Tiếng Việt | English

30/06/2020 - 16:20

Thạnh An: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới trong gian khó

Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay, diện mạo nông thôn xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đang ngày càng có nhiều đổi thay đáng kể, đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình XDNTM ở xã Thạnh An mà các cấp chính quyền cũng như các cơ quan chuyên môn cần quan tâm, hỗ trợ.

Nỗ lực vượt khó

Là xã thuần nông, xuất phát điểm thấp cùng nguồn lực hạn chế, đến nay, Thạnh An mới đạt 12/19 tiêu chí XDNTM. Để đạt các tiêu chí còn lại, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, xã tập trung huy động tối đa nội lực. Tuy nhiên, với điều kiện của xã vùng sâu, địa bàn rộng, dân cư không tập trung thì việc huy động sức dân để góp phần hoàn thành chương trình XDNTM còn gặp nhiều khó khăn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần thay đổi diện mạo của xã Thạnh An

Cán bộ Địa chính - Nông nghiệp xã Thạnh An - Lê Thanh Tú cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay của xã chính là hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là tiêu chí giao thông nông thôn, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí. Vì nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp hầu như không có; đồng thời, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nên việc vận động đóng góp trong nhân dân cũng rất hạn chế. Kinh phí thực hiện chương trình XDNTM hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vốn do tỉnh, huyện phân cấp hàng năm”.

Hiện nay, toàn xã chỉ có tuyến đường Bún Bà Của (từ Quốc lộ N2 đến UBND xã) với chiều dài khoảng 4km đã được trải nhựa. Còn lại, hầu hết những tuyến đường dẫn về các ấp đều chưa được cứng hóa theo tiêu chuẩn nông thôn mới nên việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa.

Anh Nguyễn Văn Giang, ngụ ấp 4, bộc bạch: “Việc xây dựng tuyến đường Bún Bà Của không chỉ mang lại diện mạo mới cho địa phương mà còn tạo thuận lợi cho người dân trong lưu thông, sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Mong rằng, thời gian tới, các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm hỗ trợ Thạnh An XDNTM để có thêm nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng”.

Bên cạnh khó khăn về giao thông, những năm gần đây, tình hình phát triển KT-XH của xã gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, giá cả tiêu thụ nông sản bấp bênh,... Nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, khó khăn từng bước được khắc phục, người dân phấn khởi, tích cực lao động, sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Hiện nay, toàn xã có 18 trang trại, 42ha đất nông nghiệp xây dựng nhà màng để trồng dưa lưới theo quy trình công nghệ cao và 1.200ha lúa ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết những mô hình sản xuất này đều phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tổ trưởng Tổ hợp tác Tổ 9, ấp 3, xã Thạnh An - Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ: “Tổ hợp tác hiện có 32 thành viên với khoảng 110ha lúa nằm trong vùng quy hoạch sản xuất ứng dụng công nghệ cao của huyện từ năm 2018 đến nay. Tổ hợp tác thường xuyên được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; đồng thời khuyến khích triển khai thực hiện các mô hình như giảm lượng giống gieo sạ, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”, công nghệ sinh thái,… Qua đó, giúp nông dân tăng lợi nhuận trong sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường”.

Cần được quan tâm hơn

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An - Mai Văn Thảo, trong năm 2020, xã phấn đấu hoàn thành thêm 3 tiêu chí: Nhà ở, giáo dục và y tế để nâng tổng số tiêu chí đã đạt lên 15 tiêu chí. Tuy nhiên, để hoàn thành được điều đó rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ huyện, tỉnh và sự đồng lòng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã.

100% hộ dân trên địa bàn xã Thạnh An được sử dụng nước hợp vệ sinh

“Tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn xã hơn 40km nhưng chỉ mới nhựa hóa được khoảng 4km, còn hơn 37km tuyến đường trục ấp, liên ấp chỉ mới được cứng hóa, chưa đáp ứng tiêu chuẩn mà tiêu chí giao thông trong chương trình XDNTM đề ra. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị cấp trên sớm quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông kiên cố hơn nhưng đến nay, do chưa có kinh phí nên vẫn phải chờ, trong khi huy động nguồn đóng góp từ địa phương rất hạn hẹp. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT-XH của xã” - ông Thảo thông tin thêm.

Một vấn đề nữa ở xã Thạnh An đang rất cần sự quan tâm, giải quyết của các cấp, các ngành đó là ô nhiễm môi trường tại các trang trại, công ty trên địa bàn xã. Hiện nay, việc người dân phản ánh về vấn đề môi trường khá nhiều, tuy nhiên thẩm quyền của xã chỉ là khảo sát, nhắc nhở, chưa có biện pháp để xử phạt, chấn chỉnh tình trạng này. Chị Lê Thị Minh, ngụ ấp 3, bức xúc: “Nhà tôi ở gần trang trại nuôi gà của một doanh nghiệp. Mùi hôi từ trang trại này bốc ra thường xuyên, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của gia đình. Tôi đã trình báo với UBND xã nhiều lần, tuy nhiên xã chỉ xuống nhắc nhở rồi một thời gian sau thì “đâu lại vào đấy”, tình trạng này tiếp tục tái diễn. Rất mong các cấp, các ngành của huyện, tỉnh quan tâm giải quyết để sớm trả lại môi trường sống trong lành cho gia đình tôi và những hộ xung quanh”.

Nhìn chung, việc thực hiện chương trình XDNTM ở xã Thạnh An vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tin rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, đồng thuận của người dân thì con đường về đích NTM của xã Thạnh An sẽ không còn xa./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết