Tiếng Việt | English

15/02/2018 - 15:55

Tết xưa, tết nay - Đôi điều suy ngẫm

Tết nay có thể giản lược vài nghi lễ rườm rà, lãng phí, nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp rất cần được duy trì. Và, dù tết xưa hay tết nay, cái “tình”, cái “hồn” của mỗi gia đình vẫn là điều quan trọng nhất.

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

hay “Cu kêu ba tiếng cu kêu,

Trông mau đến tết dựng nêu ăn chè”

Đây là những câu đối, câu ca dao rất quen thuộc về ngày Tết Cổ truyền của dân tộc. Tuy vẫn giữ những giá trị truyền thống từ bao đời nhưng tết nay có nhiều khác biệt. Vẫn “bánh chưng xanh”, “dưa hấu đỏ”, “mai vàng”, “đào tươi”, nhưng cái tết hiện đại dần vắng bóng vài điều xưa cũ. “Tràng pháo” giờ không còn, “câu đối” thỉnh thoảng xuất hiện và “cây nêu” chỉ còn rất ít gia đình duy trì.

Nhớ quá, Tết xưa!

Ngoài những phong tục chung của ngày Tết Cổ truyền, khắp đất nước Việt Nam, mỗi vùng, miền, địa phương lại có những đặc trưng riêng. Tuy nhiên, tất cả đều cùng ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, trân trọng sự đoàn viên của gia đình. Cái tết xưa, trong trí nhớ của những người lớn tuổi, tuy không đủ đầy, sung túc như ngày nay nhưng lại có thừa sự ấm áp của tình thân gia đình và tình làng, nghĩa xóm. 

Phong tục dán giấy đỏ lên cây trái, con vật, đồ  đạc trong gia đình để cầu sung túc, may mắn trong năm mới

Phong tục dán giấy đỏ lên cây trái, con vật, đồ  đạc trong gia đình để cầu sung túc, may mắn trong năm mới

Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - Phan Văn Phấn (82 tuổi) chia sẻ: “Cái tết trong tiềm thức của tôi đơn giản, mộc mạc nhưng vui lắm! Ngay từ rằm tháng Chạp là cả xóm “lục tục” xay bột làm bánh tráng, quết bánh phồng. Hai, ba nhà vần công giã gạo, rồi tất niên thì cùng nhau mổ heo, chia thịt,... Thời đó, cuộc sống thiếu thốn, nghèo khó nhưng không khí rộn ràng, ấm áp! Nhà vợ tôi còn có tục dựng nêu để trừ tà, đốt pháo tre rôm rả lắm!”.

Cũng theo ông Phấn, tết ngày nay tuy đủ đầy nhưng không khí tất bật chỉ có vào trước tết. Đến mùng 1, nhất là ở thành thị, nhiều nhà “mạnh ai nấy ở”, chẳng thấy chúc tết “giáp xóm” như ngày xưa! Nhiều gia đình, con cháu về chơi chưa bao lâu đã vội đi, gặp nhau thì mỗi người cầm chiếc điện thoại, ai nấy đều bận rộn việc riêng của mình. Nhiều cháu nhỏ ít được cha mẹ dẫn đi thăm họ hàng, có khi gặp người thân ngoài đường cũng chẳng nhận ra. Đây là điều mà những người hoài cổ như ông trăn trở mãi!

Tương tự, ông Lê Văn Cừ (73 tuổi), ngụ ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, tỉnh Long An, bộc bạch: “Tôi nhớ hoài ngày tết khi còn nhỏ, chiều 30 là bắt đầu dựng nêu với chùm pháo tre dài gần đụng đất. Con nít nôn nao chờ được đốt pháo, đi chúc tết để nhận lì xì. Tết nay thì vẫn vui, nhưng tôi thấy chưa trọn vẹn. Các cháu nhỏ bây giờ, chưa kịp họp mặt gia đình đã vội đi du lịch đến hết kỳ nghỉ. Cho nên, với những người lớn tuổi, mong ngóng con cháu đến tết về thăm nhưng quây quần chưa bao lâu thì... đã hết tết!”.

Tết nay vẫn đầy ý nghĩa

Dù thời gian có đổi thay, tết nay cũng khác tết xưa ít nhiều nhưng có những gia đình, nếp nhà ngày tết luôn được trân trọng, giữ gìn. Bởi, với họ, đó là những bài học sinh động dành cho con cháu đời sau. 

Khấn nguyện tổ tiên vào đầu năm mới

Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Long An - Nguyễn Huỳnh Triều (75 tuổi), truyền nhân đời thứ 7 của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức: Ngay từ khi còn nhỏ, những lễ nghi, phép tắc trong gia đình, dòng tộc luôn được ông bà, cha mẹ dạy dỗ rất nghiêm. Ngày đó, chuẩn bị cái tết rất cầu kỳ vì không chỉ là dịp gia đình sum họp, tết còn là lúc tạ ơn đất trời phù hộ một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi và là dịp tri ân tổ tiên, tiền hiền khai khẩn. Ngay từ rằm tháng Chạp, gia đình ông bắt đầu tảo mộ, viếng lăng chứ không đợi đến 25 âm lịch; rồi nghi thức đưa ông Táo về trời; làm lễ cúng trong đêm giao thừa; dựng nêu, hạ nêu đều rất bài bản. 

“Ngày tết, tôi cũng viết câu đối, câu liễn treo trong nhà và tặng người thân, gia quyến. Riêng người em út Nguyễn Huỳnh Nguyên vẫn duy trì tục dựng nêu, cầu bình an cho gia đạo. Thế hệ trẻ ngày nay, rất nhiều người không biết đến những nghi lễ trên là một điều thiếu sót. Tôi hy vọng những phong tục này được gìn giữ, phát huy để các em, các cháu hiểu hết ý nghĩa và trân trọng cội nguồn dân tộc, tránh bị mai một về sau”.

Giáp địa bàn tỉnh Long An, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang là nơi mà rất nhiều gia đình duy trì tập tục dựng nêu ngày tết. Ngày tết, có dịp đến đây, ta sẽ cảm nhận được không khí tết xưa vô cùng rõ nét khi sáng mùng 1, những người cao tuổi mặc áo dài, đội khăn đóng, chậm rãi đi thành từng đoàn, đến từng nhà chúc tết. Ông Phạm Văn Tròn (72 tuổi) chia sẻ: “Cả năm bận rộn, chỉ có ngày tết là xóm giềng, dòng tộc có cơ hội sum vầy. Một chút lễ nghĩa, ít thời gian dành cho nhau nhưng thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, tình anh em, dòng họ là vô cùng đáng quý và rất cần được duy trì!”.

Ngày nay, còn rất ít gia đình duy trì tục dựng nêu ngày tết

Ngày nay, còn rất ít gia đình duy trì tục dựng nêu ngày tết

Tại đây, cứ vào đêm giao thừa, nhà nhà đều khấn nguyện, bày lễ dựng nêu. Trên thân tre thẳng, người ta treo bùa trừ tà, giấy tiền vàng bạc, trầu cau, muối, gạo cầu xin ơn trên một năm mới thuận lợi, tránh điều xui rủi, không may. Đến mùng 7, mọi người làm lễ hạ nêu. Bà Lê Thị Bảy (79 tuổi) chia sẻ: “Người trụ cột của gia đình sẽ đứng ra làm lễ dựng nêu. Chồng tôi mất hơn 20 năm rồi nên năm nào, tôi cũng là người khấn nguyện. Ngoài tập tục này và các nghi thức cơ bản khác của ngày tết, mùng 3, chúng tôi cũng cúng tết vườn, tạ ơn cây cối, vật nuôi đã phục vụ con người. Những người lớn tuổi cắt giấy hồng đơn, giấy vàng, bạc dán lên vật dụng giá trị trong nhà, cây cối, sừng trâu, sừng bò,... để mong mùa màng tươi tốt, vật nuôi sinh sôi, gia đình sung túc!”.

Quả thật, dù một số tập tục ít nhiều mang màu sắc tâm linh, thế nhưng, đây là những hoạt động ý nghĩa từ lâu đời, nếu có dịp, thế hệ trẻ ngày nay rất cần tìm hiểu để tránh bị mai một, quên lãng sau này. Không thể khẳng định rằng tết xưa và tết nay, tết nào vui hơn vì đây là cảm nhận chủ quan của mỗi người. Tết nay có thể giản lược vài nghi lễ rườm rà, lãng phí, nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp rất cần được duy trì. Và, dù tết xưa hay tết nay, cái “tình”, cái “hồn” của mỗi gia đình vẫn là điều quan trọng nhất. Bởi, tết không chỉ là những ngày nghỉ đơn thuần sau một năm dài mệt nhọc mà còn là những thời khắc thiêng liêng nhất bên những người thân yêu. Và, chỉ khi biết trân trọng giá trị truyền thống, biết gìn giữ “sợi dây” gắn kết tình thân thì dù là tết xưa hay tết nay, tất thảy sẽ đều “vui như tết”! 

Cát Tường

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích