Tiếng Việt | English

05/01/2018 - 15:36

Thầm lặng hút đinh trên Quốc lộ 1

Lúc đầu, nhìn anh Nguyễn Lê Duy (33 tuổi) lái xe tự chế đi hút đinh dọc đường, nhiều người thấy lạ; có người còn nói “ông này rảnh quá!”. Nhưng, hiểu được ý nghĩa của việc làm này, nhiều người dân lại khâm phục và quý mến anh.

Anh Nguyễn Lê Duy điều khiển xe gắn máy kéo theo xe tự chế đi hút đinh dọc Quốc lộ 1, đoạn qua xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức

Hễ được người dân thông tin đoạn đường nào có nhiều đinh, anh Duy lại điều khiển xe đến hút. Bao năm nay, người dân sống bên Quốc lộ (QL) 1, đoạn qua huyện Bến Lức, tỉnh Long An quá quen thuộc với hình ảnh anh Duy điều khiển chiếc xe tự chế đi hút đinh.

Nhận “tin báo” là đi

“Duy ơi, mấy bữa nay, nhiều người điều khiển xe máy trên đường cán phải đinh, em đem xe hút đinh, giúp người dân đi lại an toàn hơn được không?”. Nhận được cuộc gọi từ người dân vào ngày nghỉ cuối tuần, ngay lập tức, anh Duy vào nhà lấy chiếc xe hút đinh chạy đi.

Từ nhà ở ấp 2, xã Thạnh Đức, anh ghé vào trạm xăng đổ 50.000 đồng rồi cho xe nổ máy, chạy từ từ theo Đường tỉnh 816, đoạn qua xã Thạnh Đức, vòng qua ngã tư Bình Nhựt, quẹo phải đến QL1. Lúc này, mặt đường nhựa nóng hừng hực vì nắng. Xe hút đinh di chuyển với tốc độ rất chậm, khoảng 10km/h. “Đinh nằm ngang, dọc trên mặt đường nên phải chạy chậm thì hệ thống nam châm bên dưới xe mới hút được” - anh Duy giải thích.

Một số người dân ở bên đường nhìn thấy anh Duy liền cười, nói: “Chú Duy lại đi hút đinh kìa!”. Nghe vậy, mấy đứa trẻ liền chạy ra, đứng trước cửa nhà chăm chú nhìn theo anh Duy và chiếc xe tự chế đang hút đinh cho đến khi lẩn khuất vào dòng xe phía trước.

Chạy khoảng 30 phút trên QL1, đoạn qua xã Thạnh Đức, hàng chục chiếc đinh nhọn, kích cỡ khác nhau bám vào dàn nam châm được gắn chặt dưới khung xe. Dừng lại kiểm tra, anh Duy thấy, bên cạnh những chiếc đinh thông thường còn có những loại đinh rất kỳ dị, hình thoi, mỏng như lá lúa với 4 góc nhọn sắc lẹm. “Không có ai sản xuất loại đinh này, chắc chắn, có kẻ cố tình cắt rải trên đường để bẫy xe” - anh Duy bức xúc.

Nói xong, anh Duy lên xe, tiếp tục chạy theo QL1 đến đoạn ngã ba Bình Ảnh, huyện Thủ Thừa rồi lại quay lại ngã tư Bình Nhựt. Lúc này, trời bắt đầu nhá nhem tối, số đinh bị nam châm hút cũng nhiều thêm. Anh Duy kể, hôm nào phát hiện đường nhiều đinh là anh điều khiển xe chạy đi, chạy lại 2-3 lần để rà thật kỹ, có hôm rà 2 giờ liền. Quãng đường quen thuộc anh thường đi hút đinh là QL1, đoạn từ xã Nhị Thành đến thị trấn Bến Lức.

Nói về việc rải đinh bẫy xe, những người dân bên QL1, đoạn qua huyện Bến Lức, rất bức xúc. “Xe bị dính đinh thì chủ phương tiện phải đưa vào tiệm bên đường để vá. Có những trường hợp, chủ tiệm cố tình cạy hư ruột xe để thay mới” - ông Nguyễn Văn Dũng lo lắng.

Anh Duy và chiếc xe hút đinh do anh tự chế

Vì cuộc sống cộng đồng

Kể về chiếc xe tự chế hút đinh, anh Duy cho biết: “Năm 2007, tôi về công tác tại xã Thạnh Đức. Để nâng cao trình độ, chiều tối, tôi lại chạy xe máy lên TP.HCM học đại học. Có những lần, đi trên QL1, tôi chứng kiến nhiều người bị thủng ruột xe do vướng phải đinh, bản thân cũng nhiều lần dắt xe như thế. Bức xúc nhất là nhiều tiệm sửa xe cố tình cạy hư ruột xe để khách phải thay mới. Khi đó, tôi nhen nhóm ý tưởng sáng chế xe hút đinh để giúp người đi đường. Năm 2011, tôi bắt tay thực hiện thành công xe hút đinh và sử dụng cho đến nay”.

Xe hút đinh do anh Duy tự chế có kết cấu rất đơn giản: Hai bánh xe được kết nối lại, phía dưới có khung lắp gần 10 cục nam châm để hút đinh, phía trước có một khung sắt nhỏ. Khi hoạt động, khung sắt được nối vào xe máy mà anh sử dụng làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Cứ thế, anh Duy ngồi điều khiển xe máy, kéo theo xe hút đinh phía sau đi hút đinh dọc đường. Trên xe, anh Duy gắn một tấm bảng ghi dòng chữ mang thông điệp nhân văn “Vì cuộc sống cộng đồng”. Ngoài ra, anh còn cắm một lá cờ để báo hiệu người đi đường biết xe đang lưu thông.

Kinh phí sáng chế chiếc xe hút đinh không đáng bao nhiêu vì anh Duy tận dụng bánh xe cũ, nam châm từ những loa truyền thanh hư hỏng. Tuy nhiên, để xe hoạt động hiệu quả như hiện nay, thanh gắn nam châm có thể hạ lên, đẩy xuống phù hợp với mặt đường lồi, lõm thì anh Duy phải 4 lần cải tiến nó.

Ban đầu, thấy anh Duy điều khiển chiếc xe tự chế đi hút đinh dọc QL1, nhiều người ngỡ ngàng, có người còn cho rằng “quá rảnh rỗi”. “Có người nhìn tôi với vẻ rất lạ. Không biết giải thích thế nào để mọi người hiểu nên tôi suy nghĩ, cứ làm việc có ích bằng cái tâm là vui rồi!” - anh Duy kể.

Dịp cuối tuần hoặc vào những ngày lễ, tết, xe hút đinh do anh Duy tự chế lại lăn bánh trên QL1, đoạn qua huyện Bến Lức. Giữa những dòng xe cộ tấp nập, anh “thầm lặng” làm việc thiện, làm đẹp cho đời! Đến nay, khi hiểu ý nghĩa của việc làm này, nhiều người càng yêu mến, quý trọng người cán bộ Truyền thanh xã Thạnh Đức - Nguyễn Lê Duy. Dọc QL1, anh Duy có thêm nhiều người bạn là dân phòng, chủ quán nước, chạy Honda ôm,... là “thông tin viên” tích cực thông báo cho anh trên đường có đinh.

Giờ đây, mỗi lần trên QL1 có nhiều xe bị cán đinh là người dân lại nhờ anh Duy giúp đỡ. Những lần đi hút đinh, anh bỏ tiền túi, mua những miếng vá, bộ đồ nghề sửa xe mang theo, nếu gặp trường hợp xe bị thủng ruột dọc đường, anh sẵn sàng vá miễn phí. Việc làm của anh Duy tưởng chừng nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa thiết thực vì giúp người dân lưu thông an toàn, không mất tiền oan. “Thấy tôi đi rà đinh, có người cho mấy chục ngàn đồng để hỗ trợ tiền xăng nhưng tôi nhất quyết không nhận. Có hôm, chủ quán ra tận lề đường mời vào uống nước miễn phí cho mát, tôi rất cảm động” - anh Duy bộc bạch.

Không chỉ hút đinh, anh Duy còn được biết đến là người thường xuyên đi vận động giúp đỡ người nghèo, khó khăn trong và ngoài tỉnh. Sau khi nhận tiền của mạnh thường quân và tặng đến tay người thụ hưởng, anh đều chụp hình, làm biên nhận gửi lại cho mạnh thường quân biết. Bởi, theo anh, làm việc thiện thì chữ tín rất quan trọng.

Khi hỏi “kinh tế gia đình không khá giả, cha làm công nhân, mẹ buôn bán quán nước, bản thân làm cán bộ truyền thanh ở xã với tiền lương chẳng là bao, vì sao anh lại miệt mài làm việc nghĩa, việc thiện như thế?”, anh Duy ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Từ lúc lên 3 tuổi, sau một lần té ngã, mắt trái của tôi không nhìn thấy ánh sáng. Có lẽ, là người mang khiếm khuyết nên tôi đồng cảm với những mảnh đời khó khăn cũng như thấu hiểu nỗi đau khi tai nạn xảy ra với người khác”./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết