Tiếng Việt | English

15/06/2020 - 19:29

Thăm người đan đát ở Đức Hòa

Từ bao đời nay, nghề đan đát đã có mặt tại Đức Hòa, tỉnh Long An được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành một nét văn hóa đặc trưng. Khi nhịp sống ngày càng hối hả, gìn giữ truyền thống một làng nghề chính là giữ gìn giá trị văn hóa thuộc về nguồn cội.

Ở Tân Mỹ nói riêng, Đức Hòa nói chung, tre, trúc vẫn được trồng dọc đường đi. Và các sản phẩm đan đát từ tre, trúc vẫn đều đặn được chở từ Tân Mỹ sang Trảng Bàng

Ở Tân Mỹ nói riêng, Đức Hòa nói chung, tre, trúc vẫn được trồng dọc đường đi. Và các sản phẩm đan đát từ tre, trúc vẫn đều đặn được chở từ Tân Mỹ sang Trảng Bàng

“Liệu bề đát được thì đan
Đừng gầy rồi bỏ thế gian chê cười”

Vết sẹo trên tay

Xòe bàn tay chi chít những vết xước dằm, bong tróc, bà Nguyễn Thị Sị (ấp Bến Long, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa) kể: “Tôi làm nghề đan này từ hồi mười mấy tuổi. Bây giờ gần 70 tuổi rồi”. Chiếc rựa vót trúc trên tay bà mòn vẹt hơn 1 nửa. Mỗi ngày, rảnh lúc nào là bà vót trúc hoặc ngồi đan lúc ấy. Khi đan rổ, lúc đan thúng, khi lại đan nắp bội,... tùy theo yêu cầu của khách hàng. 

Không ai nhớ rõ nghề đan đát có mặt từ khi nào trên đất Tân Mỹ nhưng dường như ở ấp Bến Long không nhà nào không biết nghề đan. Trẻ nhỏ lớn lên đã thấy trong nhà có sẵn những bó nan và người nhà làm nghề đan đát. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, bằng sự khéo léo của mình, người dân Tân Mỹ biến những bụi tre, trúc bên đường thành sản phẩm đẹp mắt và hữu ích. Không biết đã bao nhiêu thế hệ trôi qua, với nhiều đổi thay nhanh chóng, nghề đan đát vẫn bình thản “sống” trong dân, một cách kiên tâm, bền bỉ.

Người dân Tân Mỹ hay nói đùa với nhau rằng “con nít xứ này biết đan từ trong bụng mẹ!”,nên hình ảnh em bé độ tuổi hơn 10 thoăn thoắt tay đan ở trước hiên nhà không có gì là lạ ở vùng đan đát nổi danh này. Đan đát có nhiều khâu: Chẻ trúc, vót nan, đan, nứt vành,… Khâu nào cũng có cái vất vả riêng. Để có được thành phẩm đẹp, người vót nan phải ra tre, trúc đều tay, nan vót phải nhỏ, mỏng và đều,... Nứt vành là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và sức khỏe (đối với sản phẩm là rổ hoặc thúng). Người mới vào nghề thường được phân công nhiệm vụ đan, một khâu được đánh giá là “nhẹ nhàng nhất”. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi “tai nạn, thương tích” trong lúc đan. Bà Sị kể: “Đan cái này thì đứt tay là chuyện “như cơm bữa” vì nan tre vót mỏng rất bén, lại nhiều dằm”.

Để có được thành phẩm đẹp, người vót nan phải ra tre, trúc đều tay, nan vót phải nhỏ, mỏng và đều,...

Để có được thành phẩm đẹp, người vót nan phải ra tre, trúc đều tay, nan vót phải nhỏ, mỏng và đều,...

“Nghiện nghề”

Dẫu biết rằng đó là một công việc vất vả nhưng đã “vương” phải nghề rồi thì khó có thể dứt ra. Nhiều người thợ đan nói mình bị “nghiện nghề”. “Đi tới đi lui, làm này làm kia một hồi là phải lên ngồi đan một chút mới chịu nổi” - bà Văn Thị Thủy (Tổ trưởng Tổ Đan đát mây tre xã Tân Mỹ) chia sẻ.

Làm nghề đan đát thu nhập không cao nhưng đó là nghề truyền thống, bao năm nay người Tân Mỹ vẫn dựa vào nghề này để ổn định cuộc sống, nuôi con ăn học. Khi bắt đầu bước vào tuổi xế chiều, những thợ đan ngày ấy vẫn bám lấy nghề, mỗi ngày cặm cụi với nan tre, trúc, kiếm được trên dưới 100.000 đồng tùy vào thời gian và sức khỏe mỗi người. Mức thu nhập thấp khiến người trẻ chọn rời đi tìm kế sinh nhai khác ổn định và có thu nhập cao hơn. Nhưng bảo người Tân Mỹ bỏ nghề đan thì không được!

Hiện tại, Tân Mỹ có hơn 100 hộ còn giữ nghề đan đát. Các hộ liên kết với nhau thành Tổ Đan đát mây tre do bà Thủy làm tổ trưởng. Với nguồn kinh phí hoạt động ổn định, tổ giúp chị em có vốn mua nguyên liệu với giá rẻ, tăng lợi nhuận, góp phần động viên các gia đình tiếp tục bám nghề. Thành viên tổ đan có độ tuổi từ 18 đến hơn 70 tuổi, họ đan bất cứ khi nào có thời gian rảnh. Bà Thủy giải thích: “Đan đát rất thoải mái về thời gian, phù hợp với người lớn tuổi. Người làm nghề đan đát có thể vừa chăm sóc gia đình, con cái, vừa đan. Tranh thủ thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập. Bởi vậy, người già vẫn giữ nghề, mấy cháu nhỏ sau giờ học cũng đan để có tiền tiêu vặt”. Các công đoạn đan đát dần được “chuyên môn hóa”, việc vót tre cũng bớt phần vất vả khi có máy làm thay.

Ở Tân Mỹ nói riêng, Đức Hòa nói chung, tre, trúc được trồng dọc đường đi. Và các sản phẩm đan đát từ tre, trúc vẫn đều đặn được chở từ Tân Mỹ sang Trảng Bàng (Tây Ninh) mỗi cuối tuần để rồi từ đó đến muôn nơi.

Nghề đan cần xé và mây tre ở Đức Hòa được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống và đưa vào quy hoạch 15 làng nghề và cụm làng nghề đến năm 2020 nhằm bảo tồn văn hóa địa phương và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn"./. 

(Theo thông tin tư liệu trong bài viết của Nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Quốc)


Phương Phương

Chia sẻ bài viết