Tiếng Việt | English

15/07/2015 - 16:17

Thảm sát 4 người ở Nghệ An: Nỗi đau người cha thoát nạn

Ông Lo Văn Bình - chồng, cha, ông của 4 nạn nhân vụ thảm sát ở Nghệ An thất thần trong nỗi đau mất người thân.

 Tâm lý hoang mang sợ hãi, vì chưa bao giờ phải chứng kiến vụ án mạng gây chấn động như thế, là những gì đang xảy ra đối với bà con bản làng vùng biên giới Tam Hợp (thuộc huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An) - nơi vừa xảy ra vụ tước đoạt cùng lúc 4 mạng sống trong một gia đình ở bản Phồng.


Bản Phồng nhìn từ trên cao.

Sợ không dám vào rừng

Từ Quốc lộ 7 trườn theo con đường khúc khuỷu, mất nửa ngày chúng tôi mới tới xã Tam Hợp. Cách chưa đầy năm cây số, từ trung tâm xã Tam Hợp men theo con đường mòn núi rừng ngoằn ngoèo, bản Phồng như lọt thỏm giữa thung lũng bên khe Cặt và bao bọc chung quanh bởi trùng điệp dãy Trường Sơn cao ngất.

Hầu hết người dân bản Phồng đều là đồng bào Tày Poọng. Chị Viêng Thị Diệp, một người con của bản cho biết, đã hơn chục ngày trôi qua nhưng người dân bản Phồng chưa hết sợ hãi trước vụ thảm sát gia đình anh Lo Văn Thọ (27 tuổi) và chị Lê Thị Yến (25 tuổi). Chưa bao giờ bản Phồng phải chứng kiến vụ giết người nhiều nạn nhân đến vậy.

Không riêng gì bà con bản Phồng, hầu hết người dân vùng núi Tương Dương đều sợ hãi. Chị Vi Thị Hoa, trú bản Xốp Nặm cho biết, dù vụ án xảy ra ở bản Phồng nhưng đã làm chấn động khắp nơi, mấy hôm nay bà con không ai còn đủ can đảm để vào rừng hái măng, lấy củi, hoặc lên nương, lên rẫy sản xuất vì kẻ thủ ác còn nằm trong bóng tối.

Một số người ở miền xuôi thường xuyên đưa hàng lên các bản làng của xã Tam Hợp để bán cho đồng bào giờ cũng không đủ can đảm để đưa hàng vào các bản làng để bán nữa, vì sợ đi qua những quãng đường vắng của núi rừng Tam Hợp.

Anh Viêng Vang Hà, một thanh niên than thở, người dân bản Phồng tuy nghèo nhất vùng miền tây xứ Nghệ, nhưng luôn yêu thương nhau. Chưa bao giờ bản Phồng xảy ra vụ đánh nhau chứ đừng nói đến chuyện án mạng gây rúng động như thế.

Được biết, từ khi án mạng xảy ra, ngày nào cũng nườm nượp công an, bộ đội biên phòng và cán bộ địa phương vào bản Phồng để tìm hiểu sự việc. Hầu hết bà con đều mong các cơ quan chức năng sớm lôi được kẻ thủ ác ra ánh sáng.

Một số người cho hay, qua truyền hình, bà con bản Phồng cũng biết được vụ thảm sát ở Bình Phước. Khi hay tin công an tìm ra được kẻ sát nhân, bà con cũng mong vụ án chấn động ở bản mường sớm được giải quyết.

Trong cái nóng quay quắt, chúng tôi được anh Vi Văn Hà và anh Vi Tuấn Anh dẫn đường từ bản Phồng lên nương rẫy của gia đình ông Lo Văn Bình (bố anh Thọ) ở khu vực C5-Càn Tà, gần ngã ba dòng khe Cặt và khe Càn Tà. Từ bản Phồng lên tới khu vực xảy ra án mạng phải đi bộ hơn một giờ đồng hồ mới tới nơi. Bên cạnh căn lều là hàng loạt nương rẫy của gia đình ông Bình cũng như của một số bà con đang bỏ hoang.

Buổi chiều định mệnh

Tới bản Phồng, chúng tôi tìm đến nhà ông Viêng Văn Độ, trưởng bản. Một người con ông Độ cho biết, từ hôm vụ thảm án xảy ra, hầu như ngày nào trước sân nhà cũng đông nghịt người vào ra. Họ tập trung tới đây để bàn tán nguyên nhân và mong nhận được tin kết quả từ công an.


Ông Lo Văn Bình như người mất hồn trong căn nhà mới dựng tạm.

Một số bà con cho biết, gia đình ông Lo Văn Bình tuy nghèo nhưng mọi thành viên trong nhà rất thương yêu nhau, cả đời chưa bao giờ gây gổ hoặc hiềm khích với bất kỳ ai ở vùng quê này. Đó là bà Viêng Thị Chương (67 tuổi, vợ ông Bình), anh Lo Văn Thọ (con trai duy nhất của ông bà), chị Lê Thị Yến (con dâu) và cháu trai 8 tháng tuổi.

Trong căn nhà mới dựng tạm, ông Bình (81 tuổi) vẻ mặt thất thần kể lại, năm 1971, ông vào bộ đội và đi sang chiến trường Lào, đến năm 1974 ra quân trở về địa phương. Sau đó, hai ông bà lấy nhau, sinh được anh Thọ. Cuộc sống nơi miền sơn cước bữa cơm, bữa cháo nhưng trong nhà chưa bao giờ xảy ra lời ra tiếng vào.

“Hằng ngày, tôi vẫn thường vào rừng canh lán rẫy sản xuất. Hôm đó do mệt và phải về lo cho đàn lợn, gà ở nhà nên tôi về. Khi về thì có vợ, con trai, con dâu cùng bế cháu nội lên rẫy. Nào ngờ, chưa đầy một ngày thì phải đón nhận đau thương tột cùng này”, ông kể.

Ông Bình kể, lúc 15h ngày 2/7, khi hai bố con ông Hoài (một người dân bản Phồng) đi thả lưới ngoài khe Cặt về qua rẫy thì phát hiện cả 4 người trong nhà ông tử vong, nằm ở các điểm khác nhau cạnh mâm cơm đã được dọn ra mà chưa kịp ăn bên lán trại. “Nếu hôm đó tôi còn ở lại lán trại thì cũng bị giết rồi”, ông Bình bật khóc.

Chị Von, một người miền xuôi thường xuyên vào bán hàng tạp hóa ở bản Phồng, cho hay, trưa hôm đó có một nhóm 3 người lạ mặt vào hỏi mua gạo và cá để đi rừng. Vì không có cá nên nhóm người trên chỉ mua gạo, sau đó hướng vào rừng và không ai biết họ tiếp tục đi đâu.

Được biết, ở bản Phồng cũng thỉnh thoảng xuất hiện một số người dân ở các bản khác đi qua đây và sau đó vào rừng để hái măng, tìm mật ong. Người dân bản Phồng ngoài phát nương làm rẫy, họ cũng mưu sinh bằng các nghề đó và một số người còn đi thả lưới bắt cá, xúc tép, lấy măng, rau rừng...

Chuyển nhà vì “đất ma”

Khi chúng tôi tìm về bản Phồng, căn nhà trên triền đồi mới ngày nào của gia đình ông Bình nay chỉ còn lại nền đất trống. Ông Bình cho biết, sau khi lo tang lễ cho 4 người thân trong gia đình xong, chỉ còn lại một mình ông Bình sống trong căn nhà trống vắng đến lạnh người. Khiếp đảm mảnh đất này, ông Bình đã nhờ bà con bản làng dỡ bỏ toàn bộ gỗ, tấm lợp... xuống dựng lại ngôi nhà ở một mảnh đất tạm gần dọc bờ khe Cặt.


Sau vụ thảm án, ông Lo Văn Bình chuyển nhà đến nơi mới. Căn nhà cũ chỉ còn nền đất trống.

Tuy căn nhà còn tuềnh toàng, chẳng có vật dụng gì đáng giá nhưng đến nơi ở mới, ông Bình mong sẽ dần vơi đi nỗi đau. Hơn nữa, sợ ở mảnh đất cũ, sau này không có ai trong bản làng dám bén mảng đến thăm ông vì bà con sợ ma. Xuống khỏi chân đồi, ông Bình sẽ được người dân thỉnh thoảng tiện bề ghé thăm, khi tuổi ông đã bước sang độ xế chiều.

Một số người thân ông Bình tâm sự, nếu cứ ở trên mảnh đất cũ, ông ấy sẽ như người mất hồn, suốt ngày nhớ vợ, nhớ con, nhớ cháu... rồi chìm vào đau thương.

Sáng 14/7, ông Nguyễn Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương đến thăm hỏi, trao 9 triệu đồng cho ông Bình. Cùng ngày, ông Châu đến thăm, tặng quà cho Ban chuyên án đang “đóng quân” tại một nhà dân ở bản Phồng và động viên các điều tra viên tiếp tục bám rừng để sớm tìm ra thủ phạm.

Chiều 14/7, thông tin từ Công an Nghệ An cho biết, ngay sau khi phát hiện ra vụ thảm sát ở bản Phồng, ban chuyên án đã mượn nhà dân ở xã Tam Hợp để đóng quân, bám trụ để điều tra, truy tìm hung thủ. Hàng chục điều tra viên đang bám rừng, lội suối để tìm manh mối liên quan đến vụ án. Từ bản Phồng vào hiện trường vụ án mất khoảng gần 2 giờ đi bộ. Điều kiện sinh hoạt, đi lại vô cùng khó khăn vì toàn rừng núi hiểm trở./.

Theo Phan Sáng/Tiền Phong/VOV

Chia sẻ bài viết