Tiếng Việt | English

22/07/2015 - 14:57

Tháng 7, nhớ chuyến Về nguồn và cảm xúc với Trường Sơn

Dẫu chỉ một lần đi mà cảm xúc vẫn mãi dâng trào mỗi khi tháng 7 về, lại nhớ. Nhớ sao một sớm mờ sương ở ngã ba Đồng Lộc, sau khi viếng và thắp nhang lên mộ các anh hùng liệt sĩ vì bảo vệ tuyến đường Trường Sơn mà hy sinh nơi đây. Rồi chúng tôi lên xe băng vào đại lộ Hồ Chí Minh. Đường nhựa thênh thang, lắm chỗ “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” và những đèo dốc cheo leo mà xe vẫn bon bon ngon trớn. Ngồi trên xe, tâm trí tôi cứ miên man về những trang sách, những bài báo, những phim tư liệu và những câu chuyện người trong cuộc kể về những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (thơ Tố Hữu); mắt tôi cứ mở ra với điệp trùng núi non, đại ngàn Trường Sơn cùng bản làng sơn cước hiện ra ở hai bên ô cửa kính xe,…

Nhớ từ tư liệu: Năm 1947, Bộ trưởng canh nông Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ngô Tấn Nhơn được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm đặc phái viên Chính phủ bên cạnh Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ, với nhiệm vụ vào truyền đạt đường lối trường kỳ kháng chiến, chuyển tiền, hàng quân sự và các tài liệu quan trọng đựng trong những chiếc thùng thiếc.

Có tới 20 thanh niên trẻ khỏe và một trung đội dân quân kiên cường chịu đựng gian khổ đi với kỹ sư Ngô Tấn Nhơn vận chuyển hết số hàng đặc biệt kia vượt ngàn cây số vào Nam. Họ phải mở từng tấc đường rừng gai góc mà đi. Phải làm thang dây để đu mình vượt qua những đèo dốc hiểm trở đầy đá tai mèo nhọn sắc.

Và bằng đôi chân gân guốc, họ vượt đỉnh núi Ko Pi cao 2.017m hay núi Co Ta Run cao 1.610m và bao nhiêu ngọn núi ngàn thước lên cao ngàn thước xuống với hành lý mang theo kéo rịt đôi vai, kéo gụp xương sống mà chân cứ cứng, đá cứ mềm” đi đến nơi, về đến chốn, mặc miệng hùm, nọc rắn và sốt rét rừng chực chờ quật ngã họ bất cứ lúc nào.

Đến 1959, Đoàn 559- Bộ đội Trường Sơn - ra đời dưới sự chỉ huy của Thượng tá (sau là Thiếu tướng)Võ Bẩm mà lực lượng ban đầu chỉ một tiểu đoàn giao liên D301, cơ số 440 người. Khi mở tuyến thồ hàng, họ phải “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để giữ bí mật tuyệt đối trước kẻ địch bủa vây dày đặc.

Từ đó, những lô hàng từ Trung Trung bộ lần lượt vào Nam dưới sức người “xẻ núi lấp sông”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đích thân vào Quảng Bình chỉ đạo tỉnh mở đường 20 “máu lửa” từ rừng núi Quảng Bình vào Tây nguyên. Vừa mở đường vừa vận chuyển hàng. Rồi Đoàn 559 mở các tuyến giao thông sang sườn Tây Trường Sơn.

Sau 5 năm phát cây, vạch đá mở đường dọc ngang trên Trường Sơn uy linh, hùng vĩ, lực lượng đã tăng đến 6.000 người gồm bộ đội công binh, giao liên, thanh niên xung phong.

Địch không ngớt đánh phá lớp này ta làm lại ngay lớp khác cho các lực lượng từ hậu phương lớn phía Bắc xốc vào tiền phương lớn phía Nam đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng quê hương. “Suốt 16 năm ròng rã (1959-1975), đường Trường Sơn luôn là trọng điểm đánh phá, là một trận địa mà ở đó, đế quốc Mỹ thực hiện từ “Chiến tranh ngăn chặn”, “Chiến tranh điện tử” cho đến “Chiến tranh hóa học”,… trên quy mô lớn với hình thức hiện đại trang bị vũ khí, thiết bị tối tân nhằm cắt đứt tuyến chi viện Trường Sơn, cô lập miền Nam, thực hiện mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta”(“Đường Trường Sơn, con đường huyền thoại-HTV số Xuân 2009).

Để có một hệ thống giao thông cơ giới dọc Đông-Tây Trường Sơn bao gồm 20.000km đường bộ, 300km đường thủy, 1.400km đường ống xăng dầu cùng hệ thống kho chứa trữ lượng hơn 20 vạn tấn vật chất, trong 16 năm đã có 2 triệu người xây “bức trường thành thép” Trường Sơn với 216 con đường dọc ngang trên núi cao và đại ngàn sâu. Những con đường ấy đã chuyển lên các chiến trường 2 triệu 50 vạn chiến sĩ, cán bộ quân dân chính đảng; đã vận chuyển một triệu tấn vật chất kỹ thuật lẫn ngoại tệ, vàng,… bằng phương tiện xe đạp thồ, xe bò đến xe cơ giới, kịp thời tăng cường khả năng chiến đấu của quân dân miền Nam.

Có thấm từng con số, từng ý nghĩa lịch sử từ “đường mòn Hồ Chí Minh” thời chiến đến “đại lộ Hồ Chí Minh” thời bình, hôm nay ngồi ô tô thong dong du lịch trên tuyến đường hiện đại này mới đầy cảm xúc rưng rức, đằm đìa,…

Trời vừa ngã bóng chiều. “Hồn tử sĩ gió ào ào thổi”. Câu thơ của ai đó bất chợt đến với tôi khi vừa xuống xe đi vào cổng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Chúng tôi mỗi người một nắm nhang lặng lẽ đến từng hàng bia mộ. Hơn 10.333 người con ưu tú của đất nước hy sinh trên đường mòn Trường Sơn đã về yên nghỉ ở đây. Chợt nhớ bài thơ “Chiều nghĩa trang Trường Sơn”của Đào Nam Sơn: “Các chị, các anh nằm lại chốn này/Đài liệt sĩ cây bồ đề tỏa mát/Dâng tuổi xuân cho đời tiếng hát/Hàng bia mộ lặng im/Đỏ những chấm nhang…”.

Tháng 7, từng đoàn người từ mọi miền đất nước nối nhau về đây hành hương dẫu nhiều người không là thân nhân của những người nằm đây. Những đoàn học sinh, sinh viên từ Nam ra có, từ Trung đến có, từ Bắc vào có. Họ được sinh ra thời bình nhưng vẫn thấm từng nỗi đau mất mát trong chiến tranh. Và họ ngồi từng tốp, từng tốp trầm ngâm trước những hàng mộ chí trang nghiêm.

Với tâm thức cội nguồn, các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn vẫn sống với hồn thiêng sông núi, và ở miền đất nào cũng đều là con dân nước Việt mến yêu. Tôi đọc tiếp bài thơ trên: “Mộ chí ghi tên xã, tên làng/Góp lại thành đất nước/Làm gần gũi những nơi chưa đặt bước/ Làm ruột rà nơi ấy mẹ sinh tôi…”. Đất nước thiêng liêng, nơi đâu cũng là máu thịt mình. “Tôi đọc từng dòng từng chữ từng câu/Thấy độ nóng nước non mình đã trải/Thấy giá của những mùa hoa trái/Thấy lớp lớp đi lên dẫu bóng ngã lâu rồi(…)/Từ màu cờ máu người đã khuất/Chói ngôi sao năm cánh dẫn đường”. Xin cảm ơn nhà thơ cựu chiến binh Trường Sơn Đào Nam Sơn đã cho tôi những cảm xúc qua từng câu thơ thấm đẫm tình đồng đội Trường Sơn ấy.

Tôi rảo bước theo người quản trang. Anh kể vài mẩu chuyện xúc động về những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Trường Sơn trên đất Lào của các chiến sĩ Đoàn 584. Những mùa mưa tối trời, tối đất, hễ nghe dân mách bảo chỗ nào có chiến sĩ Việt Nam ngã xuống là họ trèo đèo, vượt thác tìm đến. Đất đá Trường Sơn có làm tróc da bàn tay họ vẫn cứ đào, đào ngày đào đêm tìm cho ra hài cốt đồng đội năm xưa để đưa về yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Có khi mất cả tháng trời tìm kiếm trong rừng sâu, núi cao, cuối cùng cũng gặp được một hầm mộ tập thể, đào lên chỉ còn sót lại những đôi giày vạn dặm-hiện vật của chiến binh Trường Sơn-vẫn được đưa về chôn cất tử tế trên nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Đường mòn Hồ Chí Minh xưa đi cứu nước. Đại lộ Hồ Chí Minh nay đi làm giàu cho đất nước. Và các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn vẫn sống mãi với uy linh Trường Sơn vinh quang./.

Tùy bút của Quang Hảo 

Chia sẻ bài viết
  • Cảm ơn anh Quang Hảo. Tôi là Đào Nam Sơn dây. Tôi rất xúc động khi đọc bài viết của anh. Bài thơ ấy tôi viết ở Nghĩa trang. Lúc ấy chiều gió thổi ào ào mà cây không rung chút nào anh ạ. Bài thơ viết xong tôi đăng trên Thế giới trong ta và có gửi vào biếu ban quản lý nghĩa trang.
    Kính chúc anh khoẻ vui.
    Đào Nam Sơn (namsongddt@yahoo.com.vn)

    Đào Nam Sơn - Cách đây 9 năm