Tiếng Việt | English

18/09/2018 - 16:46

Thầm lặng góp “mật ngọt” cho đời

Trong cuộc sống, có biết bao tấm lòng thiện nguyện âm thầm sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh; những người lặng lẽ làm đẹp cho đời bằng những công việc vô cùng ý nghĩa...

Với sư cô Thích nữ Huệ Phước (bên phải), người xuất gia luôn có tinh thần từ bi, hỷ xả

Với sư cô Thích nữ Huệ Phước (bên phải), người xuất gia luôn có tinh thần từ bi, hỷ xả

1. Với tâm niệm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, sư cô Thích nữ Huệ Phước - Trụ trì chùa Long Phước, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An cùng tăng, ni, phật tử làm nhiều việc giúp người nghèo.

Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bến Lức, sư cô Thích nữ Huệ Phước là người luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chương trình hành đạo. Bên cạnh đó, sư cô hướng dẫn phật tử sinh hoạt tôn giáo theo tôn chỉ, giáo lý và mục đích của đạo Phật; tích cực hưởng ứng các phong trào phát triển KT-XH, các cuộc vận động do MTTQ các cấp phát động giữ gìn an ninh, trật tự địa phương.

Sư cô tích cực trong công tác từ thiện - xã hội, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2018, sư cô vận động hỗ trợ 40 triệu đồng xây tặng nhà tình thương cho gia đình khó khăn về nhà ở; hỗ trợ 9 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa; góp tiền bêtông đường giao thông nông thôn; xây dựng cơ sở thờ tự đạt chuẩn văn hóa,...

Không chỉ hành đạo, sư cô còn quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh. Chia sẻ về công việc mình làm, sư cô cho rằng: “Đó là điều mà người xuất gia nên làm. Hơn nữa, chúng tôi thấy những việc trên có đáng là bao!”.

2. Tại khu phố Xuân Hòa 1, phường 6, TP.Tân An có một người phụ nữ (PN) ngày ngày âm thầm với công việc bình dị, đó là nhặt rác trên các trục đường của khu vực mình đang sống. Người PN ấy chính là bà Đỗ Thị Thơm - Tổ trưởng PN Tổ 8, người luôn sống có ý thức, nhất là trong bảo vệ môi trường.

Những năm gần đây, cùng với cán bộ, hội viên PN của phường 6 thực hiện mô hình Sạch ngõ - Vì một đô thị không rác, bà Thơm luôn là người tích cực, thầm lặng dọn vệ sinh đường phố. Ngoài những buổi tham gia lao động chung, bà thường xuyên quét dọn, nhặt rác trên đoạn đường do Hội Liên hiệp PN Việt Nam phường quản lý. Đó là tuyến đường Huỳnh Châu Sổ và đường Nguyễn Văn Chánh.

Hàng ngày, cứ vào lúc 15 giờ, bà lão 71 tuổi này đạp xe đi nhặt, quét rác. Bà chia sẻ: “Tôi làm công việc này đến nay được khoảng 5 năm. Làm riết rồi quen nên nhiều lúc không làm là tôi thấy nhớ. đơn giản, tôi chỉ muốn góp chút công sức để đường phố không rác, góp phần cùng chính quyền xây dựng tuyến đường văn minh đô thị”. Từ việc làm của bà tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, mọi người càng nâng cao ý thức giữ gìn đường phố sạch, đẹp.

Không chỉ nhặt, quét rác, bà còn vận động các hộ dân sống dọc 2 tuyến đường không bỏ rác bừa bãi, để rác đúng lịch thu gom và đúng nơi quy định, luôn giữ vệ sinh môi trường xung quanh sạch, đẹp; không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để buôn bán, dựng xe, không phơi mắc quần áo trước nhà,... Bên cạnh đó, tại những nơi đèn đường bị hư hỏng, bà phản ánh với chính quyền, sửa chữa hoặc lắp bóng đèn mới, giúp người dân đi lại dễ dàng, bảo đảm an ninh, trật tự tại khu phố.

71 tuổi, bà Đỗ Thị Thơm vẫn âm thầm làm những việc vì lợi ích cộng đồng

71 tuổi, bà Đỗ Thị Thơm vẫn âm thầm làm những việc vì lợi ích cộng đồng

Bà làm việc với cả lòng nhiệt huyết, vì lợi ích của cộng đồng. Bà nói: “Tôi nghĩ rằng, làm được việc gì có ích thì mình cứ làm. Vì vậy, còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục tham gia, làm những việc có ích cho cộng đồng”.

Việc làm của bà tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Đó là hình ảnh đẹp, luôn nhắc nhở mọi người ý thức hơn trong việc chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị. Và có lẽ, việc xây dựng nên hình ảnh các tuyến phố sạch, đẹp chính là món quà tinh thần vô giá để bà vững tâm cống hiến.

3. Từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà Nguyễn Thị Vẹn, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, bươn chải bằng nhiều nghề để sinh sống. Đến năm 2005, bà từ TP.HCM trở về quê và ngụ tại ấp Thanh Phú. Được sự vận động của chính quyền địa phương, bà tham gia công tác xã hội từ những ngày ấy.

Bắt đầu từ năm 2006, bà làm Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Thanh Phú. Với trách nhiệm của mình, bà không quản ngại gian khó, đến từng nhà vận động chị em tham gia công tác hội, thành lập một số mô hình giúp PN vươn lên trong cuộc sống. Năm 2010, được sự tín nhiệm của người dân trong ấp, bà trúng cử Trưởng ấp Thanh Phú với số phiếu khá cao.

8 năm qua, người trưởng ấp này không phụ lòng người dân, đem tâm tư, tình cảm của họ truyền đạt đến chính quyền địa phương cũng như đưa những chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Bản thân bà không lập gia đình nên hầu hết thời gian bà dành cho công tác xã hội. Từ khi làm trưởng ấp đến nay, bà làm nhiều việc “không tên” có ích cho xã hội. Đó là vận động người dân chung tay cùng Nhà nước bêtông hóa 9 con đường giao thông nông thôn với số tiền hàng trăm triệu đồng. Với từng công trình do bà vận động, bà đều bỏ công sức, “xắn tay” cùng nhân dân giám sát; đồng thời công khai, minh bạch chi phí rõ ràng để tạo lòng tin trong nhân dân.

Tất cả công trình do bà vận động, đâu phải công trình nào cũng được suôn sẻ. Có những công trình bà phải đi lại rất nhiều lần, thậm chí phải chịu đựng những lời nói không hay về mình khi vấp phải sự không đồng thuận của một vài người. Những lúc như vậy, bà dặn lòng phải thật bình tĩnh để xử lý, giải quyết cho êm đẹp.

“Nhiều năm đi vận động nên gặp những chuyện như vậy, tôi quen rồi. Và tôi không nản lòng. Mình dùng phương châm “mưa dầm thấm sâu”, từ từ người dân sẽ hiểu. Tôi nghĩ, mình hết lòng vì cái chung, người dân sẽ đồng thuận, chung tay thực hiện. Đó là động lực giúp tôi làm việc trong nhiều năm qua” - bà cho biết.

Một trong những con đường giao thông nông thôn được bà Nguyễn Thị Vẹn vận động xây dựng

Một trong những con đường giao thông nông thôn được bà Nguyễn Thị Vẹn vận động xây dựng

Không chỉ vận động người dân hiến đất, góp tiền làm đường, thông qua các mối quan hệ, hàng năm, vào dịp lễ, tết, bà còn vận động tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách,... Gần đây, bà còn bỏ công sức đi kêu gọi góp tiền xây dựng công trình nước sạch cho người dân trong ấp sử dụng; vận động người dân lắp đèn chiếu sáng 2 tuyến đường nông thôn với chiều dài 1.500m, kinh phí khoảng 35 triệu đồng;... Ngoài ra, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy Châu Thành về trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao, bà thuyết phục được các hộ dân trong ấp tham gia với diện tích 42ha;...

Chừng ấy năm gắn bó với công việc là chừng ấy thời gian bà chấp nhận chuyện đi sớm, về trễ. Dù thù lao không đáng là bao nhưng bà tự nhủ sẽ làm việc bằng cả cái tâm.

Mỗi người mỗi cách làm khác nhau, nhưng đều chung một mục đích. Họ không quản ngại khó khăn, “góp nhặt” những yêu thương cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết