Tiếng Việt | English

28/01/2017 - 12:02

Tết sum vầy - Truyền thống của người Việt

Tết Nguyên đán là những ngày trọng đại của người Việt Nam với những truyền thống, phong tục, tập quán và nét đẹp văn hoá có tự ngàn đời như: Thờ cúng tổ tiên, chúc tết, đón giao thừa,... Trong cuộc sống hiện đại, văn hoá đón tết của người Việt cũng có sự kế thừa và đổi mới cho phù hợp.


Sáng mùng 1 các con ông Trần Văn Tốt chúc tết ba mẹ

Thành thông lệ, cứ đến sáng mùng 1 tết thì tất cả thành viên trong gia đình ông Trần Văn Tốt, ngụ ấp Bình Thủy, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An lại tề tụ đông đủ về căn nhà truyền thống để cùng nhau sum họp bên bàn thờ tổ tiên đón tết cổ truyền của dân tộc vào sáng mùng 1 đầu năm.

Ông Trần Văn Tốt, xã Bình Quới, huyện Châu Thành cho biết: “Sáng mùng một, cả nhà thay quần áo mới rồi chúc tết nhau. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, thăm hỏi lẫn nhau và cùng cầu chúc cho một năm mới nhiều hạnh phúc và may mắn.”

Trước đây, ông Trần Văn Tốt làm nghề dạy học và vợ là bà Nguyễn Thị Triều làm nội trợ. Khi còn công tác, dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng ông bà dốc lòng nuôi dạy các con chu đáo. Niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của ông bà khi các con đều thành đạt.

Bà Trần Thị Triều cho biết: “Những ngày khó khăn đã qua. Các con chúng tôi đều đã lớn khôn, ăn học thành người. Bây giờ chúng đã vợ con đề huề, tuổi già không gì hạnh phúc bằng có được niềm vui, nhất là dịp tết được quây quần bên con cháu”.


Gia đình ông Trần Văn Tốt sum vầy trong ngày mùng 1

Ngày thường hầu như mọi người đều tất bật với công việc và những vấn đề trong cuộc sống nên không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Chỉ khi tết đến mới là dịp để những người con xa quê trở về đoàn tụ bên gia đình sau một năm bộn bề, lo toan. Giữa nhịp sống hiện đại ngày nay, tết thật sự là khoảng thời gian đầm ấm nhất của gia đình, là niềm hạnh phúc sum vầy của người lớn, sự háo hức của trẻ thơ.

Chị Trần Thị Thúy Phượng, phường 3, TP.Tân An (con gái của ông Trần Văn Tốt) cho biết: “Dịp tết chính là thời gian quý giá nhất cho mọi người trong gia đình bởi đến ngày này, ai ai cũng tìm về quê hương, về nơi mình sinh ra và lớn lên và tìm về với những người thân yêu nhất. Còn gì thú vị hơn khi cả nhà cùng quây quần bên bửa cơm gia đình, kể cho nhau nghe những việc tốt đẹp trong năm cũ và những dự định của năm mới.”

Quây quần, sum họp, nhớ về nguồn cội, tất cả những điều đó tạo nên nét riêng đặc sắc về giá trị văn hóa tết cổ truyền của dân tộc, được lưu truyền qua bao thế hệ. Giá trị đó ẩn sâu trong đời sống tâm linh của mỗi người, trong mỗi gia đình và cả cộng đồng. Những truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc thể hiện cụ thể trong các gia đình tạo thành nếp nhà, qua đó làm nên giá trị tinh thần của văn hoá gia đình./.

Thanh Hiểu

Chia sẻ bài viết