Tiếng Việt | English

12/09/2017 - 00:55

Thạnh Hưng: Hiệu quả từ Sổ tay liên tịch

Sổ tay liên tịch quản lý, cảm hóa, giáo dục người vi phạm và biểu hiện vi phạm pháp luật là tên gọi của mô hình phòng ngừa tội phạm, do Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An thực hiện.

Khảo sát, triển khai thực hiện

Thạnh Hưng có diện tích tự nhiên hơn 6.660ha, có 1.379 hộ, với 5.683 nhân khẩu, sống chủ yếu tập trung ở các tuyến kênh: Bắc Chan, Cả Gừa và kênh 79; kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp chuyên canh cây lúa và một số hộ buôn bán nhỏ. Thời gian qua, KT-XH trên địa bàn xã không ngừng phát triển, diện mạo nông thôn ở vùng sâu, vùng xa thay đổi toàn diện, cuộc sống về vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, tình hình thanh, thiếu niên vi phạm và có biểu hiện vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự (ANTT) ở địa phương. Ban Chỉ đạo xã chỉ đạo MTTQ, các ngành, đoàn thể phối hợp tăng cường củng cố, nâng chất các mô hình phòng, chống tội phạm phù hợp với điều kiện tình hình thực tế ở địa phương; qua đó, góp phần ngăn chặn, làm giảm các loại tội phạm và các hành vi vi phạm về ANTT; trong đó, nổi bật là mô hình “Sổ tay liên tịch quản lý, cảm hóa, giáo dục người vi phạm và có biểu hiện vi phạm pháp luật”.

Đoàn kiểm tra phong trào của tỉnh làm việc tại xã Thạnh Hưng

Qua khảo sát, Công an xã lên danh sách toàn xã có 20 đối tượng vi phạm và 68 người có biểu hiện vi phạm, tham mưu UBND xã tiến hành bàn giao cho các ngành, đoàn thể nhận lãnh, quản lý, giáo dục theo “sổ tay” và quy chế. Khi được bàn giao, các ngành, đoàn thể xã phối hợp các ấp phân công từng thành viên đến từng nhà đối tượng gặp gỡ gia đình và đối tượng tuyên truyền, vận động, giúp đỡ; kết hợp công tác tuyên truyền thông qua họp dân, hệ thống truyền thanh, tiếng loa lưu động,... Qua đó, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên, các lực lượng nòng cốt về công tác bảo đảm ANTT nói chung, công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục người vi phạm và có biểu hiện vi phạm pháp luật nói riêng.

Hiệu quả bước đầu

“Sổ tay” thể hiện đầy đủ thông tin cá nhân của người vi phạm và người có biểu hiện vi phạm; tổ chức, cá nhân nhận lãnh, thời gian quản lý cũng như đánh giá sự tiến bộ của từng cá nhân được giáo dục theo từng thời gian cụ thể,... Từ đầu năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng xã tổ chức tuyên truyền về tình hình ANTT, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng, tệ nạn xã hội,... 37 cuộc với 1.909 lượt người dân và giáo viên, học sinh dự; tuyên truyền bằng tiếng loa lưu động trên từng tuyến, khu dân cư trên địa bàn xã; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh xã 34 bản tin về ANTT; nhân dân phát hiện, cung cấp 17 tin, giúp công an kịp thời ngăn chặn, xử lý hiệu quả các vụ việc xảy ra liên quan đến ANTT.

Xã kết hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền với tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ngành, đoàn thể trong quản lý, cảm hóa, giáo dục nên góp phần làm chuyển biến nhận thức hầu hết đối tượng vi phạm; đối với người có biểu hiện vi phạm thì từ bỏ, lo làm ăn phụ giúp gia đình. Từ đó, hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội giảm, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng phát triển, nhiều năm liền được xếp loại vững mạnh xuất sắc, được Bộ Công an tặng bằng khen; góp phần xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới./.

PV  

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích