lọc để “gạn đục khơi trong”.

Còn mấy “chuyện tết nhứt” nữa, nào là dựng nêu, xuất hành, khai bút, xin xăm, xin quẻ, đá gà, đánh bài,… có chuyện bị người ta lạm dụng làm mất đi nét đẹp truyền thống của dân tộc, thậm chí có chuyện trở thành đỏ đen, không tốt cho xã hội. Ôn cố tri tân là điều cần, “Tết nhứt chuyện còn chuyện mất” để tìm về ngày Tết Cổ truyền đích thực trong tâm thức của mỗi người dân Việt vốn giàu tính nhân văn, với những giá trị truyền thống bao đời./.

Ngọc Yến

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích