Tiếng Việt | English

26/01/2017 - 22:14

Thay đổi nhận thức trọng “thầy” hơn “thợ”

Rất nhiều người luôn đặt mục tiêu hướng tới là tốt nghiệp THCS, học lên THPT rồi vào đại học, cao đẳng, thay vì chọn học nghề. Cứ như thế, những người có trình độ cao đẳng, đại học ngày càng nhiều, trong khi đó, nhu cầu của xã hội hiện nay cần nhiều công nhân kỹ thuật có tay nghề. Từ đó, dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” . Để giải quyết vấn đề này, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành phải vào cuộc, góp phần thay đổi nhận thức “trọng thầy hơn thợ” trong xã hội.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An - Nguyễn Thanh Tiệp: Tăng cường tư vấn hướng nghiệp cho học sinh

Thời gian gần đây, nhiều sinh viên tốt nghiệp rất khó tìm việc làm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tuyển dụng lao động bị thu hẹp. Ngoài ra, nhiều trường cao đẳng, đại học được thành lập, dẫn đến số lượng sinh viên được đào tạo ở các ngành càng nhiều.

Trong khi đó, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bố chưa hợp lý giữa các địa phương; cơ cấu ngành, nghề đào tạo vẫn chưa thật phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Mặt khác, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại các trường THCS, THPT còn hạn chế. Nhằm góp phần khắc phục tình trạng trên, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các trường THCS, THPT tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh chọn ngành phù hợp với năng lực học tập, hoàn cảnh gia đình và thị trường lao động; đồng thời, đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS; phối hợp các công ty, xí nghiệp, chuyên gia tư vấn cho học sinh trong việc chọn ngành, nghề, cũng như giới thiệu về nhu cầu của thị trường lao động hiện nay để các em có sự lựa chọn đúng đắn.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An - Võ Thành Trí: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Bình quân hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh đào tạo khoảng 18.000 lao động và có trên 90% lao động sau đào tạo có việc làm, còn lại tự tạo việc làm.

Đặc biệt, các nghề thuộc nhóm nghề công nghệ kỹ thuật: Hàn, công nghệ ôtô, điện công nghiệp,... nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp rất lớn nhưng không đáp ứng đủ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do tâm lý chung của xã hội còn "trọng thầy hơn trọng thợ".

Để khắc phục tình trạng trên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với tạo việc làm; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học nghề; tập trung đầu tư để tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời đề xuất sửa đổi chính sách tiền lương đối với công nhân, lao động trực tiếp sản xuất; xây dựng và phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động nhằm thực hiện chức năng làm cầu nối liên kết giữa cung và cầu lao động, giữa cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động với người lao động.

Chị Nguyễn Ngọc Oanh, ở ấp Kênh Mới, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An: Cần tư vấn kỹ cho phụ huynh về lợi ích của việc học nghề

"Thừa thầy, thiếu thợ" là vấn đề hầu như ai cũng biết nhưng ít phụ huynh nào muốn bỏ lỡ cơ hội học tập của con em mình để chúng rẽ sang con đường học nghề. Để phụ huynh thật sự thay đổi suy nghĩ về việc cho con học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, trường nghề cần tư vấn kỹ hơn cho phụ huynh về lợi ích của học nghề, bảo đảm cơ hội việc làm sau tốt nghiệp nghề./.

Đặng Tuấn (ghi)

Chia sẻ bài viết