Tiếng Việt | English

20/07/2019 - 04:52

Thạnh An: Trồng dưa lưới công nghệ cao mang lại hiệu quả

Việc thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngoài sự nỗ lực của hệ thống chính trị thì sự vào cuộc của các doanh nghiệp tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả bước đầu.

Dưa lưới được trồng đúng quy trình theo công nghệ sạch, chỉ dùng các chế phẩm sinh học nên năng suất cao, bảo đảm chất lượng

Dưa lưới được trồng đúng quy trình theo công nghệ sạch, chỉ dùng các chế phẩm sinh học nên năng suất cao, bảo đảm chất lượng

Trong bối cảnh thị trường nông nghiệp tràn lan thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An Công ty Cổ Phần FreFarm quyết định đầu tư bước đầu hơn 100 tỉ đồng với diện tích khoảng 71ha cùng hơn 200 nhân sự để sản xuất các loại nông sản sạch phục vụ thị trường Việt Nam và định hướng xuất khẩu. Hiện có 14 trang trại với 4ha dưa lưới của công ty đang phát triển tốt và cho thu hoạch ổn định. Quy trình sản xuất dưa lưới được chuẩn hóa từ khâu xây dựng kết cấu hạ tầng đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Hạt giống sử dụng được chọn lựa từ những nước có tiêu chuẩn nông nghiệp hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Israel.

Quản lý kỹ thuật nhà màng Công ty Cổ phần FreFarm - Lâm Chánh Vũ chia sẻ: “Quy trình chăm sóc cây dưa nhỏ là quan trọng nhất. Bởi, cây dưa nhỏ phát triển tốt thì lớn lên sẽ hạn chế được sâu, bệnh.Trung bình mỗi cây lấy 1 trái, một số cây phát triển thật tốt thì chừa lại 2 trái để đủ dinh dưỡng nuôi trái.Kỹ thuật trồng trọt công nghệ cao được chuyển giao từ Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.Nông sản sau khi thu hoạch được bảo quản bằng công nghệ cấp đông cao cấp của Nhật Bản”.

Dưa được trồng đúng quy trình theo công nghệ sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học nên cho năng suất cao, bảo đảm chất lượng, mỗi trái dưa nặng từ 1,5-2kg, bán giá 59.000-75.000 đồng/kg. Sau khi thu hoạch, toàn bộ lượng dưa được các siêu thị tại TP.HCM bao tiêu sản phẩm. 

Hiện công ty trồng 2 giống: Nhật Bản 65-66 ngày, Taki 60-62 ngày. Thời gian tới, công ty sẽ mở rộng diện tích trồng dưa lưới lên 20ha và áp dụng quy trình sản xuất GlobalGAP nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bí thư Đảng ủy xã Thạnh An - Nguyễn Quốc Đạt cho biết: “Thời gian qua, có nhiều đơn vị đầu tư chương trình ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã, trong đó có trồng dưa lưới mang lại hiệu quả cao, góp phần giải quyết việc làm cho người dân trong và ngoài xã. Thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện, chúng tôi tiếp tục kêu gọi các đơn vị mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường trên địa bàn.Địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các công ty phát triển sản xuất”.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.Thời gian qua, các cấp, các ngành thực hiện nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường.Đây được xem là hướng đi tất yếu, bởi không chỉ tăng giá trị nông sản mà còn thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết