Tiếng Việt | English

07/02/2016 - 09:09

Tết từ bàn tay mẹ

Một mùa đông lạnh lẽo đã qua. Cây cối bắt đầu đâm chồi, nẩy lộc, hoa lá tươi màu, mai vàng hé nụ,... Tất cả báo hiệu mùa xuân đang đến. Điều này làm lòng tôi nôn nao, háo hức, muốn nhanh tay hoàn tất công việc để về nơi yêu thương. Ở đó, có bàn tay mẹ chăm chút cho cây mai vàng đang độ vào xuân cùng các món ăn chứa chan tình quê hương.


Minh họa: Kiều Oanh

Dù ở xa hàng trăm cây số nhưng tôi vẫn có thể tưởng tượng ra không khí tết tràn ngập khắp các ngõ trong xóm. Nhà nhà nhộn nhịp chuẩn bị đón xuân bằng những món đặc sản quê mình, mẹ tôi cũng vậy! Giữa tháng 11, mẹ bắt đầu chuẩn bị các món ăn mang đậm truyền thống quê nhà.

Trước hết, mẹ mua vài kilôgam cá chạch làm khô. Cá mua về làm và rửa thật sạch, ướp muối, bột ngọt, tiêu, tẩm màu cá khô bằng ớt sừng trâu (ớt bỏ hột, giã lấy nước).

Cá được ướp khoảng 30 phút, sau đó đem phơi dưới nắng gắt 2-3 ngày. Cá sau khi khô được phân chia vào từng túi nylon và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Do đó, dù để lâu vẫn giữ được mùi vị thơm ngon của khô cá chạch. Khô này, thường được làm gỏi với lá sầu đâu, dưa leo hoặc chiên và chấm nước mắm me, “lai rai” ba ngày tết thì còn gì ngon bằng! Cũng vì lẽ đó, khô cá chạch luôn là món ăn được gia đình tôi thích nhất.

Cùng thời gian này, mẹ bắt tay dọn dẹp cỏ dại quanh nhà, chăm sóc hoa vạn thọ, cúc trong vườn và chăm chút cho cây mai vàng trước sân, vì mai là loại cây đem lại may mắn và cầu phúc lộc cho gia đình. Nó còn là loài hoa báo hiệu năm hết, tết đến. Mẹ tôi thường nói: “Tết mà thiếu nhánh mai vàng thì giảm đi ý nghĩa, sự may mắn rất nhiều”. Đêm giao thừa, được ngồi nhìn hoa mai nở vàng rực cùng ánh đèn lung linh làm sáng cả một góc nhà thì vui lắm! Vì vậy, mẹ quan tâm đến thời tiết nhiều hơn để kịp lúc lặt lá mai cho hoa nở rộ đúng ngày mùng một tết.

Nhìn những nụ hoa e ấp dưới cái nắng ấm áp của mùa xuân, những kỷ niệm tuổi thơ bất chợt hiện về. Tôi nhớ như in cái nồi bánh tét đặc biệt của mẹ. Nó đặc biệt bởi nồi bánh ấy không chỉ được gói 1-2 loại nhân mà gói rất nhiều loại nhân, vì nhà có 7 anh em nhưng mỗi đứa lại thích một loại nhân bánh khác nhau. Anh hai thích ăn bánh nhân ngọt, anh tư thích ăn bánh nhân chuối,... Vậy mà mẹ tôi vẫn biết và ghi nhớ từng sở thích của các con. Đối với mẹ, tết mà thiếu nồi bánh tét thì mất đi ý nghĩa. Vì vậy, từ 25 tết, mẹ rọc những tàu lá chuối hột to và chuẩn bị dây gói bánh. Mẹ cho rằng, bánh tét gói bằng lá chuối và buộc bằng dây chuối là ngon tuyệt, vì mùi lá chuối quyện vào mùi nếp dẻo làm cho hương bánh thơm ngon.

Thông thường, 28 tết, mẹ bắt đầu gói bánh tét. Đòn bánh nào cũng được mẹ chăm chút rất cẩn thận và làm dấu riêng cho từng loại nhân bánh. Lúc còn nhỏ, tôi thích nhất là ngồi nấu bánh tét chung với mẹ và anh hai. Bên bếp lửa, mẹ thường đem bộ lư đồng ra chùi, miệng thì kể sự tích về phong tục, tập quán ngày xuân, nên trong lòng anh em tôi lại càng háo hức, nôn nao về giây phút đêm giao thừa.

Nồi bánh tét vừa nấu xong, anh em tôi lại hồi hộp đón những đòn bánh tét nóng hổi. Mẹ thường lựa đòn nào đẹp, thẳng nhất để chưng trên bàn thờ ông, bà nội. Đòn nào xấu xấu, mẹ dành làm “phần thưởng” cho mấy anh em. Thế là, nhao nhao, đứa lấy dao, đứa lấy dĩa để được ăn thử bánh. Hương vị của bánh tét được tạo nên từ đôi bàn tay yêu thương của mẹ. Nó làm tôi không thể nào quên và muốn về thật sớm để đón tết bên mẹ!

Năm tháng đi qua, những đứa con của mẹ ngày nào giờ trưởng thành và rời vòng tay yêu thương để tìm một chân trời mới. Chỉ có dịp tết, đại gia đình mới được sum vầy. Nhớ, nhớ lắm cái tết ấm áp, hạnh phúc được dệt nên từ bàn tay mẹ! Anh em tôi lại náo nức quay về nơi yêu thương. Ở đó, mẹ đang chờ đợi các con thân yêu quay về tổ ấm sau một năm xa cách./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết