Tiếng Việt | English

17/01/2019 - 14:06

Tết Việt

Bạn có thích Tết Cổ truyền không? Những ngày tết có ý nghĩa gì với bạn? Trước những thông tin cho rằng nên gộp Tết Cổ truyền với Tết Dương lịch, bạn có ý kiến gì? Hãy lắng nghe ý kiến của các bạn trẻ xoay quanh chủ đề này nhé!

Tết Việt

Một năm lại trôi qua, năm mới đến với bao nhiêu sự háo hức, mong chờ. Ở Việt Nam có 2 cái tết, đó là Tết Dương lịch và Tết Cổ truyền. Hai cái tết có ý nghĩa khác nhau. Thời gian gần đây, một số thông tin cho rằng nên gộp 2 cái tết lại và có ý kiến nên bỏ Tết Cổ truyền vì tốn kém và làm giảm năng suất lao động. Tôi không đồng ý với ý kiến này vì Tết Cổ truyền là dịp người người, nhà nhà sum họp, quây quần bên nhau chào đón một năm mới. Có người xa quê lập nghiệp, cả năm mới về nhà một lần vào những ngày tết, nếu bỏ đi Tết Cổ truyền thì còn đâu ý nghĩa, còn đâu những ngày sum họp và còn đâu sự nôn nao khi chào đón năm mới? Tết Nguyên đán là tết của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Việc bỏ Tết Cổ truyền hay gộp chung thành một cái tết là không nên. Tôi hy vọng, những ngày Tết Cổ truyền vẫn được diễn ra với tinh thần vui tươi, tiết kiệm.

Mỹ Ngân

Giữ tết cổ truyền

Tết Cổ truyền là ngày lễ lớn của dân tộc Việt, là dịp để gia đình sum họp sau một năm làm việc vất vả và cũng để những người con lập nghiệp xa xứ trở về đoàn viên trong những ngày đầu năm. Tuy nhiên, với nhịp sống hiện đại, nét truyền thống của tết xưa ít nhiều bị phai dần. Có ý kiến cho rằng không nên giữ Tết Cổ truyền vì những nét truyền thống đã bị mai một. Tôi nghĩ điều đó không đúng, vẫn có nhiều gia đình gìn giữ tết truyền thống và xem đó là giây phút thiêng liêng của năm mới. Từ thành thị đến nông thôn, ngày tết vẫn mang ý nghĩa riêng, là bản sắc của dân tộc. Có điều, chúng ta ăn tết sau cho lành mạnh, tiết kiệm, trọn niềm vui mà tránh quá đà. Truyền thống tốt đẹp cần được gìn giữ và phát huy.

Chế Anh

Tết trọn niềm vui

Với tôi, Tết Cổ truyền bao giờ cũng có ý nghĩa đặc biệt. Không khí nhộn nhịp những ngày giáp tết mang đến cảm giác đầm ấm. Cách chuẩn bị tết của người Việt cũng thật đặc biệt, trang hoàng lại nhà cửa, chuẩn bị những món ăn chỉ có trong ngày tết, chăm bón vườn hoa trước sân để tết trở nên rực rỡ hơn. Trong những ngày tết, ai cũng muốn trở về sum họp bên gia đình, cùng người thân đón giao thừa. Khoảnh khắc thiêng liêng đó là nét đẹp cần được gìn giữ. Nếu chúng ta biết giữ gìn, trân trọng thì ý nghĩa ngày tết luôn tròn đầy. Tết vui tươi, tiết kiệm, an toàn,... là điều cần hướng đến để mỗi người “nạp năng lượng” cho một năm mới. Giữ nét truyền thống của Tết Cổ truyền là giữ lấy bản sắc văn hóa, giữ lấy cội nguồn./.

Trúc Quỳnh

Bài vở cộng tác Chuyên mục HHT xin gửi về: vomanhhao@gmail.com
Chia sẻ bài viết