Tiếng Việt | English

16/03/2020 - 19:59

Thanh long “khát nước” mùa hạn, mặn

Hạn, mặn đang ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng thanh long tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Hầu hết các tuyến kênh nội đồng trên địa bàn huyện đều ở tình trạng cạn kiệt. Nông dân chật vật tìm nước tưới cho cây thanh long. Mỗi người một cách đem nước về đồng.

Dọc tuyến kênh T2 của xã Long Trì, huyện Châu Thành, nhiều người dân đang tổ chức đắp đập bơm chuyền lấy nước tưới thanh long. Trong khoảng 500m kênh, có đến 3 đập được đắp phục vụ bơm chuyền. Đa phần người dân trong cùng khu vực sẽ hợp tác làm 1 đập bơm chuyền, có thể bơm bằng máy dầu hoặc mô-tưa điện, tùy vào điều kiện từng nhóm.

Tuyến kênh Cầu Chùa tại xã Phước Tân Hưng được người dân góp tiền nạo vét để đưa nước về tưới thanh long

Tuyến kênh Cầu Chùa tại xã Phước Tân Hưng được người dân góp tiền nạo vét để đưa nước về tưới thanh long

Muôn kiểu tìm nước tưới

Chỉ vào đập nước của mình trên kênh T2, xã Long Trì, ông Lê Văn Lý (ngụ ấp Long Thuận) cho biết, ông cùng khoảng 10 hộ dân khác hợp tác đắp đập, bơm nước từ sông lớn vào, sau đó đặt mô-tưa bơm từ đập vào tưới cho thanh long. Chi phí ban đầu cho đập bơm chuyền này khoảng 3 triệu đồng/hộ. Nhìn hơn 1.000 trụ thanh long đang xông đèn và vừa chớm búp non, ông Lý chép miệng: “Nông dân ở đây sống nhờ vào cây thanh long nên khó khăn cũng phải tìm cách. Bơm chuyền sẽ đội thêm chi phí nhưng nếu không làm sẽ không cứu được cây thanh long”.

Đó là tình trạng chung của rất nhiều nông dân ở Châu Thành, bởi hơn bất cứ cây trồng nào khác, thanh long trái vụ cần rất nhiều nước để ra hoa, kết trái. Chỉ cần “hụt nước” một chút sẽ ảnh hưởng đến cây. Trong lúc nước tưới khó khăn, các kênh dẫn nước nhiều đoạn cạn trơ đáy, người dân buộc lòng mỗi người một cách tìm nước tưới cho ruộng thanh long của mình.

Tại xã Phước Tân Hưng, người dân cũng khá lao đao trong việc tìm nước tưới. Đứng trước tình cảnh nước kênh cạn, thanh long đang ra búp, ông Lê Văn Rõ (ấp 8) vận động người dân trong khu vực ấp 7, 8 đóng góp kinh phí nạo vét kênh và đắp đập bơm chuyền. Ông Rõ cho biết: “Hiện nhóm chúng tôi có khoảng 12ha thanh long, người dân đóng góp kinh phí theo diện tích đất sở hữu để thuê máy nạo vét suốt tuyến kênh Cầu Chùa, đắp đập bơm nước từ sông Eo Đét vào để có nước tưới cho cây. Ai cũng cần nước tưới cho thanh long nên tôi gợi ý là những người còn lại đồng tình ngay”. Kênh vừa nạo vét xong cách đây vài ngày, nước được bơm vào đầy đập. Người dân trong nhóm ai cũng “mở cờ trong bụng”. Chị Uyển Trang (ấp 7) vui vẻ nói: “Vét kênh bơm nước vào, bây giờ có nước tưới thanh long rồi, tôi mừng lắm!”.

Nước về “nhỏ giọt”

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tình trạng thiếu nước tưới diễn ra trong toàn huyện từ khoảng 20 ngày trước. Lúc đỉnh điểm, hầu hết các tuyến kênh nội đồng đều cạn trơ đáy. Tuy nhiên, hiện nay, nước bắt đầu có trở lại, nhưng vẫn còn “nhỏ giọt”. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Võ Văn Vấn cho biết, thời gian tới, nước tiếp tục “đổ về” nhưng vẫn rất hạn chế, chủ yếu ở các tuyến kênh chính. Người dân vẫn phải bơm chuyền để bảo đảm nước tưới cho thanh long.

Đời sống kinh tế của người dân Châu Thành gần như hoàn toàn nhờ vào cây thanh long. Nhiều dịch vụ cũng dựa vào thanh long mà phát triển. Khi sản xuất thanh long gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Chủ tịch UBND xã Long Trì - Võ Văn Cần cho biết, xã có hơn 800ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 700ha thanh long. Với hơn 600ha thanh long đang cho trái, người dân trên địa bàn cần một lượng nước tưới khá lớn. Trước tình hình khô hạn, UBND xã đã tính đến việc bơm nước từ đầu nguồn về cho người dân. Tuy nhiên, nguồn nước hạn chế, không đủ bơm nên vẫn để người dân tự tổ chức bơm chuyền. Hiện tại, nước đã có dấu hiệu tăng tại một số đoạn kênh chính trên địa bàn xã nhưng người dân vẫn phải tiếp tục bơm chuyền để có nước tưới thanh long.

Người dân đắp đập bơm chuyền tại kênh T2, xã Long Trì

Toàn huyện Châu Thành hiện có 9.100ha thanh long, trong đó có 8.500ha đang cho trái. Vì vậy, lượng nước ngọt cần để tưới cho cây thanh long là rất lớn. Tình trạng thiếu nước gây không ít khó khăn cho người dân trong quá trình sản xuất. Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày “tắt nước”, một số hộ dân sử dụng nước sinh hoạt tưới cho cây thanh long. Theo ông Võ Văn Cần, việc sử dụng nước sinh hoạt tưới cho thanh long là không khả thi và sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều.

Tại Châu Thành, nước sinh hoạt phần lớn được lắng lọc đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, không còn đủ lượng phù sa, khoáng chất mà cây cần. Không chỉ vậy, việc sử dụng nước sinh hoạt tưới thanh long có thể khiến hư hỏng hệ thống bơm của giếng chung, ảnh hưởng đến việc cấp nước tại khu vực. Bên cạnh đó, việc lạm dụng nguồn nước ngầm có thể dẫn đến cạn kiệt và ảnh hưởng rất lớn về sau. Chính vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền cũng như quản lý chặt chẽ các giếng nước sinh hoạt; đồng thời, khuyến cáo người dân nên hợp tác bơm chuyền, không dùng nước sinh hoạt tưới cây thanh long.

Ngoài việc thiếu nước tưới, xâm nhập mặn cũng đang là vấn đề được quan tâm. Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Võ Thanh Hồng cho biết: “Ngoài tình trạng thiếu nước, ở một số xã, độ mặn bắt đầu tăng cao. Huyện đang phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp để đưa nước ngọt về cho người dân”. Mong rằng, người dân sẽ theo dõi chặt chẽ thông tin và thực hiện theo đúng khuyến cáo để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn của mùa hạn, mặn năm nay./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết