Tiếng Việt | English

06/02/2020 - 10:27

Thanh long ùn ứ đầu ra do ảnh hưởng dịch cúm Corona - Giải pháp bền vững, lâu dài là liên kết sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm

Sáng ngày 05/02 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh, Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức chủ trì Hội nghị với Sở Công Thương các tỉnh, TP.HCM; Hiệp hội Thanh long Long An tìm giải pháp tiêu thụ thanh long do ảnh hưởng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra.

Ùn ứ đầu ra khoảng 30.000 tấn

Theo báo cáo tại hội nghị, diện tích thanh long trên toàn tỉnh khoảng 11.826ha, trong đó diện tích đang cho trái là 9.587ha, sản lượng 320.000 tấn.Thời gian qua, thị trường tiêu thụ thanh long chủ yếu là Trung Quốc (chiếm 70-80%). Phần còn lại tiêu thụ tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật, Malaysia, Dubai, Newzealand, Ấn Độ, Úc,... và tiêu thụ trong nước. Xuất khẩu theo đường tiểu ngạch vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao.

Ước tính có khoảng 30.000 tấn thanh long đang cho thu hoạch khó về đầu ra

Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - Nguyễn Quốc Trịnh chia sẻ, thời gian qua, phần lớn thanh long tiêu thụ ở Long An đều thông quan Trung Quốc. Hiện nay, thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra, một số khách hàng Trung Quốc như Hồng Thái Dương, Phú Quý,... đã hủy các đơn hàng mua thanh long các kho là thành viên của hiệp hội. Ước tính khoảng 500 container bị hủy với giá thu mua dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg, từ ngày 27 đến 31/01/2020. Đồng thời, các đơn vị thu mua hỗ trợ 4.000 đồng/kg cho các kho. Trước tình cảnh khó khăn hiện nay, hiệp hội đã có cuộc họp với các nhà kho, thống nhất giảm giá thu mua xuống mức 10.000 đồng/kg nhằm giảm thiệt hại thấp nhất cho nhà kho, nhà lái và nhà vườn. 

Theo ước tính, hiện nay, thanh long đã thu hoạch và đang lưu kho khoảng 2.000 tấn. Trong tháng 02, có khoảng 28.000 tấn sẽ được thu hoạch. Hiện toàn tỉnh có khoảng 100 kho lạnh (trung bình 1 kho sức chứa khoảng 50-70 tấn), sức chứa tối đa khoảng 7.000-8.000 tấn. Do lượng hàng tồn kho, hàng thu hoạch khá nhiều, các kho không thể dự trữ nên một số nhà kho đã phải đóng cửa không thu mua dẫn đến thanh long ở một số vườn trái vẫn treo trên cây, gây thiệt hại cho nhà vườn.   

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ, khó khăn trong tiêu thụ đầu ra thanh long hiện nay là do dịch bệnh xảy ra phổ biến tại Trung Quốc khiến giao thông hạn chế, cản trở hoạt động giao dịch, trao đổi, làm việc giữa doanh nghiệp 2 bên trong tiêu thụ nông sản bằng đường hàng không, đường thủy và đường bộ. Hơn nữa, việc mua bán, giao dịch hiện nay trong tiêu thụ thanh long không có hợp đồng thương mại, dẫn đến rủi ro lớn.

Phải liên kết bền vững

Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, nếu như những ngày cuối tháng 01/2020, tình hình giao dịch mua bán khó khăn thì 3 ngày trở lại đây đã có tín hiệu tốt hơn. Cụ thể, các nhà kho trong hiệp hội đã xuất bán được khoảng 1.000 tấn cho đối tác thông qua đường tiểu ngạch, nhưng tốc độ giao - nhận hàng hóa vẫn còn rất chậm.Giải pháp tạm thời của hiệp hội là tiếp tục trữ thanh long ở những kho trống để chờ cơ hội giao dịch mua bán trở lại.Tuy nhiên, do là thanh long tươi nên thời gian bảo quản ở kho lạnh không quá 30 ngày.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh, Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức chủ trì hội nghị

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Công Thương TP.Cần Thơ chia sẻ những khó khăn của Long An trong tiêu thụ thanh long. Theo đó, sở này sẽ làm việc với một số doanh nghiệp trên địa bàn “giải cứu” thanh long bằng cách mua về cung cấp cho người tiêu dùng ở các điểm bán lẻ. Đồng quan điểm với Sở Công Thương TP.Cần Thơ, Sở Công Thương TP.HCM cho biết sẽ yêu cầu 3 doanh nghiệp thương mại bán lẻ lớn là BigC, Megamarket và Saigon Co.op hỗ trợ tiêu thụ thông qua bán lẻ. Nhưng tiêu chuẩn mua sản phẩm phải đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng, không kỳ vọng nhiều về “giải cứu” tiêu thụ nội địa và rất khiêm tốn do cùng thời điểm này, nhiều nông sản khác như mít, sầu riêng, chôm chôm,... chung tình cảnh. Bà Trang gợi ý Long An nên kết nối với doanh nghiệp có công nghệ chế biến sâu như sấy dẻo, sấy khô. Đặc biệt, Long An nên điều tiết sản xuất thanh long xông đèn, tính toán loại chuỗi sản xuất theo hướng liên kết bền vững, có hợp đồng tiêu thụ và đáp ứng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP. Một khi hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn vừa nêu, khi thị trường một nước khó khăn có thể “trở tay”, chuyển hướng sang thị trường khác.  

Theo Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức, tình hình xuất khẩu nông sản, trong đó có sản phẩm thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu thông qua tiểu ngạch, đường bộ qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Khi cửa khẩu đường bộ tiếp tục dừng giao dịch, một số doanh nghiệp chuyển sang đường biển. Tuy nhiên, cảng biển Shenghai (Thượng Hải) đã quá tải, thông quan chậm ảnh hưởng đến vận chuyển, tiêu thụ. Hiện Sở Công Thương phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Công ty CP Fado Việt Nam giới thiệu vận chuyển xuất khẩu bằng đường sắt (chi phí thấp hơn khoảng 40 triệu đồng/container), các doanh nghiệp đang nghiên cứu để thực hiện (thời gian, bảo quản,…) nhằm giảm tình trạng khó đầu ra.

Về lâu dài, để tránh tình trạng rủi ro như hiện nay, ông Lê Minh Đức khuyến cáo doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong mua bán, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần phải có hợp đồng tiêu thụ chặt chẽ, tránh những rủi ro. Đặc biệt hơn, giải pháp lâu dài, bền vững cần thực hiện trong trồng trọt nông sản, trong đó có thanh long là phải tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm tránh phụ thuộc vào một thị trường chính như hiện nay./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết