Tiếng Việt | English

08/06/2016 - 10:02

Tháo gỡ những điểm nghẽn - nâng cao chỉ số PCI

Năm 2015, chỉ số PCI của Long An được xếp hạng 9 với 60,86 điểm và thuộc 7 tỉnh ở nhóm tốt. So với năm 2014, Long An tụt 2 bậc và giảm 0,51 điểm. Mặc dù ở nhóm tốt nhưng đi sâu phân tích, Long An vẫn phải nỗ lực rất nhiều, tháo gỡ những điểm nghẽn để tiếp tục tối ưu hóa các chỉ số thành phần trong PCI, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Tỉnh tiếp tục và tạo điều kiện để DN phát triển bằng những cơ chế, chính sách phù hợp

Nhận diện những điểm nghẽn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho rằng, trong thời gian qua, Long An có nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư, điều này được minh chứng trong kết quả thu hút năm sau luôn cao hơn năm trước. Chủ trương của Long An là luôn đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), xem những khó khăn của DN là khó khăn chung của tỉnh nhằm tạo sự hài lòng khi DN đến tạo lập và phát triển sản xuất, kinh doanh. Những chỉ số thành phần thấp điểm, tụt điểm trong kết quả PCI của tỉnh mà VCCI công bố là những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vì vậy, những điểm số tụt giảm cần phải được làm rõ, có giải pháp khắc phục, nhằm tạo niềm tin, là động lực để DN phát triển bền vững, góp phần cùng tỉnh phát triển kinh tế-xã hội.

Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) có nhiều cố gắng trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số PCI. Tuy nhiên, chỉ số tiếp cận đất đai, liên tục bị sụt giảm. Theo Giám đốc Sở TN&MT - Phan Nhân Duy, nguyên nhân xuất phát từ những tồn tại như: Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều dự án trên địa bàn tỉnh bị chậm trễ, kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, nguồn vốn của chủ đầu tư hạ tầng, không thu hút được nhà đầu tư thứ cấp triển khai đầu tư vào khu - cụm công nghiệp. Việc này do nhiều nguyên nhân, trong đó, tập trung vào các nguyên nhân chính như: Chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư thay đổi liên tục; một số dự án do thiếu sót của các cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện công tác bồi thường,… Ngoài ra, hiện nay, thủ tục hành chính về đất đai rất nhiều và rất phức tạp, trong đó, có một số thủ tục phải phối hợp nhiều ngành. Và trong quá trình thực hiện, một số thủ tục phát sinh vướng mắc mà sở chưa kịp thời phối hợp giải quyết.

Bên cạnh đó, nhiều hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bị chậm trễ, không giải quyết được do khi thỏa thuận địa điểm đầu tư vị trí đất chưa đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, kể cả một số trường hợp không phù hợp quy hoạch sử dụng đất nên không thể thực hiện thủ tục đất đai. Ngoài ra, một số dự án sử dụng đất trồng lúa nếu chưa được HĐND tỉnh thông qua hoặc văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ thì quá trình giải quyết hồ sơ còn phải kéo dài thời gian.

Cũng trên lĩnh vực đất đai, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Dũng cho rằng quy trình luân chuyển hồ sơ cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất từ Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại huyện về tỉnh để trình ký còn mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng cũng còn có những hạn chế nhất định, chưa đồng bộ và còn nhiều đầu mối ở cấp tỉnh. 

Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (chính sách phát triển kinh tế tư nhân) cũng là một trong điểm số tụt giảm so với năm 2014. Theo đánh giá của DN, các dịch vụ của tỉnh để phát triển khu vực tư nhân như xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin tư vấn pháp luật cho DN; hỗ trợ tìm kiến đối tác kinh doanh và cung cấp các dịch vụ công nghệ cho DN chưa thực sự tốt.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Văn Minh cho rằng, việc thúc đẩy chuyển dịch, tái cơ cấu ngành công nghiệp, thương mại, nhất là phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chưa thật sự khởi sắc. Nguyên nhân do chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, ngày 24-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều hạn chế, chậm được sửa đổi. Vì vậy, các DN chưa tiếp cận được các nguồn hỗ trợ. Bên cạnh đó, nguồn và mức kinh phí hỗ trợ các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, nhất là nguồn kinh phí địa phương còn hạn chế so với một số tỉnh bạn. Vì vậy, số lượng DN được hỗ trợ từ các chương trình này chưa nhiều; hoặc nhiều DN còn gặp khó khăn về nhiều mặt nên chưa tiếp cận các nguồn hỗ trợ.

Về chỉ số thiết chế pháp lý, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, DN thiếu lòng tin đối với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh. Các thiết chế này chưa được DN xem là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc là nơi DN có thể khiếu nại các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương.


Tháo gỡ những điểm nghẽn - nâng cao chỉ số PCI

Tháo gỡ điểm nghẽn - để tăng thứ hạng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho rằng, với thứ hạng 9 trên cả nước về chỉ số PCI là những nỗ lực, phấn đấu của các sở ngành, địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, về điểm số cũng như thứ hạng tụt giảm trong 2 năm liên tiếp cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh đã kém dần sự hấp dẫn so với khu vực và cả nước. Để thực hiện nhiệm vụ tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư, các ngành và địa phương cần phải có những giải pháp hữu hiệu hơn, phải được thực hiện với quyết tâm cao thì mới có khả năng đáp ứng được yêu cầu khôi phục điểm số và thứ hạng trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT phải phối hợp với các ngành, địa phương kiên quyết giải quyết dứt điểm các tồn động, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các trường hợp bị ngưng trệ trong nhiều năm; các ngành của tỉnh cần phối hợp với địa phương có giải pháp khắc phục các vướng mắc trong quy hoạch đất đai, tránh trường hợp tại một vị trí đất nhưng cấp tỉnh và địa phương có quy hoạch khác nhau; bảo đảm luôn tạo điều kiện thuận lợi cho DN (không phân biệt quy mô, thành phần kinh tế) tiếp cận thông tin; thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn, đất đai, ưu đãi thuế…và tham gia cung ứng các dịch vụ công, dự án đầu tư công.

Về giải pháp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Văn Minh đề xuất UBND tỉnh cần cân đối tăng kinh phí hỗ trợ DN phát triển công nghiệp thương mại thông qua kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Từ đó, tạo động lực cũng như khuyến khích DN an tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Trên lĩnh vực thiết chế pháp lý, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm mọi khiếu kiện, phản ánh của người dân và DN được tiếp nhận và xử lý thỏa đáng; tổ chức thi hành án dứt điểm đối với các vụ việc đủ điều kiện, nhất là các vụ án liên quan đến DN.

Ông Nguyễn Văn Được cũng cho rằng, trên tinh thần cầu thị và không bằng lòng với những kết quả đạt được, tỉnh đã và đang tìm ra những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Thời gian tới, Long An tiếp tục tạo điều kiện để DN phát triển bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời nhằm tạo môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống nhân dân./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết