Tiếng Việt | English

09/02/2017 - 20:34

Tháng Giêng mùa lễ hội

Nếu có dịp về Long An vào những ngày sau Tết Nguyên đán, chúng ta cảm nhận được không khí tất bật của người dân chuẩn bị các lễ hội lớn: Lễ hội Làm Chay, Lễ vía bà Ngũ hành, Lễ húy kỵ đức nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại,...

Lễ hội Làm chay năm 2016

Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

“Dù ai mua bán trăm bề/ Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu”. Có thể nói, từ hơn 100 năm nay, Lễ hội Làm Chay đi sâu vào tâm tưởng của người dân Tầm Vu, huyện Châu Thành và trở thành một mỹ tục được duy trì từ đời này sang đời khác.

Tuy câu ca dao chỉ nhắc đến ngày 16 nhưng lễ hội được diễn ra trong 2 ngày 15 và 16 tháng Giêng (âm lịch). Ngày 15 là ngày khai lễ với các hoạt động: Thỉnh rước ông Tiêu (Tiêu diện Đại sĩ) từ chùa Linh Phước về chùa Ông, thỉnh Phật, thỉnh Thầy, khai kinh tụng niệm cầu an; cúng tế và đề phan liệt sĩ. Đến ngày 16 diễn ra các trò chơi dân gian: Bịt mắt đập nồi, nhảy bao bố, kéo co, thả - bắt vịt;... Cũng trong ngày này, phần lễ được tiến hành: Cúng miếu Âm Nhơn; thỉnh ông Tiêu lên giàn (rước từ chùa Ông về điểm hành lễ đình Tân Xuân); thỉnh cô hồn, chiêu u; thầy trò Tam Tạng trong Tây Du Ký đi thỉnh kinh và diễn đánh các động yêu quái,...

Đúng 0 giờ, lễ hội kết thúc với nghi thức xô giàn, đốt hình nộm ông Tiêu. Ông Bùi Văn Sảnh, ở thị trấn Tầm Vu cho biết: “Là người con của vùng đất Châu Thành, tôi rất vui và phấn khởi khi năm 2014, Lễ hội Làm Chay được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đình Tân Xuân là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Tôi hy vọng rằng, lễ hội ngày càng phát triển và mang đậm nét đặc trưng của địa phương”.

Lễ vía bà Ngũ hành tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc Ảnh: Duy PhongMột trong những lễ hội có quy mô lớn của tỉnh, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia phải kể đến Lễ vía bà Ngũ hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc. Lễ hội diễn ra hàng năm từ ngày 18 - 21 tháng Giêng (âm lịch) theo nghi thức trang trọng của một lễ hội cầu an. Đây là dịp để người dân địa phương thể hiện ước vọng về cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu với Ngũ hành Nương Nương. Bởi trong tâm thức dân gian, Ngũ hành Nương Nương là 5 vị phúc thần giúp cho mưa thuận gió hòa, bảo hộ nghề nghiệp thủ công,...

Bên cạnh đó, lễ hội còn là nơi lưu giữ nhiều nghệ thuật diễn xướng dân gian: Chầu mời, thỉnh bà, múa bóng rỗi, hát chặp Địa nàng,... Chị Lê Thị Thanh Nguyệt, ở ấp Long Thạnh, xã Long Thượng chia sẻ: “Năm nào, tôi cùng gia đình cũng tranh thủ đi vía Bà để cầu an và thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc mà không nơi nào có được”. Với những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống được lưu giữ, Lễ vía bà Ngũ hành được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Điểm đến hấp dẫn dịp đầu năm

Thành thông lệ, vào những ngày đầu năm mới, người dân ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước lại tất bật chuẩn bị cho Lễ hội cầu an tại đình Vạn Phước và Lễ húy kỵ đức nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Bà Nguyễn Thị Vân, ở ấp Vạn Phước cho biết: “Đây là lễ hội lớn của quê hương được tổ chức từ ngày 16-18 tháng Giêng (âm lịch). Dù có đi đâu, làm bất cứ nghề gì thì người dân ở đây cũng cố gắng trở về bên gia đình và tham dự lễ hội”.

Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Long An là một trong những hoạt động tưởng niệm cố nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại Ảnh: Kim Khánh

Đức nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại là nhạc quan tài hoa của triều đình nhà Nguyễn. Đến những năm cuối thế kỷ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông rời triều đình, bất hợp tác với giặc để bày tỏ lòng yêu nước của mình. Trên bước đường Nam tiến, ông dừng chân tại Chợ Đào, xã Mỹ Lệ. Tại đây, ông cải biên những bản nhạc cung đình và truyền dạy cho người dân địa phương. Ông là người có công lớn trong việc khai sáng ra dòng nhạc tài tử và nhạc lễ Nam bộ độc đáo ngày nay.

Cũng vì lẽ đó mà lễ húy kỵ của ông được tổ chức hàng năm với hoạt động nổi bật là liên hoan, giao lưu đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ tỉnh Long An. Đây là dịp để người dân Long An, đặc biệt là các nghệ nhân ĐCTT ở khắp các tỉnh, thành phía Nam tìm về, cùng nhau thắp nén tâm hương tưởng niệm cố nghệ nhân.

Về đình Vạn Phước những ngày này, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian văn hóa nghệ thuật đặc sắc với những cung bậc sâu lắng, ngọt ngào. Không chỉ đơn thuần là hoạt động trình diễn nghệ thuật, Liên hoan ĐCTT Nam bộ tỉnh Long An còn là dịp để các văn, nghệ sĩ giao lưu, chia sẻ, cùng động viên nhau tiếp tục giữ gìn và phát huy những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Có thể nói, Lễ húy kỵ đức nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam bộ.

Về Long An vào những ngày sau Tết Nguyên đán, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một vùng quê xanh thẳm, trù phú, cùng hòa mình vào không khí rộn ràng, đầm ấm của lễ hội, tham gia các trò chơi dân gian hay thưởng thức những tiết mục ĐCTT đặc sắc. Tất cả hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn, mang lại cho du khách một mùa xuân vui tươi, ý nghĩa./. 

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết