Tiếng Việt | English

14/02/2019 - 13:48

Thanh niên 8X biến cỏ dại thành tiền

Với mong muốn thay đổi thói quen sử dụng các loại ống hút nhựa vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, vừa gây hại đến môi trường, anh Trần Minh Tiến, ngụ ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An nghiên cứu, sáng tạo ra loại ống hút làm từ cỏ bàng có sẵn trong thiên nhiên.

Ngoài sản xuất ống hút cỏ bàng tươi, anh Trần Minh Tiến còn phơi khô để bảo quản được lâu hơn

Sau khi sử dụng, ống hút cỏ bàng có thể tái sử dụng bằng cách rửa sạch và bảo quản trong tủ lạnh

Chế tạo sản phẩm thân thiện với môi trường

Gần đây, các sản phẩm ống hút cỏ bàng của Cơ sở sản xuất 3T do anh Tiến làm chủ thu hút đông đảo giới trẻ trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu. Trước đây, trong quá trình chế tạo ống hút thân thiện với môi trường cho sản phẩm dừa tươi, anh Tiến thử nghiệm nhiều loại nguyên liệu từ cọng rau muống đến cọng sả. Sau đó, anh nhận thấy những cọng cỏ bàng (loại lớn) rất phù hợp để làm ống hút và chúng có mặt khá phổ biến ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Anh Tiến so sánh: “Ống hút làm bằng tre thì giá thành khá cao (6.000 đồng/ống), làm bằng rau muống, sả rẻ hơn nhưng nhanh hư, thậm chí đôi khi rau muống còn nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà mình không thể kiểm soát được. Trong khi đó, cỏ bàng mọc khắp nơi, nhất là ở đất bưng biền, khi làm ống hút, nó vừa giữ được mùi thơm, vừa an toàn, không gây ô nhiễm môi trường”.

Cỏ bàng cắt về, anh Tiến dùng dụng cụ đục bỏ các ngăn bên trong ống, sau đó cắt đoạn theo kích thước phù hợp và làm sạch ruột ống. Sau khi sử dụng, ống hút có thể tái sử dụng bằng cách rửa sạch và bảo quản trong tủ lạnh đến 2 tuần. Nếu để ở nhiệt độ thường, ống hút cỏ bàng có thể giữ được độ bền trong vòng 5 ngày.

“Trong quá trình sản xuất, khâu cắt ống cỏ rất quan trọng, vì phải cắt làm sao cho ống không vỡ, không nứt. Phần đầu mút của ống hút phải được cắt thẳng và nhọn một đầu để dễ dàng cắm vào bình hút,...” - anh Tiến chia sẻ.

Hiệu quả từ nhóm hoạt động cùng sở thích

Câu chuyện chàng trai 8X với niềm đam mê sản xuất các vật dùng bằng cỏ bàng góp phần bảo vệ môi trường dần thu hút hàng chục bạn trẻ trong và ngoài tỉnh có cùng sở thích tìm đến nghiên cứu, tham gia. Mỗi người một công đoạn khác nhau và tiền công sẽ được tính theo đầu sản phẩm. “Tôi biết đến cửa hàng 3T từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Sau khi tốt nghiệp, tôi thấy ý tưởng chế tạo các sản phẩm có sẵn trong thiên nhiên của anh Tiến khá hay nên đến đây trải nghiệm. Trung bình mỗi ngày, tôi làm hơn 200 cái ống hút các loại, thu nhập trên 100.000 đồng. Tuy số tiền mang lại không nhiều so với làm trong công ty, xí nghiệp nhưng tôi cảm thấy rất vui vì được thỏa lòng đam mê sáng tạo của mình” - chị Nguyễn Thị Lê Dơn, ngụ huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, bộc bạch.

Ống hút cỏ bàng được nhóm trẻ chế tạo hoàn toàn theo phương pháp thủ công, có độ dài từ 18-20cm, đường kính trong từ 4,5-6,5mm, dày khoảng 0,5-0,8mm và tùy theo nhu cầu sử dụng của khách hàng mà cơ sở tạo ra từng sản phẩm khác nhau. Hiện tại, cửa hàng 3T hoạt động khá ổn định, mỗi ngày cung ứng ra thị trường hơn 3.000 sản phẩm ống hút các loại cho các nhà hàng trên cả nước. Ống hút loại tươi hiện bán với giá 600 đồng/ống, một bó 100 ống. Riêng loại ống hút cỏ bàng khô có giá cao hơn, 1.000 đồng/ống, một bó 100 ống. Bên cạnh đó, anh Tiến còn chế tạo nhiều loại sản phẩm với mẫu mã đẹp từ cỏ bàng: Chiếu, nón, túi xách,... được bày bán ngoài thị trường với giá cả bình dân.

Ngoài sản xuất ống hút cỏ bàng tươi, anh Trần Minh Tiến còn phơi khô để bảo quản được lâu hơn

Ngoài sản xuất ống hút cỏ bàng tươi, anh Trần Minh Tiến còn phơi khô để bảo quản được lâu hơn

“Hiện, cửa hàng 3T tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng thành công vùng nguyên liệu và phát triển tour du lịch miệt vườn. Qua đó, vừa giúp mọi người thấy được giá trị của thiên nhiên, hướng đến sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, vừa góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương” - anh Tiến chia sẻ.

Lối sống tích cực, đơn giản, thân thiện và gần gũi với môi trường đang được nhiều bạn trẻ hướng đến. Ý tưởng kinh doanh từ những vật liệu có sẵn trong tự nhiên của anh Trần Minh Tiến ngoài mục đích góp phần mang lại nguồn thu nhập cho gia đình còn thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa bảo vệ sức khỏe con người, vừa giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường. Đây được xem là “gợi ý” tuyệt vời cho giới trẻ đang tìm ý tưởng kinh doanh, thỏa lòng đam mê sáng tạo của mình trên bước đường lập thân, lập nghiệp./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết