Tiếng Việt | English

02/10/2019 - 01:19

Thạnh Hóa: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu

Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hướng đi tất yếu. Tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, mô hình này mang lại hiệu quả bước đầu.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu

Thay đổi tập quán canh tác

Huyện xây dựng vùng quy hoạch 2.000ha lúa theo Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh tại 3 xã: Tân Tây, Thủy Đông và Thạnh An. Ngoài diện tích trong vùng quy hoạch, huyện còn mở rộng thêm 300ha sản xuất lúa ƯDCNC tại 3 xã: Tân Đông, Thủy Tây và Thạnh Phước. Đến nay, huyện thực hiện được 1.414,3/2.000ha lúa ƯDCNC, đạt 70,7% so với Nghị quyết của Tỉnh ủy. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 77 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, 11 hợp tác xã, trong đó có 5 tổ hợp tác và 4 hợp tác xã trong vùng lúa ƯDCNC.

Xã Thạnh An xác định lúa là cây trồng chủ lực của địa phương. Khi triển khai chương trình, người dân đồng thuận cao, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát, tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó, địa phương còn triển khai thực hiện các mô hình như giảm lượng giống gieo sạ, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”, công nghệ sinh thái. Anh Nguyễn Văn Giang (ấp 4, xã Thạnh An) chia sẻ: “Gia đình tôi có 4ha lúa sản xuất trong vùng quy hoạch ƯDCNC từ năm 2018 đến nay. Tôi được hỗ trợ san phẳng mặt ruộng, hướng dẫn sạ thưa, xử lý rơm rạ bằng nấm sinh học, sử dụng phân hữu cơ,… từ đó vừa tăng lợi nhuận trong sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường”.

Bí thư Đảng ủy xã Thạnh An - Nguyễn Quốc Đạt cho biết: “Địa phương được quy hoạch thực hiện Chương trình Nông nghiệp ƯDCNC trên cây lúa đến năm 2020 là 1.200ha. Đến nay, diện tích thực hiện đạt trên 76% so với Nghị quyết Huyện ủy, tập trung tại ấp 2, 3, 4. Toàn xã có 1 hợp tác xã và 18 tổ hợp tác với trên 420 thành viên. Hiện xã có 10 khu đê bao, phục vụ trên 2.000ha đất sản xuất; 3 trạm bơm điện phục vụ 991ha. Hệ thống thủy lợi bảo đảm nhu cầu sản xuất, dân sinh”.

Thời gian qua, lãnh đạo huyện tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với nông dân nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Huyện huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lúa ƯDCNC. Tổng cộng có 14 công trình do tỉnh đầu tư, ước nguồn vốn thực hiện hơn 50 tỉ đồng; hiện hoàn thành 2 công trình, đang xây dựng 1 công trình và chuẩn bị thi công 4 công trình. Ngoài ra, có 17 công trình do huyện đầu tư, ước nguồn vốn thực hiện 14 tỉ đồng; hiện hoàn thành 1 công trình, đang thi công 5 công trình.

Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án trồng trọt và chăn nuôi ƯDCNC được quan tâm. Lĩnh vực chăn nuôi có Công ty TNHH Công nghệ cao Ba Huân Thạnh Hóa; Công ty TNHH Thương mại Chăn nuôi công nghệ cao Hoàn Hảo VINA đầu tư dự án trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao; Trang trại nuôi gà ƯDCNC Dư Hoài. Lĩnh vực trồng trọt có Chi nhánh Công ty Cổ phần Frefarm - Chi nhánh Long An với quy mô 42ha, đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng để trồng dưa lưới. Hiện công ty sản xuất được 6ha dưa lưới theo quy trình công nghệ cao.

Tập trung  tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh những kết quả, huyện còn gặp một số khó khăn trong thực hiện chương trình. Cụ thể, công tác tuyên truyền chưa sâu, rộng; tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ vùng sản xuất ƯDCNC chậm so với kế hoạch; mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững; nông sản ƯDCNC chưa có sự chênh lệch nhiều về giá so với sản phẩm sản xuất theo kiểu truyền thống nên người dân chưa mạnh dạn áp dụng theo quy trình;…

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả bước đầu

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả bước đầu

Để chương trình đạt hiệu quả, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động giúp người dân nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bí thư Huyện ủy Thạnh Hóa - Phan Quang Nghiệp cho biết: “Huyện tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp cho từng loại cây trồng phù hợp với từng vùng đất; hình thành quy hoạch các nhà máy chế biến nông sản; đồng thời, huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngành chuyên môn phối hợp chặt chẽ các địa phương trong vùng quy hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, bảo đảm đến năm 2020 đạt 2.000ha theo Nghị quyết Huyện ủy và 300ha vùng mở rộng”.

Phát triển nông nghiệp ƯDCNC là hướng đi tất yếu. Các vùng nông nghiệp ƯDCNC được hình thành và phát triển theo quy hoạch sẽ thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hữu cơ, an toàn và bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển KT-XH địa phương./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết