Tiếng Việt | English

24/07/2020 - 13:55

Thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng

Có dịp thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) tại tỉnh Quảng Nam, chúng tôi vô cùng xúc động khi được biết trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước có những đóng góp to lớn từ sự hy sinh âm thầm và vô cùng vĩ đại của những người mẹ bao lần tiễn con đi rồi âm thầm lặng lẽ nuốt nỗi đau khi con mãi mãi không về.

Du khách thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại tỉnh Quảng Nam

Du khách thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại tỉnh Quảng Nam 

Mới đây, tôi có dịp vào thăm Tượng đài Mẹ VNAH tại tỉnh Quảng Nam. Qua hướng dẫn viên, chúng tôi được biết Tượng đài này lấy nguyên mẫu từ Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (1904-2010), người mẹ có nhiều con, cháu hy sinh nhất trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Mẹ Thứ sinh sống tại xóm Rừng, thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ có 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Được biết, con gái lớn của mẹ Thứ là mẹ Lê Thị Trị cũng được trao tặng danh hiệu Bà Mẹ VNAH vì có chồng và 2 con gái là liệt sĩ.

Quê ngoại tôi ở Quảng Trị nên từ nhỏ, tôi đã được nghe kể về gia đình Mẹ VNAH Lê Thị Hẹ (thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Đây là một trong những gia đình cách mạng đặc biệt, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cả gia đình mẹ có 7 Mẹ VNAH và 15 liệt sĩ. Riêng gia đình bên chồng của mẹ có 5 Mẹ VNAH và 11 liệt sĩ. Bản thân mẹ cùng 1 con gái, 3 con dâu là Mẹ VNAH. Trong số 15 liệt sĩ có 2 con đẻ, 1 con dâu, 1 con rể, 4 cháu nội, 2 cháu ngoại và 4 người cháu gọi mẹ bằng cô ruột.

Những bức tranh ký họa về các Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Nhà bảo tàng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng

Những bức tranh ký họa về các Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Nhà bảo tàng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng

Bên trong Tượng đài Mẹ VNAH tại tỉnh Quảng Nam là Nhà bảo tàng các Mẹ VNAH. Nơi đây ghi danh những Bà Mẹ VNAH của cả nước và lưu giữ những ảnh tư liệu về những Mẹ VNAH tiêu biểu qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi ấn tượng nhất với thông tin 10 mẹ vừa là Mẹ VNAH đồng thời là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là: Mẹ Văn Thị Thừa (SN 1915), mẹ Nguyễn Thị Rành (SN 1900), mẹ Phạm Thị Ngư (SN 1912), mẹ Võ Thị Nhã (SN 1921), mẹ Đỗ Thị Phúc (SN 1906), mẹ Bùi Thị Thêm (SN 1924), mẹ Huỳnh Thị Tân (SN 1906), mẹ Đoàn Thị Nghiệp (SN 1925), mẹ Mai Thị Út (SN 1913) và mẹ Nguyễn Thị Điểm (SN 1941). Tôi cũng ấn tượng với thông tin có 3 chị em ruột đều là Bà Mẹ VNAH là mẹ Bùi Thị Hải (SN 1908), mẹ Bùi Thị Tư (SN 1916), mẹ Bùi Thị Nhỏ (SN 1922) đều ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Tất cả những tác phẩm nghệ thuật về Mẹ VNAH đều chân thực, sinh động nhưng phổ biến hơn cả, được quảng bá rộng rãi hơn cả là bài hát Hát về Mẹ VNAH của cố Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên. Những giai điệu của bài hát về cuộc đời của những Mẹ VNAH thật cảm động: “Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời”. Tri ân những Mẹ VNAH, Giáo sư Vũ Khiêu (Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam) đã viết câu đối ca ngợi hình tượng Mẹ VNAH: “Tổ quốc ghi công con liệt sĩ. Nhân dân nhớ nghĩa mẹ anh hùng”. Chợt nhớ, cách đây 68 năm, vào ngày 08/3/1952, trong thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Hướng dẫn viên Nhà bảo tàng các Mẹ Việt Nam Anh hùng kể về Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ

Hướng dẫn viên Nhà bảo tàng các Mẹ Việt Nam Anh hùng kể về Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ

Các Mẹ VNAH trên cả nước thật xứng đáng với 8 chữ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khen tặng dành cho người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Tuổi trẻ hôm nay không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát qua các cuộc chiến tranh nhưng họ đều hiểu rằng, cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hy sinh của nhiều thế hệ lớp người đi trước, là những nỗi đau, sự mất mát lớn lao của biết bao Mẹ VNAH./.

Nguyễn Văn Toàn

Chia sẻ bài viết