Tiếng Việt | English

19/07/2016 - 11:49

Tham gia Bảo hiểm y tế chung tay vì cộng đồng

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa nhân văn, hướng tới mục tiêu công bằng và hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, việc thông tuyến khám, chữa bệnh (KCB) BHYT tác động tích cực đến người có thẻ BHYT và các cơ sở KCB.


Thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT tạo nhiều thuận lợi cho người dân

BHYT - “Mua” lấy sự an tâm

Tham gia BHYT không chỉ giảm bớt gánh nặng chi phí khi ốm đau mà còn mang ý nghĩa an sinh xã hội sâu sắc. Nhờ có thẻ BHYT mà nhiều gia đình không phải lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi chẳng may gặp tai nạn hoặc bệnh hiểm nghèo. Nhiều người chưa nhận thấy hết quyền lợi, ý nghĩa khi tham gia BHYT hoặc có tâm lý chủ quan, đến khi có bất trắc xảy ra, chi phí điều trị cao thì đành phó thác cho số phận. Chúng ta cần nhận thức rằng, tham gia BHYT, trước hết là vì quyền lợi của bản thân, sau đó là vì cộng đồng.

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sự phối hợp của chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở, ý thức của người dân được nâng cao nên tỷ lệ tham gia BHYT ngày càng tăng. Hiện tại, theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Long An, đến hết tháng 6-2016, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân của Long An chiếm 74,73% dân số (theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết HĐND giao trong năm 2016 là 73,2% dân số). Số người tham gia BHYT là 1.118.347 người, chiếm 101,53% so với kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có trên 1.300.000 lượt KCB với số tiền khoảng 196 tỉ đồng. Trong đó, KCB ngoại trú trên 1.270.000 lượt với số tiền trên 115 tỉ đồng; KCB nội trú trên 66.500 lượt với số tiền trên 81 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, chất lượng KCB tại các cơ sở y tế ngày càng hoàn thiện. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút người dân tham gia BHYT. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Long An - Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Thị Dễ, thời gian qua, ngành Y tế triển khai và thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ như: Cải cách quy trình KCB, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân,... Hầu hết các cơ sở y tế đều được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị đáp ứng cơ bản nhu cầu KCB cho người dân.


Các cơ sở y tế đã được chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên sâu, nổi bật là triển khai chạy thận nhân tạo tại một số BV huyện trong tỉnh

Thông tuyến KCB - Lợi ích nhân đôi

Việc mở thông tuyến KCB BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong việc KCB. Sau đó, Công văn 943/BHXH-CSYT được BHXH Việt Nam ban hành ngày 21-3-2016 càng mở rộng lợi ích của người tham gia BHYT khi người bệnh có thể đăng ký KCB BHYT ở các BV tuyến huyện trên toàn quốc. Các trường hợp đi làm ăn xa, cư trú ngoại tỉnh khi KCB không đúng tuyến ở các BV tuyến huyện có xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ vẫn được bảo đảm quyền lợi theo mức hưởng BHYT đúng tuyến.

Thông tuyến KCB cũng là yếu tố hàng đầu thúc đẩy người dân tham gia BHYT, đồng thời, bước đầu giảm quá tải ở các BV từ trước đến giờ. Trước đây, người dân phải chờ đợi lâu thì hiện tại có thể chọn lựa các cơ sở KCB tương đương để giảm tình trạng chờ đợi ở BV tuyến huyện, có thể lựa chọn các phòng khám tương đương.

Giám đốc BV Đa khoa khu vực Cần Giuộc - Nguyễn Văn Bay cho biết, mỗi ngày, BV tiếp nhận từ 1.000-1.500 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó, BHYT chiếm hơn 2/3 số lượt KCB. Kể từ khi thông tuyến huyện trên toàn quốc, BV tiếp nhận KCB cho rất nhiều bệnh nhân đến từ các địa phương lân cận như: Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ (TP.HCM). Được biết, BV Đa khoa khu vực Cần Giuộc cũng là BV công lập duy nhất trong tỉnh tổ chức KCB vào ngày chủ nhật, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân, nhất là công nhân, học sinh không có thời gian khám bệnh trong tuần, người cao tuổi không thể tự đi lại.

Bà Nguyễn Thị Nhi (66 tuổi), ở ấp 5, xã Long Hòa, huyện Cần Đước cho biết, khám bệnh ngày chủ nhật giúp con cháu của bà thuận tiện sắp xếp công việc để đưa đón. Dù khám cuối tuần, các bác sĩ vẫn niềm nở, ân cần nên bà rất tin tưởng khi khám bệnh tại đây.

Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh - Bác sĩ Bùi Quang Triết, thông tuyến KCB có tác động tích cực đối với người KCB BHYT. Người bệnh được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân tương đương tuyến huyện. Từ đó, các cơ sở y tế phải tích cực chuẩn bị nguồn lực gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ, thuốc men, tự nâng cao chất lượng về chuyên môn và thái độ phục vụ để thu hút người dân đến KCB. Quan trọng hơn, đối với việc thực hiện chính sách BHYT, quyền lợi được mở rộng sẽ là động lực quan trọng để người dân tích cực tham gia BHYT.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành vẫn đang tập trung quản lý vấn đề lạm dụng, tránh trường hợp bệnh nhân có thẻ BHYT khám nhiều lần trong ngày ở nhiều tuyến.

Theo hướng dẫn của BHXH Long An, từ ngày 1-1-2016, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế trong phạm vi toàn quốc khi đến KCB không đúng tuyến có xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ tại các bệnh viện tuyến huyện sẽ được giải quyết quyền lợi theo mức hưởng BHYT đúng tuyến. Các bệnh viện tuyến huyện được Sở Y tế Long An xác định theo Công văn số 694/SYT-NVY, ngày 6-4-2016, bao gồm:

- Bệnh viện Đa khoa khu vực: Hậu Nghĩa, Cần Giuộc, Đồng Tháp Mười.

- Trung tâm Y tế các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa.

- Bệnh viện Đa khoa tư nhân tương đương hạng III: Long An Segaero.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết