Tiếng Việt | English

21/11/2018 - 10:45

Thầy giáo quân hàm xanh

Nơi biên giới, đêm đêm, những người thầy giáo quân hàm xanh vẫn đều đặn đến lớp học tình thương, mang con chữ đến với trẻ em nghèo, con em Việt kiều Campuchia. Dù chưa qua trường lớp sư phạm nhưng những người thầy ấy luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức với mong muốn giúp các em có được cái chữ.

Cùng các em nắn nót từng con chữ

Cùng các em nắn nót từng con chữ

Đều đặn từ 18 giờ đến 20 giờ hàng ngày, lớp học tình thương do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (BP) Tuyên Bình phụ trách lại sáng đèn. Các em nhỏ háo hức đến lớp sau một ngày mưu sinh.

Thầy giáo Lê Văn Sen cho biết: “Được Ban Chỉ huy đồn BP Tuyên Bình phân công trực tiếp đứng lớp giảng dạy, ban đầu, tôi còn bỡ ngỡ nhưng với tinh thần trách nhiệm của người lính, tôi cố gắng dạy các em đọc, viết và làm toán thành thạo. Ngoài ra, chúng tôi còn giúp các em tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của địa phương”. Phụ trách lớp học, ngoài binh nhất Lê Văn Sen còn có binh nhất Nguyễn Quốc Huy.

Hầu hết học sinh của lớp học tình thương là con em người Việt Nam từ Campuchia di cư tự do về. Hàng ngày, các em phải mưu sinh giúp gia đình, tối đến lớp học tình thương. Thương các em sớm chịu vất vả, thiệt thòi, ngoài dạy chữ, cán bộ, chiến sĩ đồn BP còn vận động mạnh thường quân tặng quà, tập, sách hỗ trợ. Em Nguyễn Thị Út - học sinh lớp học tình thương, chia sẻ: “Nhà em nghèo lắm, ba mẹ đi làm mướn, em được các chú bộ đội dạy cho biết chữ, biết làm toán nên mừng lắm!”.

Thầy Tô Văn Nhanh - giáo viên phổ cập xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Phụ trách công tác phổ cập, chúng tôi hiểu cái khó của các chiến sĩ BP khi được phân công giảng dạy nên Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tuyên Bình và tập thể giáo viên luôn giúp đỡ về chuyên môn, tạo điều kiện cho các chiến sĩ tham gia hoạt động sư phạm và thường xuyên trao đổi về phương pháp giảng dạy”.

Thiếu tá Dư Đình Bằng - Đồn trưởng Đồn BP Tuyên Bình, cho biết: “Một số hộ dân di cư tự do về sinh sống trên địa bàn Tuyên Bình, họ không có giấy tờ tùy thân, không nghề nghiệp ổn định, chủ yếu làm thuê, làm mướn, các cháu nhỏ đi bán vé số và hầu như không biết tiếng Việt. Trước tình hình đó, đồn phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Hưng, Trường Tiểu học Tuyên Bình vận động các hộ cho con em đến lớp học tình thương. Hiện tại, đồn tổ chức được 5 lớp với 48 học sinh theo học”.

Bằng tình thương và trách nhiệm, các thầy giáo quân hàm xanh không chỉ giúp học sinh nghèo nơi biên giới biết đọc, biết viết mà còn dạy đạo đức cho các em. Những việc làm mang nặng nghĩa tình góp phần tô thắm hình ảnh người chiến sĩ BP. Ngày Nhà giáo Việt Nam, dù không có hoa, không có quà nhưng những người thầy quân hàm xanh vẫn ngập tràn hạnh phúc bởi sự yêu thương của người dân, sự kính trọng của học sinh. Với họ, không niềm vui nào bằng khi thấy các em biết đọc, biết viết và ngày càng chăm ngoan./.

Minh Luận

Chia sẻ bài viết